Văn hóa

Kỷ niệm 70 năm Giải phóng Thủ đô: Khẳng định sức sáng tạo của thành phố ngàn năm văn hiến

Hà Nội

Lễ hội sáng tạo là một hình thái theo mô hình của UNESCO đã phổ biến trên thế giới, mang lại thành công ở nhiều nước. Hà Nội là nơi đi tiên phong trong Mạng lưới thành phố sáng tạo của UNESCO tại Việt Nam.

Du khách check - in tại Nhà máy xe lửa Gia Lâm - Điểm nhấn thiết kế sáng tạo tại Lễ hội Thiết kế Sáng tạo 2023.
Ảnh: Khánh Hòa - TTXVN

Hà Nội là thành phố đầu tiên của Việt Nam trở thành thành viên của Mạng lưới các Thành phố Sáng tạo UNESCO (UCCN) vào năm 2019 trong lĩnh vực thiết kế. Đồng thời là thành phố đầu tiên ban hành Nghị quyết chuyên đề riêng về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa.

Cho đến nay, Hà Nội đã thực hiện được đầy đủ các nội dung, sáng kiến và cam kết với UNESCO khi ứng cử gia nhập Mạng lưới. Đặc biệt là tổ chức Lễ hội Thiết kế sáng tạo thường niên về chủ đề “Khơi nguồn sáng tạo” năm 2021, “Sáng tạo và công nghệ” năm 2022, “Dòng chảy” năm 2023.

Năm 2024, người dân Hà Nội chào đón kỷ niệm 70 năm Giải phóng Thủ đô và chắc chắn Lễ hội Thiết kế sáng tạo với chủ đề “Giao lộ sáng tạo” sẽ tiếp tục tạo một dấu ấn mới.

*Lan tỏa cảm hứng sáng tạo cho mọi người

Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Vũ Thu Hà khẳng định: Việc gia nhập Mạng lưới các Thành phố sáng tạo UNESCO là bước tiến thuận lợi cho Thủ đô trong việc định vị thương hiệu, quảng bá hình ảnh trên mọi lĩnh vực sáng tạo văn hóa, gia nhập nhóm các thành phố toàn cầu đang phát triển theo hướng đổi mới, phù hợp với Chương trình nghị sự 2030 của Liên hợp quốc về phát triển bền vững.

Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội 2024 do UBND thành phố Hà Nội và Hội Kiến trúc sư Việt Nam chỉ đạo; Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội và Tạp chí Kiến trúc thực hiện cùng sự phối hợp của nhiều đơn vị.

Không gian con đường nghệ thuật cộng đồng Phúc Tân vào ban đêm. 
Ảnh: TTXVN phát

Theo Hội Kiến trúc sư Việt Nam: Lễ hội sáng tạo là một hình thái theo mô hình của UNESCO đã phổ biến trên thế giới, mang lại thành công ở nhiều nước. Hà Nội là nơi đi tiên phong trong Mạng lưới thành phố sáng tạo của UNESCO tại Việt Nam.

Lễ hội đã góp phần củng cố thương hiệu Thành phố sáng tạo Hà Nội. Qua mỗi năm, các chủ đề và quy mô ngày càng mở rộng, trở thành ngày hội của giới sáng tạo và người yêu văn hoá thủ đô. Được duy trì hàng nằm, Lễ hội được coi là một sáng kiến cấp quốc tế của Hà Nội, góp phần tạo nên sự cộng hưởng và nguồn cảm hứng cho sáng tạo trong mọi người. Thông qua đó, tạo cho cộng đồng một sân chơi trải nghiệm, hướng đến chương trình hành động mới, phát triển văn hóa, giúp lễ hội trở thành hành động thiết thực và đưa ra được những kết quả cụ thể cho sự phát triển của thành phố.

Sự thành công của Lễ hội không chỉ thể hiện bằng số lượng khách tới tham quan, trải nghiệm mà chính là sự hội tụ và lan tỏa hoạt động sáng tạo đến toàn xã hội, thúc đẩy phát triển Thành phố sáng tạo Hà Nội.

