Pháp luật

Đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao hiệu quả hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp vừa và nhỏ

Phần lớn doanh nghiệp quy mô nhỏ và vừa không có bộ phận hỗ trợ pháp lý chuyên nghiệp, trong khi hệ thống văn bản pháp luật liên tục được điều chỉnh, thay đổi, sửa đổi… nên nhu cầu hỗ trợ pháp lý là rất lớn.

Các doanh nghiệp nhỏ và vừa ở Thanh Hóa đang tạo đà phát triển hướng đến mục tiêu đưa tỉnh trở thành cực tăng trưởng mới ở phía Bắc. 
Ảnh: Tuấn Anh - TTXVN

Chương trình hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa đã được triển khai nhiều năm, nhưng đến nay, nhiều doanh nghiệp vẫn chưa biết đến chương trình này. Để việc hỗ trợ đi vào hiệu quả, thực chất, cần đẩy mạnh tuyên truyền, tập huấn nâng cao năng lực thực thi cho cả người hỗ trợ và người được hỗ trợ pháp lý.

Ông Nguyễn Ngọc Thanh Chung, Phó Giám đốc Trung tâm khởi nghiệp - Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ Thuật Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, những năm gần đây, cả nước khuyến khích phong trào khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp thường là doanh nghiệp nhỏ, thậm chí siêu nhỏ. Những doanh nghiệp này không có điều kiện nhân sự, tài chính để tổ chức ban pháp chế. Do đó, đây là nhóm đối tượng cần được hỗ trợ pháp lý nhiều nhất. Trong bối cảnh hệ thống văn bản pháp luật liên tục thay đổi, điều chỉnh, bổ sung, rất cần xây dựng đội ngũ tư vấn viên có năng lực, nhiệt huyết với doanh nghiệp, nhằm giúp họ hiểu đúng, đủ và tuân thủ pháp luật liên quan đến kinh doanh.

Ông Nguyễn Duy Hưng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp xuất nhập khẩu Đồng Nai cũng cho biết, trong số các vướng mắc của doanh nghiệp, có hơn 70% vướng mắc liên quan đến pháp lý. Tuy nhiên, hiệp hội doanh nghiệp hầu như chưa được tham gia bất cứ hội nghị, hội thảo nào liên quan đến việc hỗ trợ pháp lý. Điều các doanh nghiệp quan tâm là làm thế nào nắm bắt kịp thời các quy định pháp luật ban hành mới, ban hành bổ sung, sửa đổi; có được môi trường pháp lý đầy đủ, minh bạch, thực thi thống nhất, khi vướng mắc thì biết gặp ai để được hỗ trợ, giải quyết...

Ông Châu Minh Nguyện, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp dội Doanh nghiệp tỉnh Đồng Nai cũng chia sẻ, đầu mối tập hợp doanh nghiệp là các hiệp hội, nhưng thực tế thời gian qua, công tác thông tin, tuyên truyền từ cơ quan quản lý đến doanh nghiệp, thông qua hiệp hội chưa được xuyên suốt. Không có cơ quan nào thông báo, thông tin đến hiệp hội doanh nghiệp các văn bản, thay đổi chính sách vì hiệp hội không nằm trong hệ thống cơ quan quản lý nhà nước, không phải hội đặc thù mà là hội ngành nghề. Nghị định 55/2019/NĐ-CP về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa được ban hành năm 2019 đã đề cập việc xây dựng mạng lưới tư vấn viên để hỗ trợ cho doanh nghiệp, nhưng đến nay, các hiệp hội, doanh nghiệp rất khó để biết mạng lưới tư vấn viên ở đâu, hoạt động ra sao để tiếp cận khi cần.

Ông Lê Vệ Quốc, Cục trưởng Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật, Bộ Tư pháp cho biết, tại Việt Nam, doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm 97%, trong đó 62% là doanh nghiệp siêu nhỏ, đối diện nhiều khó khăn về nhân lực, cơ sở vật chất, kinh phí, năng lực cạnh tranh hạn chế. Phần lớn doanh nghiệp quy mô nhỏ và vừa không có bộ phận hỗ trợ pháp lý chuyên nghiệp, trong khi hệ thống văn bản pháp luật liên tục được điều chỉnh, thay đổi, sửa đổi… nên nhu cầu hỗ trợ pháp lý là rất lớn. Chương trình hỗ trợ pháp lý doanh nghiệp được triển khai trên cơ sở Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa 2017, Nghị định 55/2019/NĐ-CP và nhiều văn bản khác, cho thấy công tác hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt doanh nghiệp nhỏ và vừa được Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm.

Theo ông Lê Vệ Quốc, mặc dù cơ chế, chính sách đã tương đối đầy đủ, nhưng thực tế hoạt động, công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp vẫn còn nhiều vấn đề, vẫn còn hoạt động mang tính hình thức, một số cơ quan, ban, ngành còn thờ ơ… dẫn đến hiệu quả chưa như mong muốn. Do đó, thời gian tới, Bộ Tư pháp cũng như Sở Tư pháp các địa phương cần đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao hiệu quả hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp vừa và nhỏ. Để làm được việc đó, các địa phương phải khảo sát, lấy ý kiến về nhu cầu của doanh nghiệp trước khi xây dựng kế hoạch, phân công thực hiện, trách nhiệm của từng đơn vị, cá nhân; định kỳ sơ kết, tổng kết về hiệu quả chương trình để điều chỉnh cho phù hợp với nhu cầu thực tế.

“Tuy nhiên, chương trình hỗ trợ không thể giải quyết tất cả các vấn đề pháp lý liên quan đến hoạt động kinh doanh; doanh nghiệp phải chủ động đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, cập nhật thông tin qua các kênh khác nhau. Việc xây dựng môi trường pháp lý lành mạnh, công bằng, minh bạch, an toàn phải xuất phát từ hai phía; trong đó, cơ quan quản lý nhà nước làm đúng, đủ chức trách của mình và doanh nghiệp phải hưởng ứng, đồng hành và tuân thủ.”, ông Lê Vệ Quốc nhấn mạnh./.

PV

Xem thêm