Xã hội

Đa dạng, hiện đại hóa việc giáo dục truyền thống, di sản văn hóa học đường

Cần Thơ

Qua các hoạt động giáo dục, Cần Thơ thu được nhiều kết quả tích cực trong hoạt động giáo dục tình yêu quê hương, đất nước, khơi dậy niềm tự hào dân tộc cho thế hệ trẻ, tăng cường mối liên kết giữa các em học sinh với di sản văn hóa tại địa phương.

Ban tổ chức khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác giáo dục truyền thống và di sản văn hóa trong học đường năm học 2023 – 2024.
Ảnh: Nguyễn Trung Kiên - TTXVN

Sáng 6/9, tại Hội nghị tổng kết công tác giáo dục truyền thống và di sản văn hóa trong học đường năm học 2023 - 2024, triển khai kế hoạch năm học 2024 - 2025 của thành phố Cần Thơ, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch thành phố Cần Thơ Nguyễn Minh Tuấn đánh giá: Chương trình giáo dục truyền thống và di sản văn hóa học đường đã đạt nhiều kết quả tích cực, ngày càng lan tỏa. Hình thức, nội dung tuyên truyền phong phú, có ứng dụng công nghệ số hóa tuyên truyền phù hợp với thực tế.

Ông Nguyễn Minh Tuấn yêu cầu Bảo tàng thành phố với vai trò trọng tâm trong việc này cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số và sáng tạo thêm các chương trình mới hấp dẫn, phù hợp, thu hút mọi lứa tuổi học sinh. Đồng thời phối hợp cùng thanh niên quận đoàn, huyện đoàn và trường học trongtuyên truyền, nhằm phát huy nhân tố tuyên truyền viên. Bên cạnh đó, các cơ quan văn hóa cần chủ động phối hợp với trường học để đưa học sinh đến tham quan và chăm sóc di tích.

Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch thành phố Cần Thơ Nguyễn Minh Tuấn phát biểu tại Hội nghị.
Ảnh: Nguyễn Trung Kiên - TTXVN

Sở Giáo dục và Đào tạo tiếp tục chỉ đạo các trường phối hợp với bảo tàng, tăng kinh phí cho hoạt động giáo dục truyền thống và di sản; duy trì, đẩy mạnh các buổi học tập ngoại khóa tại di tích, công trình văn hóa để cho học sinh tiếp xúc trực tiếp với di sản, tạo sự gắn bó, nâng cao ý thức tôn trọng, gìn giữ, phát huy di sản văn hóa.

Hội nghị cũng ghi nhận nhiều ý kiến nhằm định hướng, phát huy và chia sẻ kinh nghiệm, cách làm hay trong giáo dục truyền thống và di sản văn hóa.

Theo ông Lê Trung Hiếu, Phó Bí thư Quận đoàn Ninh Kiều, trong kỳ nghỉ hè vừa qua, Ban thường vụ Quận đoàn Ninh Kiều đã triển khai nhiều hoạt động phối hợp đưa hơn 1.800 lượt học sinh tham quan, trải nghiệm Bảo tàng thành phố và Khu di tích Khám Lớn. Thông qua hoạt động, thu nhận được nhiều kết quả tích cực trong hoạt động giáo dục tình yêu quê hương, đất nước, khơi dậy niềm tự hào dân tộc cho thế hệ trẻ, đặc biệt là việc tăng cường mối liên kết giữa các em học sinh với di sản văn hóa tại địa phương.

Ông Lê Trung Hiếu, Phó Bí thư Quận đoàn Ninh Kiều, tham luận tại Hội nghị.
Ảnh: Nguyễn Trung Kiên - TTXVN

Thầy Nguyễn Duy Linh, Phó Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Thới Long, quận Ô Môn đề xuất, việc giáo dục truyền thống và di sản văn hóa cần tập trung vào một số chủ đề như: Lịch sử dân tộc, văn hóa - phong tục truyền thống, anh hùng dân tộc, nhân vật lịch sử, đạo đức lối sống; nghệ thuật truyền thống; khoa học- công nghệ trong lịch sử.

Các đơn vị cần kết hợp việc giáo dục với hoạt động trải nghiệm thực tế, đưa học sinh đến với di tích lịch sử, bảo tàng, làng nghề truyền thống, qua đó, giúp các em trải nghiệm, hiểu sâu hơn về lịch sử văn hóa dân tộc. Ngoài ra, thầy cũng đánh giá cao tác dụng của việc áp dụng công nghệ thông tin và ứng dụng tương tác vào các bài học lịch sử, văn hóa.

Hội khuyến học thành phố Cần Thơ trao tặng 500 quyển tập cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn nhân dịp đầu năm học mới.
Ảnh: Nguyễn Trung Kiên - TTXVN

Trong năm học 2023 - 2024, Bảo tàng thành phố Cần Thơ đã phối hợp với 36 trường học thuộc 9 quận, huyện triển khai giáo dục truyền thống và di sản văn hóa trong học đường; qua đó, thu hút hơn 94.000 lượt giáo viên, học sinh tham gia.

Các hoạt động tuyên truyền, giáo dục nhìn chung được triển khai với nhiều hình thức đa dạng và ngày càng mới mẻ, hiện đại, trực quan nhằm thu hút sự tham gia của thế hệ trẻ. Nổi bật là lồng ghép nội dung vào chương trình học với tham quan bảo tàng; tìm hiểu về di sản văn hóa tại triển lãm, trưng bày; ứng dụng công nghệ sinh hoạt tìm hiểu về văn hóa, di sản; tuyên truyền về di sản văn hóa kết hợp với thực hành, giao lưu nghệ nhân…

Trong năm học mới, Bảo tàng thành phố Cần Thơ đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số nhằm đưa di sản văn hóa đến thế hệ trẻ, phối hợp với các đơn vị liên quan thực hiện nội dung số hóa tư liệu triển lãm, trưng bày. Bên cạnh đó, Bảo tàng cũng lồng ghép các trò chơi vận động, đố vui trong giáo dục nhằm tạo hứng thú cho trẻ em; đẩy mạnh thực hiện chương trình giáo dục trong giờ ngoại khóa./.

Nguyễn Trung Kiên

Xem thêm