Đại sứ Hùng Ba nhấn mạnh, chuyến công tác của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính có ý nghĩa vô cùng quan trọng, tiếp tục cụ thể hóa nhận thức chung quan trọng của hai lãnh đạo cao nhất hai nước Việt - Trung.
Từ 24 - 27/6 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có chuyến công tác tham dự Hội nghị Thường niên các nhà tiên phong lần thứ 15 của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) tại Đại Liên và làm việc tại Trung Quốc.
Đại sứ Trung Quốc Hùng Ba đã có cuộc gặp gỡ và trả lời phỏng vấn báo chí Việt Nam về ý nghĩa, kết quả chuyến công tác của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính.
Khẳng định vai trò của Việt Nam đối với nền kinh tế thế giới
Đại sứ Hùng Ba cho biết Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tham dự Hội nghị thường niên các nhà tiên phong lần thứ 15 của Diễn đàn Kinh tế Thế giới được tổ chức tại thành phố Đại Liên, tỉnh Liêu Ninh (Trung Quốc) theo lời mời của Thủ tướng Quốc vụ viện nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa Lý Cường và Nhà sáng lập kiêm Chủ tịch điều hành Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) Klaus Schwab, thể hiện sự coi trọng của Chính phủ Trung Quốc, cũng như sự coi trọng của tổ chức WEF đối với Việt Nam; chứng minh vai trò và sức ảnh hưởng của Việt Nam đối với nền kinh tế thế giới.
Thủ tướng Phạm Minh Chính là khách mời quan trọng của Diễn đàn, đã cùng với Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda, Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường và Chủ tịch WEF ngồi hàng Chủ tịch dự Lễ khai mạc Hội nghị thường niên lần này. Nhân dịp này, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cũng đã có bài phát biểu rất quan trọng trước hơn 1.700 khách quốc tế đến từ hơn 100 quốc gia và vùng lãnh thổ trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, thương mại...
Thủ tướng Phạm Minh Chính đã giới thiệu về những thành tựu phát triển của Việt Nam một cách toàn diện, kể cả thành tựu về mặt phát triển, thúc đẩy kinh tế xã hội và công cuộc đổi mới cũng như quy hoạch phát triển trong thời gian tới; hoan nghênh doanh nghiệp các nước đến Việt Nam đầu tư kinh doanh.
Cũng trong bài phát biểu, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá cao thành tựu phát triển của Trung Quốc, nhất là vai trò của Trung Quốc đối với tăng trưởng kinh tế thế giới. Điều này thể hiện tầm nhìn chung của Việt Nam và Trung Quốc đối với một số vấn đề mang tính toàn cầu. Bài phát biểu của Thủ tướng Phạm Minh Chính rất quan trọng và nhận được sự hoan nghênh của các nước tham dự.
Đại sứ Hùng Ba cho biết phía Trung Quốc, đánh giá cao thành tựu mà nhân dân Việt Nam đã giành được trong thời gian vừa qua, dưới sự lãnh đạo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đứng đầu, nhất là về xây dựng xã hội chủ nghĩa. Việt Nam đã vượt qua khó khăn của đại dịch COVID-19, thúc đẩy kinh tế-xã hội phát triển một cách lành mạnh; nền kinh tế của Việt Nam đang trên đà phát triển tích cực. Hiện nay, quy mô nền kinh tế của Việt Nam đã vào top 40 thế giới, kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam lọt vào top 20 thế giới. Các bên đều đánh giá dự báo mức tăng trưởng GDP của Việt Nam năm nay sẽ vượt 6%.
Đại sứ khẳng định những thành tựu trên và vai trò quan trọng của Việt Nam đối với nền kinh tế khu vực và trên thế giới, là lý do để Thủ tướng Phạm Minh Chính là một trong số ít lãnh đạo nước ngoài 3 lần liên tiếp được mời tham dự Diễn đàn WEF.
Vạch lộ trình hợp tác trên tất cả các lĩnh vực
Đánh giá về ý nghĩa và kết quả các cuộc tiếp xúc giữa Thủ tướng Phạm Minh Chính với lãnh đạo cấp cao Trung Quốc, Đại sứ Hùng Ba cho biết Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có các cuộc tiếp xúc cấp cao với Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình và các lãnh đạo cấp cao Trung Quốc.
Theo Đại sứ, đây là những cuộc tiếp xúc và trao đổi chiến lược quan trọng giữa lãnh đạo cấp cao hai nước Việt Nam - Trung Quốc. Tại các cuộc hội đàm, hội kiến, Lãnh đạo cấp cao của hai bên đã đi sâu trao đổi về mặt chiến lược và đạt nhiều nhận thức chung quan trọng.
