Để có nguồn nhân lực vững vàng về lý thuyết, thành thạo kỹ năng thực tế cần tăng cường liên kết giữa cơ sở đào tạo và doanh nghiệp, đặc biệt trong đào tạo thực hành.
Trong bối cảnh ngành du lịch Việt Nam đang có những bước phát triển mạnh mẽ, việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực là yếu tố quan trọng quyết định sự bứt phá và phát triển bền vững, góp phần đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước. Để tạo ra nguồn nhân lực vững vàng về lý thuyết, thành thạo kỹ năng thực tế, việc tăng cường liên kết giữa cơ sở đào tạo và doanh nghiệp – đặc biệt trong đào tạo thực hành du lịch là chìa khóa để giải quyết vấn đề. Đồng thời, các cơ sở đào tạo cần chú trọng ứng dụng công nghệ hiện đại trong đào tạo thực hành thực hành du lịch để cho ra trường đội ngũ nhân lực đáp ứng nhu cầu phát triển thị trường trong thời kỳ mới.
Nhân lực du lịch hiện đang thiếu và yếu
Giáo sư, Tiến sĩ Đào Mạnh Hùng, Chủ tịch Liên chi hội Đào tạo du lịch Việt Nam (Hiệp hội Du lịch Việt Nam) cho biết: Việt Nam đang chứng kiến những bước chuyển mình rất lớn của ngành du lịch với sự tăng trưởng về lượng khách và doanh thu ở cả thị trường quốc tế và nội địa. Tuy nhiên, nguồn nhân lực du lịch Việt Nam hiện đang không chỉ thiếu về số lượng mà còn yếu về chất lượng. Vấn đề này đặt ra yêu cầu cấp bách trong việc thay đổi cách đào tạo nhân lực ngành du lịch trong nhiều cơ sở giáo dục của Việt Nam.
Theo thông kê sơ bộ, hiện cả nước có hơn 190 cơ sở đào tạo du lịch, gồm: 65 trường đại học; 55 trường cao đẳng; 71 trường trung cấp; 4 trung tâm đào tạo nghề có các khoa về du lịch. Ngoài ra, còn có 2 cơ sở đào tạo trực thuộc doanh nghiệp. Đáng nói, hàng năm, những cơ sở đào tạo này không cung cấp đủ lao động theo nhu cầu thị trường du lịch.
Mỗi năm ngành du lịch cần tới 40.000 lao động, nhưng thực tế, nguồn cung chỉ bảo đảm được khoảng 20.000 nhân lực. Trong số này, lao động có trình độ đại học và sau đại học chỉ chiếm 9,7%; sơ cấp, trung cấp, cao đẳng chiếm hơn 50%; dưới sơ cấp chiếm 39,3% và chỉ có 43% tổng số lao động được đào tạo chuyên môn nghiệp vụ về du lịch. Do đó, nhiều doanh nghiệp du lịch phải đào tạo lại khi tuyển dụng nhân sự để người lao động có thể đáp ứng được các yêu cầu về nghiệp vụ.
Giáo sư, Tiến sĩ Đào Mạnh Hùng nhấn mạnh, du lịch là nghề, đào tạo nghề phải chú trọng đến đào tạo kỹ năng thông qua thực hành du lịch. Xuất phát từ nhu cầu thực tế, ngày nay, doanh nghiệp cần sinh viên du lịch đáp ứng được 3 yêu cầu cơ bản: Kỹ năng nghề, thái độ phục vụ và trình độ ngoại ngữ. Mà cả 3 yêu cầu này đều do đào thực thực hành quyết định chất lượng.
Bà Đỗ Hồng Xoan, Phó chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam chia sẻ, với ngành du lịch, cần xác định đào tạo để “ra nghề” chứ không chỉ “ra trường”. Do đó, cần tăng thời lượng đào tạo thực hành cho học viên ngành du lịch tại các cơ sở đào tạo. Đồng thời, đào tạo thực hành không chỉ trong trường mà học viên cần có thời gian va vấp, trải nghiệm thực tế tại các doanh nghiệp lữ hành, dịch vụ du lịch.
Tăng hiệu quả trong đào tạo thực hành du lịch
Theo ông Phạm Ngọc Hiếu, Giám đốc Kinh doanh của Công ty Cổ phần Công nghệ Giáo dục Thông minh (Viet ED), công nghệ là giải pháp khả thi và tiết kiệm chi phí để gia tăng đào tạo thực hành trong du lịch. Việc áp dụng công nghệ, đặc biệt là trí tuệ nhân tạo (AI) trong việc soạn thảo giáo trình và tổ chức kỳ thi sẽ giúp cải thiện hiệu quả đào tạo. AI có thể hỗ trợ giảng viên trong việc cá nhân hóa quá trình học tập, cung cấp tài liệu học tập theo nhu cầu và trình độ của từng sinh viên, đồng thời tổ chức các kỳ thi với độ chính xác và công bằng cao. Việc này không chỉ giảm bớt gánh nặng cho giảng viên mà còn tạo điều kiện cho sinh viên học tập một cách hiệu quả hơn. Những bài giảng, chương trình do AI hỗ trợ giáo viên đặc biệt phát huy tác dụng với trường hợp đào tạo lại, đào tạo bổ sung về nghề cho người đang làm trong ngành du lịch.
