Các tỉnh Quảng Ninh, Bắc Giang, Hải Dương đã có những định hướng phát triển với nhiều đột phá, sáng tạo, nhằm bảo tồn, phát huy giá trị của di tích, gắn với phát triển du lịch.
Trong nỗ lực và hành trình đưa Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc tới danh hiệu Di sản thế giới, các tỉnh Quảng Ninh, Bắc Giang, Hải Dương đã có những định hướng phát triển với nhiều đột phá, sáng tạo, nhằm bảo tồn, phát huy giá trị của di tích, gắn với phát triển du lịch. Trong đó một tuyến du lịch theo dấu chân các vị phật tổ thiền phái Trúc Lâm - Yên Tử đang dần hình thành và thu hút sự chú ý của nhiều du khách, người hành hương Việt Nam và trên thế giới.
* Tập trung bảo tồn, phát triển du lịch văn hóa tâm linh
Trong hồ sơ "Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc", trình UNESCO công nhận là Di sản thế giới, tỉnh Bắc Giang có hai điểm di tích, là chùa Vĩnh Nghiêm và chùa Bổ Đà.
Theo ông Đỗ Tuấn Khoa, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Bắc Giang, cả 2 điểm này đều là di tích, cụm di tích tiêu biểu nổi bật có vai trò rất quan trọng. Các di tích chùa Vĩnh Nghiêm và chùa Bổ Đà tỉnh Bắc Giang đều là di tích quốc gia đặc biệt, chứa đựng hệ thống di vật, loại hình di sản văn hóa rất độc đáo đáp ứng được các tiêu chí III, VI của UNESCO. Đây cũng là nơi mang nhiều dấu ấn cho sự ra đời của Thiền phái Trúc Lâm - Yên Tử, dòng thiền độc đáo mang dấu ấn riêng của Việt Nam, cùng nhiều di sản phi vật thế vô giá, thể hiện giá trị di sản nổi bật toàn cầu đối với Việt Nam, châu Á, thế giới như bộ Mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm được UNESCO công nhận là Di sản tư liệu ký ức thế giới khu vực châu Á – Thái Bình Dương; mộc bản chùa Bổ Đà - Bảo vật quốc gia Việt Nam…
Xác định giá trị, ý nghĩa vô cùng to lớn của hệ thống di sản trên, ngay sau khi có chủ trương của Chính phủ về việc lập hồ sơ liên tỉnh cho di sản, qua hơn 2 năm thực hiện, tỉnh Bắc Giang đã tích cực chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, phối hợp chặt chẽ với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Ủy ban UNESCO Việt Nam và các đơn vị được giao xây dựng hồ sơ. Tỉnh Bắc Giang tham gia thực hiện 3 đề tài nghiên cứu khoa học; tổ chức khảo sát thực hiện 3 đợt khai quật khảo cổ học trên địa bàn tỉnh về dấu tích thời Lý - Trần; tham gia 4 hội nghị tham vấn cùng các nhà khoa học của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và 3 tỉnh; chủ trì nhiều đợt khảo sát liên tỉnh và các cơ quan nghiên cứu xây dựng hồ sơ tại các điểm di sản của tỉnh.
Bên cạnh đó, Bắc Giang cũng tiếp tục thực hiện tốt công tác nhận diện di sản, bảo tồn, phát huy giá trị di sản trên địa bàn tỉnh trong định hướng phát triển bền vững, định hướng phát triển du lịch dựa trên lợi thế về di sản, trong đó có du lịch tâm linh. Phật giáo Trúc Lâm Yên Tử, các di tích, danh thắng gắn với quần thể di sản thời Lý - Trần là yếu tố độc đáo để định hình xây dựng thành sản phẩm du lịch cối lõi của Bắc Giang - "Con đường Hoằng dương Phật pháp của các vị Tổ Phật giáo Trúc Lâm Yên Tử". Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá giá trị di sản sâu rộng tới người dân để nâng tầm hiểu biết, ý thức bảo vệ di sản; tăng cường đầu tư, có thêm nhiều chính sách cho công tác bảo tồn, tôn tạo phát huy giá trị 2 điểm di tích. Chú trọng việc bảo tồn tính nguyện vẹn, yếu tố gốc của di sản theo công ước của UNESCO tránh các tác động gây hại làm biến dạng, hư hại di sản.