Trong cuộc hội đàm tại Đại Liên giữa Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính với Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường, hai Thủ tướng đã điểm lại hợp tác trên tất cả mọi lĩnh vực giữa hai bên, đánh giá tích cực về những thành quả mà Việt Nam và Trung Quốc giành được về mặt xây dựng “Cộng đồng chia sẻ tương lai Việt Nam - Trung Quốc có ý nghĩa chiến lược” sau chuyến thăm Việt Nam của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình vào năm 2023 cũng như vạch ra lộ trình hợp tác trên tất cả các lĩnh vực của hai bên một cách toàn diện trong thời gian tới.
Trong cuộc hội kiến Chủ tịch Chính hiệp Trung Quốc Vương Hộ Ninh ở Bắc Kinh, hai vị lãnh đạo đã trao đổi sâu sắc về cách làm và kinh nghiệm xây dựng Đảng, quản lý nhà nước, thúc đẩy sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội trong giai đoạn mới cũng như các nội dung quan trọng về cải cách/đổi mới của hai bên đã được những thành quả rất quan trọng.
Đại sứ Hùng Ba nhấn mạnh, chuyến công tác của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính có ý nghĩa vô cùng quan trọng, tiếp tục cụ thể hóa nhận thức chung quan trọng của hai lãnh đạo cao nhất hai Đảng, cũng như của các nhà lãnh đạo cấp cao hai nước, nhất là nội dung trong các Tuyên bố chung, các văn kiện và thỏa thuận chung; nhằm giữ gìn và thúc đẩy hơn nữa đà phát triển tích cực hiện có của hai nước.
Việt Nam sẽ là cầu nối kết nối châu Âu, Trung Á và ASEAN
Trao đổi với phóng viên những cơ hội hợp tác hai nước trong thời gian tới, nhất là trong lĩnh vực phát triển hạ tầng giao thông, Đại sứ Hùng Ba cho biết phát triển và kết nối kết cấu hạ tầng về mặt hạ tầng giao thông, nhất là các hệ thống đường sắt qua biên giới là ưu tiên mà lãnh đạo hai nước Việt Nam và Trung Quốc đã đạt được thống nhất và hai bên đều rất coi trọng.
Trong thời gian công tác tại Trung Quốc, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Phạm Minh Chính đã dự "Hội nghị hợp tác Việt Nam- Trung Quốc về phát triển hạ tầng chiến lược giao thông và vai trò của các doanh nghiệp Việt Nam-Trung Quốc". Tham dự hội nghị có sự hiện diện của nhiều người đứng đầu các doanh nghiệp, chủ tịch các tập đoàn lớn về lĩnh vực hạ tầng giao thông. Phía Chính phủ Trung Quốc cũng rất coi trọng hội nghị này và phân công Phó Thủ tướng Quốc vụ viện Trung Quốc Trương Quốc Thanh dự diễn đàn và phát biểu.
Đại sứ Trung Quốc nhấn mạnh tăng cường kết nối về hạ tầng giao thông phù hợp với yêu cầu hai bên cũng như nhu cầu phát triển của phía Việt Nam trong thời gian tới. Đại hội XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam cũng đã coi việc xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông là một trong ba đột phá chiến lược trong tương lai.
"Trung Quốc có câu "muốn làm giàu thì phải làm đường trước" - thể hiện tầm quan trọng của kết nối hạ tầng giao thông. Nâng cao kết nối logistic đối với phát triển của một nền kinh tế là nhân tố quan trọng. Việt Nam cũng coi việc phát triển hạ tầng giao thông là 1 trong 3 đột phá chiến lược", Đại sứ Hùng Ba phân tích.
Theo Đại sứ Hùng Ba, phía Trung Quốc rất coi trọng hợp tác với Việt Nam về lĩnh vực này, đặc biệt các dự án phía bắc Việt Nam và khu vực biên giới hai nước. Hiện nay, Trung Quốc đã hỗ trợ Việt Nam hoàn thành quy hoạch đường sắt Lào Cai-Hà Nội-Hải Phòng. Sau khi phía Việt Nam hoàn thành công tác chuẩn bị, phía Trung Quốc sẵn sàng triển khai nghiên cứu khả thi đối với các dự án. “Tôi nghĩ rằng, những dự án này sẽ góp phần quan trọng trong sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam”, Đại sứ nhận định.
Theo Đại sứ, việc phát triển, kết nối các tuyến đường sắt qua biên giới hai nước hết sức có ý nghĩa, mang tính chiến lược, thể hiện sự tin cậy chính trị rất cao của hai nước, làm thắt chặt hơn nữa mối quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Trung Quốc trong lĩnh vực chuỗi cung ứng và chuỗi sản xuất. Trung Quốc hiện là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam. Sau khi tăng cường kết nối và hoàn thành các dự án đường sắt liên vận, Việt Nam sẽ là cầu nối quan trọng kết nối với các nước châu Âu, Trung Á và ASEAN. Đây cũng là biểu hiện sinh động của “Cộng đồng chia sẻ tương lai, có ý nghĩa chiến lược” của hai nước Việt Nam và Trung Quốc./.