Xã hội

Đa dạng phương thức giúp phụ nữ, trẻ em tránh rơi vào bẫy lừa đảo

Hải Phòng

Hội Phụ nữ chủ động phối hợp với các cấp, các ngành có nhiều hoạt động thiết thực, góp phần tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên, phụ huynh và học sinh nâng cao nhận thức, kỹ năng di cư an toàn và phòng, chống mua bán người.

Chiều 9/8/2024, Hội Liên hiệp Phụ nữ Hải Phòng phối hợp với Tổ chức Di cư cư quốc tế (IOM) tại Việt Nam trao giải Cuộc thi vẽ tranh truyền thông về phòng, chống mua bán người và thúc đẩy di cư an toàn. 
Ảnh: Minh Thu- TTXVN

Trước nguy cơ các bẫy lừa đảo xuất hiện ngày càng tinh vi với đối tượng nhằm đến là phụ nữ, trẻ em, Hội Liên hiệp Phụ nữ Hải Phòng tích cực triển khai nhiều phương thức truyền thông để hỗ trợ phụ nữ, trẻ em tránh rơi vào bẫy lừa đảo, trong đó có lừa đảo qua mạng và nạn buôn bán người.

*Xây dựng tình huống thực tế

Mới đây, Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố Hải Phòng phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam và Tổ chức Di cư quốc tế (IOM) tổ chức chương trình truyền thông về di cư an toàn và phòng, chống mua bán người cho khoảng 500 thanh niên và học sinh trên địa bàn xã Ngũ Lão và xã Lưu Kiếm huyện Thủy Nguyên, thành phố Hải Phòng. Những người tham dự được xem vở kịch ngắn "Đánh cược tương lai" với những tình huống về bẫy lừa đảo. Tiếng đấm đá, tiếng gằn rít từ gương mặt của diễn viên đóng vai chủ casino, tiếng gào thét, gương mặt hoảng loạn của diễn viên đóng vai người đi tìm "việc nhẹ lương cao" làm cho tất cả học sinh, người tham dự có cảm xúc như người trong cuộc.

Ngay sau nút thắt của các vở kịch ngắn, người dẫn chương trình đã mời thanh niên, học sinh trực tiếp tham vai diễn và đưa ra tình huống xử lý của mình nếu không may là người trong cuộc. Sau các nội dung truyền thông về mua bán người, các cạm bẫy tình, tiền trên mạng được "sân khấu hóa", đại diện Hội Liên hiệp Phụ nữ Hải Phòng và đại diện các đơn vị tham gia, trong đó có lực lượng công an sẽ tiếp tục đưa ra các trò chơi như giải đố ô chữ, tìm câu trả lời đúng... để hội viên và các em học sinh tham gia dễ nhớ, dễ hiểu nội dung truyền thông.

Hãy là “người thông thái”, tránh sập bẫy lừa đảo trên mạng xã hội

Đầu tháng 7/2024, Hội Liên hiệp Phụ nữ Hải Phòng tiếp tục phối hợp với Tổ chức Di cư Quốc tế (IOM) tại Việt Nam tổ chức Cuộc thi vẽ tranh truyền thông về phòng, chống mua bán người và thúc đẩy di cư an toàn năm 2024 dành cho học sinh, đoàn viên thanh niên trong độ tuổi từ 15-30. Cuộc thi yêu cầu các tác phẩm tham dự phản ánh, thể hiện những kiến thức về các kỹ năng cần thiết để di cư an toàn, nâng cao nhận thức về các thủ đoạn, hành vi lừa đảo và đề xuất các giải pháp phòng, chống mua bán người. Các bài dự thi sẽ được cộng điểm nếu phản ánh sát thực trạng lừa đảo mua bán người và di cư trái phép xảy ra trên nền tảng trực tuyến, với việc tội phạm lợi dụng các nền tảng mạng xã hội nhằm lừa gạt, lôi kéo nạn nhân.

Anh Nguyễn Đắc Khánh Hưng, đại diện đoàn viên thanh niên của huyện Thủy Nguyên cho biết: Cuộc thi góp phần nâng cao nhận thức cho các em học sinh và cộng đồng về những rủi ro của di cư không an toàn, giúp các em có hành trang vững chắc khi đưa ra quyết định di cư, giúp giảm thiểu nguy cơ trở thành nạn nhân của mua bán người.

