Chương trình nghệ thuật dân tộc dân gian “Hồn Việt” được giới thiệu, với mục tiêu từng bước xây dựng thành một chuỗi các sản phẩm du lịch văn hóa, đáp ứng sự mong đợi của khách du lịch trong nước và quốc tế.
Tối 26/9, tại Hà Nội, Hiệp hội Du lịch Việt Nam phối hợp với Công ty biểu diễn nghệ thuật SOL8- Live Stage và Vạn Show tổ chức Lễ kỷ niệm hưởng ứng Ngày Du lịch thế giới 27/9 và giới thiệu Chương trình nghệ thuật dân tộc dân gian “Hồn Việt”.
Chương trình nghệ thuật dân tộc dân gian “Hồn Việt” được giới thiệu, với mục tiêu từng bước xây dựng thành một chuỗi các sản phẩm du lịch văn hóa, đáp ứng sự mong đợi của khách du lịch trong nước và quốc tế.
Trong thời lượng gần một tiếng, chương trình đưa khán giả đến với không gian nghệ thuật được xâu chuỗi bởi nhiều tiết mục đặc sắc, thể hiện vẻ đẹp của nhiều loại hình nghệ thuật dân tộc Việt Nam như: Hoà tấu dàn nhạc dân tộc “Một vòng Việt Nam”; hát chèo “Đào Liễu”; ca trù “Tây Hồ”; Hòa tấu Đàn Bầu “Mẹ yêu con”; hát xẩm “Mục hạ vô nhân”; hát văn “Cô Đôi thượng ngàn”…
Chương trình có sự tham gia biểu diễn của Nghệ sĩ Nhân dân Hoàng Anh Tú; các Nghệ sĩ Ưu tú: Minh Phương, Thúy Hòa, Ngọc Anh, Lê Minh… Sau buổi biểu diễn, chương trình đã nhận được những ý kiến góp ý từ các chuyên gia, đại diện các công ty du lịch, lữ hành để nâng cao sức hút đối với du khách
Phát biểu tại sự kiện, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam Cao Thị Ngọc Lan cho biết: Hằng năm, vào ngày 27/9, ngành Du lịch trên toàn thế giới luôn tổ chức các sự kiện nhằm nâng cao nhận thức của người dân về tầm quan trọng của ngành Du lịch đối với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của các quốc gia. Đây cũng là dịp khơi dậy lòng tự hào, niềm tin của những người làm du lịch, cộng đồng doanh nghiệp du lịch về ngày truyền thống, vai trò, vị trí của ngành Du lịch.
Năm nay, với chủ đề “Du lịch và Hòa bình”, Tổ chức Du lịch Liên hợp quốc đã truyền đi thông điệp: Du lịch có thể đóng vai trò quan trọng như một chất xúc tác thúc đẩy hòa bình và sự hiểu biết giữa các quốc gia và các nền văn hóa, đồng thời hỗ trợ các quá trình hòa giải.
Du lịch còn có liên hệ rõ ràng với các yếu tố xây dựng hòa bình, như: công bằng xã hội, quyền con người, công bằng kinh tế, phát triển bền vững và nền dân chủ rộng rãi với khả năng giải quyết xung đột phi bạo lực. Ngoài lợi ích kinh tế, sức mạnh lớn nhất của du lịch là mang mọi người lại gần nhau. Du lịch có tiềm năng đóng góp vào hòa bình theo nhiều cách và những tiềm năng này cần được khám phá, đánh giá một cách phù hợp.
Đặc biệt trong thông điệp kỷ niệm Ngày Du lịch Thế giới, Tổ chức Du lịch Liên hợp quốc nhấn mạnh đến vai trò của giới trẻ. Tương lai của du lịch nằm trong tay giới trẻ.
Bằng cách đầu tư vào thanh niên, cung cấp các cơ hội giáo dục và đào tạo, đồng thời khuyến khích sự tham gia tích cực của họ vào ngành Du lịch, có thể khai thác tiềm năng của họ để thúc đẩy thay đổi xã hội và thúc đẩy hòa bình. Tài năng trẻ mang lại những quan điểm mới mẻ, sáng tạo và năng lượng cần thiết cho sự phát triển liên tục của du lịch như một lực lượng vì những điều tốt đẹp.
Năm 2024, thế giới đã và đang chứng kiến nhiều sự thay đổi, tác động không nhỏ tới ngành Du lịch toàn cầu nói chung và mỗi quốc gia nói riêng. Cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội, hiện nay, Du lịch Việt Nam đã hội tụ đủ điều kiện để có thể khẳng định rõ vị thế là ngành kinh tế quan trọng.
Theo số liệu vừa công bố của Cục Du lịch quốc gia Việt Nam, trong 8 tháng năm 2024, du lịch Việt Nam đã ghi nhận những tín hiệu tích cực. Khách quốc tế đạt 11,4 triệu lượt, tăng 45,8% so với cùng kỳ năm 2023 và tăng 1% so với cùng kỳ năm 2019 - thời điểm trước dịch COVID - 19. Khách du lịch nội địa đạt 89,5 triệu lượt, tổng thu du lịch ước đạt 586,1 nghìn tỷ đồng. Kết quả đó cho thấy năm 2024, du lịch Việt Nam sẽ phục hồi toàn diện, có khả năng vượt qua kỷ lục của năm 2019 trước đại dịch COVID-19./.