Du lịch

Đặc sắc Lễ hội Văn hóa Raglai

Ninh Thuận

Một điểm nhấn đặc biệt thu hút du khách khi đến với Lễ hội văn hóa Raglai là cơ hội được trực tiếp xem nghệ nhân chế tác và biểu diễn đàn Chapi.

Ngày 15/5, UBND huyện Bác Ái (Ninh Thuận) tổ chức khai mạc Lễ hội Văn hóa Raglai lần thứ III năm 2025, hướng tới chào mừng Kỷ niệm 135 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 – 19/5/2025).

Nghệ nhân đồng bào Raglai (huyện Bác Ái, Ninh Thuận) biểu diễn các loại nhạc cụ truyền thống độc đáo. 
Ảnh: Nguyễn Thành – TTXVN

Ông Nguyễn Văn Linh, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Ninh Thuận cho biết, Lễ hội văn hóa Raglai huyện Bác Ái lần thứ III có sự chuẩn bị chương trình đa dạng và đặc sắc, thông qua lễ hội tạo không khí vui tươi, phấn khởi, mang đến nhiều trải nghiệm thú vị, thu hút đông đảo người dân và du khách tham gia. Những giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào Raglai được giới thiệu trong khuôn khổ Lễ hội và thực hành trong cộng đồng là nguồn tài nguyên quý giá để địa phương, ngành Du lịch tiếp tục khai thác và phát triển du lịch văn hóa, du lịch cộng đồng trong thời gian tới, góp phần đưa du lịch của Ninh Thuận thành ngành kinh tế mũi nhọn giai đoạn 2025 – 2030.

Du khách xem biểu diễn đàn Chapi, một loại nhạc cụ truyền thống độc đáo của đồng bào Raglai (huyện Bác Ái, Ninh Thuận). 
Ảnh: Nguyễn Thành – TTXVN

Tại Trung tâm Văn hóa - Thể thao và Truyền thanh huyện Bác Ái, nơi diễn ra lễ hội đã thu hút sự tham gia của đông đảo đồng bào dân tộc Raglai, các nghệ nhân cùng du khách. Lễ hội nhằm tôn vinh những nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc Raglai; thể hiện sự quan tâm của cấp ủy Đảng, chính quyền, mặt trận, đoàn thể các cấp về công tác bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, quảng bá hình ảnh, văn hóa, con người huyện Bác Ái đến với du khách, bạn bè trong và ngoài tỉnh. Đây cũng là dịp để các bạn trẻ hiểu biết hơn, có cơ hội được giao lưu học hỏi, thiết thực hành động trong quá trình chung tay bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc.

Sau lễ khai mạc, nhiều hoạt động thể thao và văn hóa đặc sắc diễn ra như thi đấu thể thao bóng chuyền nữ, kéo co, bắn nỏ; hội thi dựng nhà sàn, thi ẩm thực truyền thống và thi sản xuất rượu cần; biểu diễn chế tác nhạc cụ truyền thống; trưng bày sản phẩm đan lát; hội thi văn nghệ dân gian và nét đẹp văn hóa Raglai.

Một điểm nhấn đặc biệt thu hút du khách khi đến với Lễ hội văn hóa Raglai là cơ hội được trực tiếp xem nghệ nhân chế tác và biểu diễn đàn Chapi - loại nhạc cụ truyền thống độc đáo của đồng bào Raglai. Nghệ nhân Chamaléa Siết (xã Phước Hòa, huyện Bác Ái) chia sẻ, cây đàn Chapi gắn bó với ông từ nhỏ, ông đã được cha truyền dạy cách gảy đàn và những điệu nhạc đầy cảm xúc của người Raglai, âm thanh từ ống đàn Chapi phát ra nhịp nhàng, lúc trầm lúc bổng, văng vẳng âm điệu núi rừng.

Không gian nhà sàn của các địa phương dựng để tham gia Lễ hội. 
Ảnh: Nguyễn Thành - TTXVN

Chị Nguyễn Thị Tuyết Hạnh (thành phố Phan Rang – Tháp Chàm) rất tâm đắc với cây đàn Chapi và thấy may mắn khi được nghe những câu chuyện ý nghĩa về nhạc cụ này từ chính nghệ nhân. Chị Tuyết Hạnh mong muốn những nét đẹp của văn hóa người Raglai sẽ được lan tỏa rộng rãi trong cộng đồng trong nước và thế giới về những nét văn hóa truyền thống, đặc trưng tiêu biểu của người Raglai.

Trong không gian của lễ hội, du khách và người dân còn được giới thiệu và thưởng thức các món ăn truyền thống hấp dẫn của người Raglai. Việc chế biến trực tiếp tại chỗ giúp du khách hiểu rõ hơn về nguyên liệu, quy trình chế biến và hương vị đặc trưng trong nền văn hóa ẩm thực của đồng bào. Ngoài ra, huyện Bác Ái cũng bố trí các gian hàng để quảng bá và giới thiệu các sản phẩm OCOP và sản phẩm đặc thù của địa phương, tạo cơ hội kết nối giao thương giữa người sản xuất và người tiêu dùng.

Các đội thi đấu bóng chuyền trong Lễ hội văn hóa Raglai huyện Bác Ái lần thứ III năm 2025. 
Ảnh: Nguyễn Thành – TTXVN

Buổi tối sẽ là chương trình biểu diễn nghệ thuật dân gian với chủ đề “Đêm hội Raglai”, biểu diễn đàn đá Raglai và các tiết mục văn nghệ dân gian; trình diễn trang phục; tái hiện lễ cưới truyền thống của dân tộc Raglai và giao lưu lửa trại.

Huyện miền núi Bác Ái có trên 35.000 người dân sinh sống, đồng bào Raglai chiếm trên 87%. Đây là địa phương có đông người Raglai sinh sống nhất tỉnh Ninh Thuận. Tại đây, đồng bào Raglai vẫn còn lưu giữ nhiều nghi lễ mang đậm bản sắc văn hóa truyền thống như lễ ăn mừng lúa mới; nghi lễ vòng đời, đặc biệt là lễ cưới, lễ bỏ mả... Ngoài ra, đồng bào Raglai còn lưu truyền các hình thức thực hành nghệ thuật âm nhạc độc đáo với bộ mã la, kèn bầu, đàn đá, đàn chapi, cùng kho tàng hát kể, dân ca, dân vũ đặc sắc./.


Nguyễn Thành

Tin liên quan

Xem thêm