*Phối hợp tăng tính hiệu quả 

Để giúp hội viên phụ nữ cũng như các em học sinh chủ động trong sử dụng thông tin trên mạng xã hội, tránh thông tin xấu, độc, Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố Hải Phòng và các cấp Hội đã tổ chức nhiều buổi truyền thông về phòng, tránh các thủ đoạn lừa đảo qua mạng xã hội. Tại các buổi truyền thông này, đại diện ngành Công an và Đoàn Thanh niên đã cung cấp những thông tin bao quát nhất về các thủ đoạn lừa đảo, đưa ra các khuyến cáo quan trọng như: không chia sẻ thông tin, giấy tờ cá nhân lên mạng xã hội, không khai thông tin theo các đường link được gửi từ các cá nhân, tổ chức khi chưa xác minh hoặc khi phát hiện đối tượng có dấu hiệu lừa đảo. Thanh thiếu niên cần cẩn trọng trong kết bạn, hẹn hò qua mạng.

Tại buổi "Truyền thông cho trẻ em về kỹ năng sử dụng mạng xã hội an toàn và văn minh" do Hội Liên hiệp Phụ nữ Hải Phòng tổ chức vào trung tuần tháng 7/2024, lãnh đạo Hội Liên hiệp Phụ nữ Hải Phòng cho biết, theo số liệu của Tổng đài bảo vệ trẻ em quốc gia 111, trong 3 năm từ 2021-2023, có 1.300 cuộc gọi đến với nội dung về bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng (trung bình mỗi ngày có 1,2 cuộc gọi ), trong đó có 1.224 cuộc gọi tư vấn về các nội dung gồm: xâm hại tình dục trẻ em: 366 cuộc; bóc lột tình dục: 28 cuộc; trẻ em bị bạo lực, bắt nạt 132 cuộc; trẻ em bị dụ dỗ, gạ gẫm 142 cuộc; cách sử dụng internet an toàn 477 cuộc; còn lại là các nội dung khác.

Học sinh trên địa bàn huyện Thủy Nguyên xem tác phẩm đoạt giải thi vẽ tranh truyền thông mua bán người
Ảnh: Minh Thu - TTXVN

Theo chị Nguyễn Thị Năm, hội viên Hội Liên hiệp Phụ nữ phường Niệm Nghĩa, quận Lê Chân, thành phố Hải Phòng, chị đã tham dự một số buổi truyền thông do Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức, giúp phụ nữ, trẻ em tiếp cận, xử lý thông tin trên mạng xã hội an toàn, văn minh. Qua các buổi truyền thông này, chị có thêm nhiều kiến thức, kỹ năng trong xử lý tình huống thực tế xảy ra với chính bản thân mình, nhất là tránh tuyệt đối chia sẻ thông tin cá nhân cho đối tượng lạ. Các tình huống thực tiễn từ các buổi truyền thông cũng giúp chị Năm hiểu những khó khăn của các con mình khi tiếp cận thông tin qua mạng xã hội, từ đó, chị luôn đồng hành cùng con, hỗ trợ con chọn lọc thông tin tích cực, giảm tương tác với thông tin tác động tiêu cực đến tâm sinh lý của trẻ em.

Theo bà Phạm Thúy Hải, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Hải Phòng, nhận thức sâu sắc tầm quan trọng và vai trò tích cực của công tác truyền thông nhằm giảm thiểu các nguy cơ tội phạm mua bán người và thúc đẩy di cư an toàn, Hội đã chủ động, tích cực phối hợp với các cấp, các ngành, địa phương có nhiều hoạt động thiết thực, góp phần tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên, phụ huynh và học sinh nâng cao nhận thức, kỹ năng di cư an toàn và phòng, chống mua bán người. Tính từ năm 2019 đến nay, Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố đã phối hợp với Tổ chức Di cư Quốc tế tại Việt Nam và Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tổ chức 3 hội thảo, 6 lớp tập huấn, 15 cuộc truyền thông cho hơn 5.000 người trên địa bàn huyện Thủy Nguyên về phòng, chống mua bán người và di cư an toàn. Một trong những thách thức lớn trong chăm sóc, bảo vệ trẻ em giai đoạn hiện nay là hoạt động hỗ trợ, bảo vệ trẻ em trước những nguy cơ khi tiếp xúc với mạng xã hội./.

PV

Xem thêm