Tỉnh Quảng Ninh cũng rất chú trọng tới việc bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di tích. Theo Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Quảng Ninh Nguyễn Mạnh Hà, trong những năm qua, tỉnh đã quan tâm, trú trọng tiếp tục triển khai 3 Quy hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, gồm: Đề án mở rộng và phát triển Khu di tích lịch sử và danh thắng Yên Tử, Quy hoạch tổng thể bảo tồn và phát huy giá trị khu di tích lịch sử Chiến thắng Bạch Đằng và Quy hoạch tổng thể bảo tồn và phát huy giá trị khu di tích lịch sử nhà Trần ở Đông Triều.
Hàng năm, Sở Văn hóa và Thể thao đã tham mưu hướng dẫn hoạt động bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích cho các huyện, thị xã, thành phố theo quy định của Luật Di sản văn hóa, Nghị định số 166/2018/NĐ-CP, ngày 25/12/2018 của Chính phủ quy định thẩm quyền, trình tự, thủ tục lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch, dự án bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh...
Để thuận lợi và có định hướng cho việc bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị di tích, Sở Văn hóa và Thể thao Quảng Ninh đã triển khai xây dựng Đề án bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị hệ thống di tích trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2020-2030.
* Sáng tạo, đột phá để phát triển du lịch
Theo ông Lê Duy Mạnh, Phó Trưởng Ban Quản lý di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc, cùng với nỗ lực bảo vệ các di tích hiện hữu, Hải Dương đã nghiên cứu, phục dựng các công trình kiến trúc của di tích từng có trong lịch sử, dựa theo những tư liệu và kết quả khảo cổ học. Việc phục dựng đều tuân thủ chặt chẽ các quy định của Luật Di sản văn hóa và các tiêu chí xếp hạng Di sản thế giới của UNESCO.
Phó Trưởng Ban Quản lý di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc Lê Duy Mạnh cho biết, các di tích đã được tu bổ, tôn tạo đúng với các hệ thống di tích đã ghi trong văn bia và các tài liệu lịch sử. Tại di tích Côn Sơn, đã khôi phục lại gác chuông, tòa Cửu phẩm liên hoa, Hậu đường, Lầu thờ Đức Phật Quán thế âm Bồ Tát, Am Bạch Vân. Tại di tích Kiếp Bạc, đã khôi phục lại nhà giải vũ, đền chính và các di tích liên quan đến thái ấp Vạn Kiếp của Đức Thánh Trần ở thế kỷ 8…
Cùng với đó, công tác bảo tồn, nâng cấp lễ hội chùa Côn Sơn vào tháng Giêng, lễ hội đền Kiếp Bạc vào tháng Tám âm lịch hàng năm cũng được Hải Dương quan tâm. Thực hiện Đề án nâng cấp lễ hội từ năm 2006, Hải Dương đã phục dựng các nghi lễ, diễn xướng hầu Thánh, Hội quân trên sông Lục Đầu, lễ tưởng niệm ngày mất của Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn... Năm 2012, Côn Sơn-Kiếp Bạc đã được xếp hạng là di tích Lịch sử và Kiến trúc nghệ thuật Quốc gia đặc biệt. Lễ hội chùa Côn Sơn và Lễ hội đền Kiếp Bạc được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể của Quốc gia.