Người dân thưởng thức tác phẩm nghệ thuật tại con đường nghệ thuật Phúc Tân (Hà Nội).
Ảnh: Đinh Thuận - TTXVN

Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội là một sáng kiến cho thấy thành công bước đầu của thành phố trong việc hiện thực hóa tầm nhìn trở thành Thủ đô sáng tạo của Việt Nam. Thông qua đó thúc đẩy công nghiệp văn hóa sáng tạo năng động và hướng đến giới trẻ. Quan trọng hơn cả là Hà Nội đã chứng minh cho thấy văn hóa có thể được coi là động lực cho phát triển kinh tế xã hội khi huy động nguồn năng lượng trẻ để đổi mới và biến nơi đây thành một nơi chốn tốt đẹp hơn, thu hút hơn.

Từ đó, truyền cảm hứng cho các thành phố khác ở trong nước và thế giới nhận thức được sức mạnh của chuyển dịch trong văn hóa và di sản, sự sáng tạo và đổi mới vì một tương lai đô thị tốt đẹp hơn, bền vững hơn.

*Tạo dấu ấn lớn

Lễ hội Thiết kế và Sáng tạo Hà Nội bắt đầu từ Tuần lễ Khơi nguồn sáng tạo cuối năm 2021 – một thử nghiệm tại không gian 22 Hàng Buồm với sự tham gia giới hạn các nhà nghiên cứu. Rất nhanh chóng, các hoạt động Tuần lễ này đã nhanh chóng thu hút các tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực thiết kế, sáng tạo. Từ khởi nguồn này đã truyền cảm hứng giữ tinh thần, thực hành sáng tạo trong cuộc sống, học tập và làm việc. Quan trọng hơn cả, hoạt động này đã bước đầu nhận được sự quan tâm, hành động đóng góp tích cực cho không gian công cộng ở Hà Nội.

"Hành trình di sản" là tên chuyến tàu xuất phát từ ga Hà Nội, qua ga Long Biên sang Nhà máy xe lửa Gia Lâm; với khoảng cách 3km, 10 phút di chuyển qua mỗi ga, tuyến tàu sẽ mang đến cho công chúng những góc nhìn mới lạ, độc đáo về Hà Nội.
Ảnh: Tuấn Đức/TTXVN

Năm 2022, Lễ hội có chủ đề “Thiết kế và công nghệ” với 50 loại hình hoạt động nghệ thuật và kết nối, các nhóm tác giả, lực lượng nghệ sĩ tham gia mang đến cho Hà nội một không gian trải nghiệm, kết nối, giáo dục, xây dựng các làng nghệ của Hà Nội, cũng như các cái làng nghề trên toàn quốc hướng tới thực hiện công nghiệp văn hóa hiệu quả nhất. Đồng thời, người dân tăng tương tác, nối kết, lan tỏa hình ảnh Hà Nội luôn là một thành phố đáng sống, đi đầu trong sáng tạo và dẫn dắt trong phát triển công nghiệp văn hóa Việt Nam.

Tháp nước Hàng Đậu thu hút du khách đến tham quan.
Ảnh: Tuấn Đức- 

Sau 3 mùa tổ chức, Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội 2023 có quy mô lớn nhất với nhiều hoạt động, không gian trải rộng. Với chủ đề chính “Dòng chảy”, các hoạt động của lễ hội đã hiện thực hóa chủ trương khai thác nguồn lực văn hóa phát triển kinh tế – xã hội Thủ đô một cách bền vững bằng sáng tạo và tôn vinh di sản. Sau 12 ngày tổ chức, Lễ hội đã thành công ngoài mong đợi, tạo dấu ấn lớn trong cộng đồng, lan tỏa tinh thần sáng tạo đến mọi người.

Lần đầu tiên Lễ hội diễn ra ở xa nội đô nhưng sự độc đáo, mới lạ đã hấp dẫn đông đảo người dân. Đặc biệt, Lễ hội tại Nhà máy Xe lửa Gia Lâm mở ra hướng chuyển đổi các cơ sở sản xuất công nghiệp di dời ra khỏi nội đô thành không gian sáng tạo, góp phần hiện thực hóa các sáng kiến của Hà Nội khi gia nhập Mạng lưới các Thành phố sáng tạo của UNESCO.

