Đảm bảo an toàn trường học: Tăng cường trách nhiệm phối hợp giữa nhà trường, giáo viên và phụ huynh
Nhà trường, giáo viên cần phổ biến và thống nhất với cha mẹ về việc thực hiện nghiêm các quy định đón – trả cũng như đảm bảo an toàn cho học sinh tại trường học.
Mới đây, vụ việc người lạ mặt đến đón trẻ mầm non ra khỏi trường tại Thủy Nguyên (Hải Phòng) đã gây lo lắng cho nhiều phụ huynh, gia đình về việc đảm bảo an toàn cho trẻ em tại trường học. Đây cũng là bài học cảnh báo các bậc phụ huynh cùng các cơ sở giáo dục thận trọng hơn trong công tác đón - trả học sinh.
Bên cạnh đó, thời gian gần đây, khu vực các cổng trường còn có hiện tượng người lạ tiếp cận học sinh với các hành vi cho quà, lôi kéo, dụ dỗ các em tham gia vào các hoạt động không được sự cho phép của nhà trường, phụ huynh…, ảnh hưởng đến an ninh, trật tự trường học và gây bức xúc trong xã hội.
Vấn đề đảm bảo an toàn cho học sinh, trẻ mầm non tại các trường học luôn được Bộ Giáo dục và Đào tạo đặc biệt quan tâm và đã ban hành nhiều Thông tư, văn bản hướng dẫn các địa phương, nhà trường thực hiện. Bộ Giáo dục và Đào tạo lưu ý các cơ sở giáo dục cần thực hiện nghiêm túc các quy định tại Thông tư 45/2021/TT-BGDĐT về việc xây dựng trường học an toàn, phòng chống tai nạn thương tích trong cơ sở giáo dục mầm non; Thông tư 18/2023/TT-BGDĐT hướng dẫn xây dựng trường học an toàn, phòng, chống tai nạn thương tích trong cơ sở giáo dục phổ thông, cơ sở giáo dục thường xuyên.
Theo đó, các nhà trường, cơ sở giáo dục cần xây dựng phương án bảo đảm an ninh trật tự, an toàn giao thông; phòng, chống tai nạn thương tích, đuối nước; phòng chống bạo hành, xâm hại; phòng tránh trẻ bị thất lạc; phòng, chống cháy, nổ; ứng phó với dịch bệnh, thảm họa, thiên tai… Đồng thời, ứng phó và xử lí kịp thời khi xảy ra mất an toàn theo đúng quy trình, quy định của pháp luật. Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng yêu cầu các nhà trường chú trọng công tác tự kiểm tra, đánh giá tiêu chuẩn về an toàn nhằm phát hiện sớm và có biện pháp khắc phục kịp thời các yếu tố nguy cơ gây mất an toàn cho trẻ.
Liên quan đến hoạt động đón – trả trẻ mầm non, học sinh, mỗi cơ sở giáo dục cần xây dựng quy định và quán triệt đến toàn thể cán bộ, giáo viên, nhân viên trong nhà trường thực hiện đúng quy định, quy trình đã đặt ra. Đồng thời, thường xuyên tổ chức các lớp bồi dưỡng, tập huấn, sinh hoạt chuyên môn theo hướng nghiên cứu bài học về các nội dung đảm bảo an toàn cho trẻ tại trường. Đối với nhân viên bảo vệ, cần thực hiện mở, đóng cổng trường đúng thời gian đón - trả học sinh theo quy định, tập trung bao quát, không để những người không có nhiệm vụ vào trường trong giờ đón, trả trẻ.
Trong các cuộc họp phụ huynh, nhà trường, giáo viên cần phổ biến và thống nhất với cha mẹ về việc thực hiện nghiêm các quy định đón – trả cũng như đảm bảo an toàn cho học sinh tại trường học.
Đối với giáo viên, đặc biệt ở cấp mầm non, cần quản lý tốt hồ sơ cá nhân của trẻ: Thông tin họ tên, ngày tháng năm sinh, tên cha mẹ, công việc và số điện thoại của cả cha mẹ (hoặc người đưa đón) để thuận tiện trong việc liên hệ.
Giáo viên cần thống nhất việc trả học sinh, trẻ mầm non cho bố mẹ, ông bà hoặc những người thân của trẻ mà cô giáo đã biết, không trả trẻ cho người lạ mặt dù trẻ có biết người đó. Trong trường hợp đặc biệt, bố mẹ, ông bà bận không thể đón trẻ thì phải gọi điện thoại cho giáo viên để căn dặn trước người đón tên gì, có mối quan hệ gì, trẻ xác nhận có quen người đó… thì cô giáo mới cho nhận trẻ. Ngoài ra, giáo viên có thể sử dụng sổ đón - trả trẻ để cha mẹ ký xác nhận về việc giao và đón trẻ tại lớp học, nhất là đối với các cơ sở giáo dục mầm non nhỏ lẻ, việc đến lớp của trẻ không đều tùy thuộc vào điều kiện của cha mẹ.
Trong các giờ học, giáo viên phải thường xuyên giáo dục học sinh về các nội dung đảm bảo an toàn, giúp trẻ nhận biết tên, tuổi, số điện thoại của cha mẹ, địa chỉ nhà… Ngoài ra, cần xây dựng các tình huống thực tế giúp trẻ trực tiếp giải quyết tình huống khi bị thất lạc, khi người lạ đến, người lạ cho quà bánh để bắt cóc… nhằm giúp hình thành kỹ năng tự bảo vệ bản thân của các em.
Giáo viên phải quan sát tất cả học sinh mọi lúc mọi nơi, kiểm tra sĩ số thường xuyên, nhất là đối với các hoạt động được tổ chức ngoài trời, hoạt động tham quan, dã ngoại bên ngoài khuôn viên trường học; kịp thời báo cáo với lãnh đạo nhà trường, liên lạc với cha mẹ học sinh để giải quyết các công việc khi cần thiết.
Về phía các gia đình, cần cung cấp đầy đủ thông tin về cha, mẹ, người đưa đón trẻ, số điện thoại liên hệ cho nhà trường, giáo viên; thường xuyên giữ liên lạc với giáo viên để giải quyết các công việc khi cần thiết.
Phụ huynh cũng cần phối hợp với nhà trường trong việc giáo dục trẻ không đi theo hay nhận quà bánh từ người lạ. Khi bị thất lạc, trẻ cần bình tĩnh đọc số điện thoại của cha mẹ để nhờ gọi điện thoại hoặc biết kêu cứu, hét lớn để kêu gọi những người xung quanh giúp đỡ. Khi phát hiện con mình bị lạc hoặc bị bắt cóc, gia đình cần báo với nhà trường hoặc cơ quan công an để được trợ giúp.
Việc đảm bảo an toàn cho học sinh và trẻ mầm non là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của các nhà trường và là một trong những tiêu chí để thể hiện mức độ uy tín, chất lượng của cơ sở giáo dục đối với phụ huynh học sinh và cộng đồng. Vì vậy, các nhà trường cùng giáo viên cần phối hợp chặt chẽ với gia đình, cộng đồng triển khai các biện pháp thắt chặt an ninh trong trường học nhằm tránh các nguy cơ gây mất an toàn cho học sinh cũng như xảy ra các vụ việc đáng tiếc./.