Bên cạnh công tác bảo tồn, Hải Dương nỗ lực tuyên truyền, quảng bá để giá trị của di tích được lan tỏa và ngày càng phát huy. Theo ông Lê Duy Mạnh, để khai thác thế mạnh của khu di tích, Ban quản lý xác định, ở Kiếp Bạc có hệ thống sông Lục Đầu- hệ thống sông lớn nhất miền Bắc, nơi 6 con sông lớn đều chảy qua. Đây cũng là nơi diễn ra nhiều trận đánh xuyên suốt trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc từ năm 179 trước công nguyên. "Dự án xây dựng du lịch trên sông Lục Đầu sẽ có mô hình tương tự như Sông Hương (Huế). Theo khảo sát, ven sông Lục Đầu có 60 di tích trên hành trình liên quan đến thờ Đức thánh Trần, bên cạnh đó có rất nhiều sản vật địa phương như cá chép lưng gù, tôm Kiếp Bạc, gà đồi Côn Sơn... Du khách có thể vừa thưởng thức cảnh quan tươi đẹp, vừa thăm các khu di tích, đền thờ, vừa có thể thưởng thức quan họ, chèo... Nếu kết nối với Bắc Giang, Chí Linh có thể đi 2-3 ngày, có lưu trú, kết nối tiêu thụ sản phẩm…
Bên cạnh đó, loại hình 2 là du lịch thiền gắn với Trúc Lâm Yên Tử, sinh thái, nghỉ dưỡng, đang được tỉnh quan tâm và quyết liệt chỉ đạo, triển khai đó là dự án sinh thái Hồ Thanh Long có quy mô 1380 ha, trải rộng trên diện tích 2/3 tỉnh Hải Dương, 1/3 huyện Lục Nam (Bắc Giang), dự án sẽ tiến hành trong 8 năm với mức đầu tư 10 nghìn tỉ. Khi hoàn thành có thể thu hút 5-7 triệu du khách cho địa phương. Khu du lịch sinh thái hồ Thanh Long được xây dựng sẽ hình thành một khu du lịch tổng hợp có tầm cỡ quốc gia, quốc tế với các loại hình du lịch đặc trưng là lịch sử, văn hóa, tâm linh, sinh thái kết nối với Côn Sơn- Kiếp Bạc và các điểm di tích ở Hải Dương, Bắc Giang, Quảng Ninh… kỳ vọng sẽ tạo đà do du lịch xứ Đông cất cánh.
Ông Lê Duy Mạnh chia sẻ, dự kiến khi được UNESCO ghi danh là di sản thế giới, Khu di tích Côn Sơn- Kiếp Bạc sẽ đón khoảng 4 triệu khách/năm. Điều này đòi hỏi địa phương phải đi trước đón đầu trong đầu tư cơ sở hạ tầng, cơ sở lưu trú. Vì vậy, Ban Quản lý khu di tích Côn Sơn- Kiếp Bạc đang phối hợp với Viện Nghiên cứu phát triển du lịch, các bên liên quan xây dựng đề án đưa Côn Sơn- Kiếp Bạc thành khu du lịch quốc gia vào giai đoạn năm 2025-2030; đồng thời phối hợp cùng Viện Phát triển du lịch bền vững Việt Nam xây dựng đề án phát triển khu du lịch Côn Sơn- Kiếp Bạc đến năm 2030 định hướng 2045. Khi các đề án được phê duyệt, nhiều điểm hạn chế tại khu di tích sẽ được tháo gỡ, tạo đà phát triển.
Các chuyên gia cho rằng, việc Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc được công nhận là di sản thế giới có nhiều triển vọng và chỉ còn là vấn đề thời gian. Để chuẩn bị tốt cho việc tôn vinh, phát huy giá trị di sản sau khi được công nhận, thời gian tới, trách nhiệm của 3 tỉnh có di sản càng phải được nhân lên hơn bao giờ hết. Các địa phương cần tiến hành ngay những hành động cụ thể để chuẩn bị cho hoạt động về quản lý, bảo vệ, khai thác theo đúng quy định quốc tế cũng như luật pháp Việt Nam và định hướng phát triển bền vững mà UNESCO đặc biệt quan tâm.
Khi được công nhận, danh xưng Di sản thế giới sẽ góp phần để các di tích, dấu ấn di sản được giới thiệu, quảng bá rộng rãi hơn đến du khách trong nước, quốc tế, là tài nguyên quý cho phát triển du lịch của 3 tỉnh nói riêng, Việt Nam nói chung./.