Lực lượng chức năng mở nhiều đợt kiểm tra, tập trung tấn công, trấn áp tội phạm vi phạm khai thác cát trái phép, ngăn chặn cơ bản tình trạng khai thác, vận chuyển trái phép cát, sỏi lòng sông ở Tiền Giang.
TTXVN - Ông Lý Hoàng Chiêu, Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh Tiền Giang cho biết, Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo Công an tỉnh, các Sở Tài nguyên và Môi trường, Giao thông Vận tải, Ủy ban nhân dân các địa phương đề ra giải pháp trong phòng ngừa, đấu tranh, ngăn chặn vi phạm pháp luật lĩnh vực tài nguyên khoáng sản (đặc biệt đối với cát lòng sông).
Lực lượng chức năng mở nhiều đợt kiểm tra, tập trung tấn công, trấn áp tội phạm, vi phạm pháp luật trong hoạt động khai thác cát trái phép. Qua đó, bước đầu ngăn chặn cơ bản tình trạng khai thác, vận chuyển trái phép cát, sỏi lòng sông ở Tiền Giang.
Trong tháng 10/2023, lực lượng Công an tỉnh phát hiện, xử lý 31 vụ vi phạm; trong đó, có 5 vụ với 11 đối tượng khai thác cát trái phép; 26 vụ với 28 đối tượng mua bán, vận chuyển khoáng sản không có nguồn gốc hợp pháp. Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an tỉnh khởi tố 3 vụ án, 3 bị can liên quan đến hoạt động khai thác cát trái phép, đang củng cố hồ sơ xử lý 3 vụ khác.
Lực lượng chức năng kiểm tra, xử lý vi phạm khai thác cát trái phép ở khu vực gần cầu Mỹ Thuận (ở xã Hòa Hưng, huyện Cái Bè) và khu vực ven biển (ở khu vực cửa Tiểu, cửa Đại thuộc huyện Tân Phú Đông). Theo Ủy ban nhân dân huyện Tân Phú Đông, từ đầu năm đến nay, huyện đã xử lý 54 vụ khai thác cát trái phép, với 69 đối tượng; thu giữ 1.700 m3 cát... Riêng trong tháng 10/2023, huyện xử lý 8 vụ liên quan đến hoạt động khai thác cát trái phép.
Ở khu vực ven biển Gò Công, Bộ đội Biên phòng tỉnh phát hiện, xử lý 26 vụ, với 41 đối tượng, phạt gần 870 triệu đồng, tịch thu hơn 7.000 m3 cát, bán nộp ngân sách gần 500 triệu đồng.
Qua đánh giá của ngành chức năng, công tác đấu tranh với tội phạm, vi phạm pháp luật trong hoạt động khai thác cát trái phép trên địa bàn tỉnh gặp nhiều khó khăn do nhiều nguyên nhân: Nhu cầu sử dụng cát san lấp trên địa bàn tỉnh lớn trong khi nguồn cung khan hiếm; lợi nhuận từ việc khai thác cát trái phép lớn nên các đối tượng bất chấp pháp luật, dùng nhiều biện pháp đối phó lực lượng chức năng.
Hoạt động của các Tổ công tác liên ngành cấp huyện ở một số nơi chưa đạt hiệu quả. Công tác xử lý vi phạm hành chính trong hoạt động khai thác, vận chuyển, tập kết bến bãi, kinh doanh khoáng sản liên quan đến nhiều ngành, cấp, địa phương, được quy định bởi nhiều văn bản quy phạm pháp luật nhưng công tác phối hợp, quản lý, phòng ngừa, đấu tranh chưa chặt chẽ, hiệu quả chưa cao…
Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh Lý Hoàng Chiêu cho biết, nhằm nâng cao công tác phòng ngừa, đấu tranh, ngăn chặn hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động khai thác, kinh doanh, vận chuyển cát, sỏi lòng sông trái phép trên địa bàn, Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu, các sở, ngành, địa phương tập trung thực hiện các Đề án “Quản lý, khai thác và bảo vệ tài nguyên cát tỉnh Tiền Giang, giai đoạn 2023 - 2025 và sau năm 2025”, “Phòng, chống khai thác cát trái phép trên địa bàn tỉnh Tiền Giang, vùng giáp ranh giữa Tiền Giang với các tỉnh”.
Các sở, ngành, địa phương tập trung thực hiện nhóm giải pháp cơ bản của Đề án nêu ra, gồm: Cơ chế, chính sách; tuyên truyền, phổ biến pháp luật, vận động chấp hành pháp luật, phòng ngừa vi phạm; nghiệp vụ quản lý, phòng ngừa, xử lý vi phạm, cơ chế phối hợp thực hiện; tăng cường trách nhiệm, xử lý vi phạm đối với cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền quản lý, kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật về khoáng sản.
Các đơn vị xác định công tác quản lý, phòng, chống khai thác khoáng sản trái phép là nhiệm vụ thường xuyên, trọng tâm, liên tục, góp phần bảo vệ nguồn tài nguyên khoáng sản trên địa bàn, bảo đảm trật tự xã hội, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội./.
- Từ khóa:
- Tiền Giang
- ngăn chặn
- vi phạm
- tài nguyên
- khoáng sản