Nguồn: Infographics.vn/

Lễ hội đã đón 200.000 lượt khách tham quan, trải nghiệm các hoạt động tại Nhà máy Xe lửa Gia Lâm; 30.000 lượt khách tham quan Tháp nước Hàng Đậu, thu hút sự hưởng ứng, chủ động sáng tác của 1.000 nhà sáng tạo nội dung; hơn 4 triệu thảo luận trên mạng xã hội. Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam thông tin, có tới 26.000 vé tàu đã bán ra cho du khách trải nghiệm tuyến tàu di sản nhưng vẫn chưa thể đáp ứng đủ nhu cầu của du khách.

Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao thành phố Hà Nội Đỗ Đình Hồng nêu rõ: Sự thành công của Lễ hội chính là tạo ra sức lan tỏa, không chỉ ở 30 quận, huyện của Hà Nội, mà còn hướng tới cộng đồng, doanh nghiệp, người yêu sáng tạo thực hành và duy trì tinh thần “Dòng chảy”...

* Gợi nhắc ký ức lịch sử Hà Nội 70 năm

Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội 2024 sẽ diễn ra từ ngày 9 – 17/11 với chủ đề “Giao lộ sáng tạo”. Đây là hoạt động đậm chất văn hóa chào mừng kỷ niệm 70 năm Giải phóng Thủ đô (10/10/1954-10/10/2024). Do đó, các hoạt động sẽ mang đậm dấu ấn ký ức Hà Nội, đánh thức, gợi nhắc ký ức lịch sử và sức mạnh sáng tạo của các thế hệ người dân Thủ đô. Qua đó, công chúng thêm trân trọng lịch sử, quá khứ, từ đó tiếp tục khơi nguồn sáng tạo để kế thừa, tiếp nối những giá trị mà các thế hệ trước đã xây dựng, bồi đắp.

Lần đầu tiên, giao lộ sáng tạo của Thủ đô sẽ được thí điểm hình thành dọc theo 7 công trình di sản lịch sử tiêu biểu của Hà Nội.

Phủ Khâm Sai - Bắc Bộ phủ, nay là Nhà khách Chính phủ là một công trình di sản tiêu biểu của Thủ đô
Ảnh: Tuấn Anh- TTXVN

Khu vực chính diễn ra Lễ hội là Quảng trường Cách mạng tháng Tám, kết nối trục Bắc – Nam (phố Lý Thái Tổ – Lê Thánh Tông) và trục Đông – Tây (dốc Bác Cổ – phố Tràng Tiền), gồm các công trình kiến trúc nổi bật như Cung Thiếu nhi Hà Nội, Nhà khách Chính phủ (Bắc Bộ Phủ), Nhà hát Lớn, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, Đại học Tổng hợp…; các vườn hoa Lý Thái Tổ, Cổ Tân, Diên Hồng…

Đây là dịp đưa các công trình kiến trúc nổi bật, gắn liền với lịch sử Hà Nội đến gần hơn với công chúng. Trong đó, một số địa điểm lần đầu tiên mở cửa đón khách tham quan như Nhà khách Chính phủ, một số các tour tham quan tham quan Nhà hát Lớn, Đại học Tổng hợp…

Nguồn: Infographics.vn/TTXVN

Các hoạt động sáng tạo sẽ đậm dấu ấn đối thoại giữa công trình hiện hữu gắn ký ức cộng đồng với những ý tưởng sáng tạo mới để nhấn mạnh vai trò của giới trẻ trong tiếp nối, phát huy các giá trị văm hóa của dân tộc trong phát triển công nghiệp sáng tạo, thúc đẩy Thủ đô phát triển thực sự xứng tầm là trung tâm sáng tạo của cả nước.

“Giao lộ sáng tạo” không chỉ thí điểm một tuyến trải nghiệm về kinh tế sáng tạo cho thành phố mà còn thể hiện tiềm năng sáng tạo, góp phần kết nối và thu hút các nguồn lực sáng tạo; đánh thức tinh thần sáng tạo của các thế hệ người dân Hà Nội. Đồng thời, tinh thần sáng tạo sẽ được lan tỏa khắp các không gian di sản văn hóa, không gian sáng tạo, làng nghề truyền thống ở Thủ đô./.

Minh Tâm

Xem thêm