Việt Nam tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc là kết quả của quá trình chuẩn bị lâu dài, tích cực, chủ động, khẩn trương, kỹ lưỡng, đồng bộ và toàn diện trên tất cả các mặt.
Một thập kỷ qua, việc tham gia chủ động, hiệu quả vào hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc của Quân đội nhân dân Việt Nam đã góp phần tích cực nâng cao vị thế, vai trò của Việt Nam trên trường quốc tế. Trong quá trình đó có sự đóng góp quan trọng của Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam - Cơ quan chuyên môn trực thuộc Bộ Quốc phòng. Chặng đường hơn 10 năm xây dựng, phát triển và trưởng thành, từ Trung tâm Gìn giữ hòa bình Việt Nam (năm 2014) đến Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam (từ năm 2017 tới nay) đã ghi lại nhiều dấu ấn với những bước tiến không nhỏ, đóng góp vào hoạt động đối ngoại của đất nước nói chung và đối ngoại quốc phòng nói riêng.
Ngày 20/9/1977, Liên hợp quốc - tổ chức đóng vai trò trung tâm trong xây dựng luật pháp quốc tế, gìn giữ hòa bình, ngăn ngừa xung đột và ứng phó các thách thức toàn cầu - chính thức kết nạp Việt Nam trở thành quốc gia thành viên thứ 149. Từ năm 1996, Việt Nam bắt đầu tham gia đóng góp kinh phí cho hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc theo tỷ lệ phần trăm GDP do Liên hợp quốc và Việt Nam thỏa thuận.
Suốt trong những năm từ 2005 - 2012, Đảng, Chính phủ, Bộ Ngoại giao... đã ban hành, phê duyệt chủ trương và tổ chức nhiều chuyến nghiên cứu, khảo sát thực tế, đến một số phái bộ gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc; tham quan, học hỏi mô hình, kinh nghiệm của một số quốc gia đối tác để chuẩn bị lực lượng tham gia hoạt động này.
Ngày 23/11/2012, Bộ Chính trị thông qua “Đề án tổng thể về việc Việt Nam tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc”. Ngày 10/4/2013, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 22-NQ/TW về hội nhập quốc tế, trong đó đề ra định hướng: “Chủ động và tích cực tham gia các thể chế đa phương”, “trong đó có việc tham gia các hoạt động ở mức cao hơn, như hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc…”.
Ngày 27/5/2014, Bộ Quốc phòng tổ chức lễ ra mắt Trung tâm Gìn giữ hòa bình Việt Nam. Tháng 6 cùng năm, Việt Nam chính thức cử hai sĩ quan quân đội đầu tiên đi làm nhiệm vụ tại phái bộ gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc ở Nam Sudan. Để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ ngày càng cao, tháng 11/2017, Trung tâm Gìn giữ hòa bình Việt Nam được tổ chức lại thành Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam; đồng thời tháng 1/2018 chuyển giao Tổ Công tác liên ngành từ Bộ Ngoại giao sang Bộ Quốc phòng để bảo đảm sự tập trung, thống nhất trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ.
Chủ trương này tiếp tục được cụ thể hóa tại Nghị quyết 806-NQ/QUTW của Quân ủy Trung ương về Hội nhập quốc tế và đối ngoại quốc phòng, được nêu rõ trong Sách trắng Quốc phòng Việt Nam 2019: “… giữ nước từ sớm, từ xa bằng biện pháp hòa bình; tạo lập và củng cố niềm tin bảo vệ lợi ích quốc gia - dân tộc; bảo đảm bình đẳng cùng có lợi; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước; kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, tạo sức mạnh tổng hợp, tăng cường vị thế quốc tế và độc lập, tự chủ của đất nước” và “Việt Nam tiếp tục đóng góp thực chất và mở rộng quy mô, phạm vi tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc”.
Việt Nam tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc là kết quả của quá trình chuẩn bị lâu dài, tích cực, chủ động, khẩn trương, kỹ lưỡng, đồng bộ và toàn diện trên tất cả các mặt từ hợp tác quốc tế, xây dựng cơ chế pháp lý, chính sách trong nước đến xây dựng kế hoạch, tổ chức lực lượng, huấn luyện, mua sắm trang bị, bảo đảm hậu cần, kỹ thuật... Đây là những nội dung phức tạp, quan trọng, liên quan đến nhiều cơ quan, đơn vị, ban, ngành, tổ chức trong và ngoài quân đội, cả trong nước và quốc tế.
Cùng với quá trình xây dựng khuôn khổ pháp lý, chúng ta đã triển khai nghiên cứu, đề xuất và bước đầu thực hiện chính sách bảo đảm cho lực lượng tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc một cách phù hợp, tạo điều kiện thuận lợi cho các đơn vị và cá nhân tham gia hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, từ đó nâng cao uy tín của đất nước và Quân đội nhân dân Việt Nam trên trường quốc tế.
Thượng tướng Hoàng Xuân Chiến, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng đánh giá, từ khi ra đời, Trung tâm Gìn giữ hòa bình Việt Nam, nay là Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam đã xác định rất rõ ba chức năng, nhiệm vụ: Tham mưu cho Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng chiến lược về việc tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc. Trực tiếp chỉ đạo, điều hành toàn bộ công tác chuẩn bị, triển khai lực lượng gìn giữ hòa bình ở Liên hợp quốc và tại các phái bộ. Giúp Bộ trưởng Bộ Quốc phòng lãnh đạo, chỉ đạo lực lượng gìn giữ hòa bình của Quân đội nhân dân Việt Nam và của Việt Nam tại Liên hợp quốc và tại các phái bộ.
"Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam đã thực hiện rất tốt vai trò, chức năng, nhiệm vụ của mình, góp phần đóng góp vào việc thực hiện đường lối đối ngoại của Đảng, Nhà nước nói chung và đối ngoại quốc phòng nói riêng nhằm nâng cao vị thế của Việt Nam, của Quân đội Việt Nam", Thượng tướng Hoàng Xuân Chiến nhấn mạnh./.