Môi trường

Bảo vệ môi trường, cảnh quan di sản thiên nhiên tại Việt Nam

Ninh Bình

Việc nâng cao nhận thức bảo vệ môi trường di sản trong quần thể danh thắng Tràng An là cần thiết và có ý nghĩa thực tiễn, góp phần thực hiện hiệu quả quy định về bảo vệ môi trường nói chung, môi trường di sản thiên nhiên nói riêng.

Quang cảnh hội thảo. 
Ảnh: Đức Phương - TTXVN

Ngày 18/9, tại Ninh Bình, Viện Địa lý nhân văn, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam tổ chức Hội thảo “Tác động của các dự án phát triển tới môi trường và cảnh quan các di sản thiên nhiên tại Việt Nam”.

Tiến sỹ Nguyễn Song Tùng, Viện trưởng Viện Địa lý nhân văn, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam cho biết, việc thực hiện nhiệm vụ thường xuyên truyền thông, nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường cho người lao động của đơn vị với chủ đề năm 2024 "Bảo vệ môi trường di sản thiên nhiên” đóng vai trò quan trọng, nhằm khẳng định vai trò, trách nhiệm của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam trong công tác bảo vệ môi trường hướng tới việc cụ thể hóa mục tiêu phát triển bền vững của đất nước. Trong đó, nêu cao việc tuyên truyền về bảo vệ môi trường di sản thiên nhiên nói riêng và bảo vệ môi trường nói chung, không chỉ góp phần nâng cao nhận thức người lao động Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam trong thay đổi nhận thức, hành vi, tạo sức lan tỏa xã hội về bảo vệ môi trường mà còn cung cấp lượng lớn kiến thức cơ bản về di sản thiên nhiên, thách thức đặt ra và giải pháp, yêu cầu đối với bảo vệ môi trường di sản thiên nhiên. Qua đó, người lao động trong Viện được làm giàu thêm kiến thức, thực hiện tốt hơn vai trò tư vấn chính sách và thực hiện chức năng tham mưu, phản biện, đóng góp cơ sở khoa học trong phát triển chung của đất nước.

Tiến sỹ Nguyễn Song Tùng, Viện trưởng Viện Địa lý nhân văn, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam phát biểu khai mạc hội thảo. 
Ảnh: Đức Phương - TTXVN

Tại hội thảo, các đại biểu tập trung làm rõ nhiều vấn đề liên quan đến công tác bảo vệ môi trường cảnh quan tại khu di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới quần thể danh thắng Tràng An; bảo tồn, phát huy di sản văn hóa quần thể danh thắng Tràng An nhằm phát triển bền vững và kết nối di sản...

Hội thảo mong muốn, nhà quản lý, nhà nghiên cứu, nhà khoa học chia sẻ kinh nghiệm trong bảo vệ môi trường, bảo tồn, phát huy giá trị các di sản thiên nhiên gắn với nâng cao đời sống người lao động; thay đổi nhận thức, hành vi trong cuộc sống hàng ngày của mỗi cá nhân, góp phần vào công cuộc bảo vệ môi trường, nâng cao chất lượng cuộc sống.

Tại Ninh Bình, Quần thể Danh thắng Tràng An được Tổ chức Khoa học, Giáo dục và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) ghi danh là Di sản Văn hóa và Thiên nhiên Thế giới vào năm 2014. Đây là một trong 39 di sản hỗn hợp của thế giới, là di sản hỗn hợp đầu tiên của Việt Nam và khu vực Đông Nam Á, đáp ứng tổng hòa các nội dung cốt lõi của hệ sinh thái di sản thiên niên kỷ, đủ nền tảng và giá trị khoa học để phát triển tiếp nối hệ sinh thái di sản thiên niên kỷ Tràng An vào tổ chức đô thị và đời sống đương đại. Quần thể danh thắng Tràng An đóng vai trò là hạt nhân, trung tâm thúc đẩy phát triển du lịch trong toàn tỉnh, khẳng định vị trí du lịch Ninh Bình trên thị trường du lịch trong nước và quốc tế.

Bà Nguyễn Thị Huyền Trang, Phó trưởng Phòng Quản lý môi trường cảnh quan, Ban Quản lý Quần thể danh thắng Tràng An tham luận tại hội thảo. 
Ảnh: Đức Phương - TTXVN

Cùng quá trình phát triển du lịch nói riêng, phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nói chung, với sự tham gia của khách du lịch, môi trường cảnh quan khu vực đã chịu một số ảnh hưởng tiêu cực. Vì vậy, việc nâng cao nhận thức bảo vệ môi trường di sản trong quần thể danh thắng Tràng An là cần thiết và có ý nghĩa thực tiễn, góp phần thực hiện hiệu quả quy định về bảo vệ môi trường nói chung, môi trường di sản thiên nhiên nói riêng.

Trong khuôn khổ hội thảo, Ban tổ chức tổng kết và trao giải Cuộc thi "Thanh niên Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam chung thay kêu gọi bảo vệ môi trường di sản thiên nhiên của Việt Nam"./.

Ninh Đức Phương

Xem thêm