Việc hợp tác chặt chẽ giữa các cơ sở đào tạo và doanh nghiệp du lịch trong đào tạo du lịch cũng là yếu tố quyết định chất lượng đào tạo thực hành. Tại Trung tâm Phát triển nguồn nhân lực du lịch (RHD Center) thuộc Công ty Cổ phần Đầu tư Du lịch Hà Nội (Hanoi Tourism), việc đào tạo du lịch dựa trên sự phối hợp giữa doanh nghiệp lữ hành với các cơ sở đào tạo du lịch tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh để đảm bảo học viên được tham gia thực hành du lịch theo thực tế. Các giảng viên từ doanh nghiệp, những người có kinh nghiệm thực tế, là trưởng các bộ phận của doanh nghiệp tham gia giảng dạy cho sinh viên, cung cấp kiến thức và kỹ năng mà sinh viên cần. Mô hình liên kết đào tạo giúp sinh viên có thể vừa học vừa làm, tiết kiệm thời gian và giúp sinh viên ra trường có kiến thức thực tế, có thể ngay lập tức áp dụng trong công việc. Khi đã tích lũy được kinh nghiệm thực tế trong quá trình học, ra trường, sinh viên trở thành nguồn nhân lực có kinh nghiệm, sẵn sàng làm việc mà không cần phải trải qua quá trình đào tạo lại từ doanh nghiệp.
Trong điều kiện thực tế, các trường cao đẳng, đại học, cơ sở đào tạo trong lĩnh vực du lịch còn nhiều hạn chế về hạ tầng, cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên có kinh nghiệm thực tế, để nâng cao chất lượng đào tạo thực hành du lịch, theo bà Nhữ Thị Ngần, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư Du lịch Hà Nội (Hanoi Tourism), các cơ sở đào tạo nên tìm cách liên kết sâu, chặt chẽ với các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch. Đồng thời, phía doanh nghiệp du lịch cần nhân sự có chất lượng cũng cần tăng cường phối hợp đào tạo thực hành cho học viên.
Đào tạo du lịch cho ra những nhân sự trực tiếp làm nghề. Do vậy, việc tận mắt chứng kiến, cầm tay chỉ việc đem lại hiệu quả hơn nhiều so với lý thuyết suông. Ông Đặng Đình Mạnh, bếp chủ hệ thống nhà hàng Cá lăng Việt Trì chia sẻ, thực tế, nhiều sinh viên du lịch ra trường vào làm thử việc đòi hỏi mức lương cao nhưng lại không nắm được nhiều chuyên môn chế biến món ăn, nhất là món ăn truyền thống của Việt Nam. Chưa kể, nhiều sinh viên ngành bếp còn thiếu nhận thức được vấn đề đảm bảo an toàn vệ sinh trong công việc làm bếp và yếu về ngoại ngữ. Theo quan điểm của ông Đặng Đình Mạnh, các trường giảng dạy về cơ sở lý luận, lý thuyết, còn phần thực hành, trường phải liên kết với các doanh nghiệp. Một ngày cầm tay chỉ việc, chắc chắn kiến thức, kinh nghiệm sẽ “vào đầu” học viên nhiều hơn. Thêm vào đó, khi thực hành tại các doanh nghiệp đang hoạt động, học viên nắm được yêu cầu từ thực tế công việc, từ đó có định hướng rõ ràng hơn.
Bà Nguyễn Ngọc Dung, Phó trưởng Khoa du lịch, Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết, để có nguồn nhân lực chất lượng cao, các cơ sở giáo dục của Việt Nam chú trọng đào tạo theo mô hình tam giác truyền thống với 3 yếu tố là: Kiến thức, kỹ năng và thái độ. Việc đào tạo thực hành du lịch là yếu tố quyết định để trang bị kỹ năng, rèn luyện thái độ cho học viên ngành du lịch. Do vậy, việc liên kết đào tạo là giải pháp tối ưu. Doanh nghiệp hỗ trợ nhà trường trong đào tạo thực hành bao nhiều thì sau này chính doanh nghiệp sẽ được hưởng lợi từ đội ngũ sinh viên có kiến thức và kinh nghiệp thực tế bấy nhiêu.
Trong xu thế toàn cầu hóa và chuyển đổi số, ngành du lịch Việt Nam không thể phát triển bền vững nếu thiếu nền tảng nhân lực chất lượng cao, được đào tạo bài bản, có kinh nghiệm thực tiễn và khả năng hội nhập. Việc liên kết chặt chẽ giữa cơ sở đào tạo và doanh nghiệp, kết hợp với ứng dụng công nghệ, trí tuệ nhân tạo trong đào tạo là hướng đi tất yếu nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch phù hợp với thời đại mới./.
- Từ khóa:
- đào tạo thực hành
- du lịch
- nhân lực