Môi trường

Dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi): Sửa đổi chính sách sử dụng tài nguyên nước phù hợp thực tiễn

Dự thảo Luật được xây dựng theo hướng tách bạch quản lý tổng hợp thống nhất về tài nguyên nước với quản lý, vận hành công trình khai thác, sử dụng nước...

Nhà máy nước sạch BOO Phú Ninh (Quảng Nam) (Ảnh tư liệu: Trần Tĩnh/TTXVN)

TTXVN - Qua gần 10 năm triển khai thực hiện, Luật Tài nguyên nước năm 2012 đã góp phần tạo chuyển biến tích cực trong nhận thức, hành động của toàn xã hội về bảo vệ, khai thác sử dụng tài nguyên nước. Tuy nhiên, thực tiễn triển khai Luật cho thấy, một số quy định của Luật còn giao thoa, chồng chéo với các luật khác; thiếu khung pháp lý cho an ninh nguồn nước; thiếu quy định cụ thể liên quan đến điều hòa, phân bổ nguồn nước, giám sát chặt chẽ các hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên nước… dẫn đến khó thực hiện hoặc lãng phí nguồn lực. Vì vậy, cần nghiên cứu, sửa đổi ban hành Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) theo hướng bổ sung, hoàn thiện các chính sách đã ban hành.

Dù đây là lần đầu tiên cho ý kiến về Dự thảo Luật này nhưng với tinh thần “từ sớm, từ xa”, Dự thảo Luật được Bộ Tài nguyên và Môi trường chuẩn bị kỹ lưỡng, công phu, có trách nhiệm cao, bám sát các nhóm chính sách sửa đổi Luật nhằm sớm được Quốc hội thông qua.

*Hoàn thiện quy trình sửa đổi, bổ sung

Việc sửa đổi Luật Tài nguyên nước năm 2012 được chính thức khởi động từ tháng 11/2021 khi Bộ Tài nguyên và Môi trường đề xuất với Chính phủ về sự cần thiết sửa đổi Luật Tài nguyên nước. Đến tháng 1/2022, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 50/2022/QH15 về điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022 và Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023; trong đó, đề cập việc sửa đổi Luật Tài nguyên nước, giao Bộ Tài nguyên và Môi trường là cơ quan chủ trì xây dựng dự thảo Luật.

Ngay sau khi Tờ trình số 37/2023 ngày 17/2/2023 của Chính phủ ban hành sự cần thiết sửa đổi Luật Tài nguyên nước, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã khẩn trương huy động sự tham gia của các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý; tham khảo kinh nghiệm quốc tế để thể chế hóa quan điểm, chủ trương mới vào dự thảo Luật. Cùng với đó, lấy ý kiến các bộ, ngành, địa phương để thống nhất nội dung sửa đổi, báo cáo Chính phủ trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV.

Hiện, dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) có kết cấu 10 chương, 87 điều. So với Luật Tài nguyên nước năm 2012, dự thảo Luật không tăng về số chương; trong đó, giữ nguyên 19 điều; sửa đổi, bổ sung 55 điều; bổ sung mới 13 điều và bãi bỏ 5 điều. Đối chiếu với dự thảo Luật đưa ra hồi tháng 3/2023, dự thảo Luật được cập nhật vào tháng 9/2023 đã tiếp thu, bổ sung nhiều kiến nghị, góp ý của các cơ quan, hội ngành, chuyên gia, nhà khoa học và nhân dân.

Dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) bám sát vào 4 chính sách đã được Quốc hội thông qua tại Nghị Quyết số 50/2022/Quốc hội 15 ngày 13/6/2022: Bảo đảm an ninh nguồn nước; xã hội hóa ngành nước; kinh tế tài nguyên nước; bảo vệ tài nguyên nước; phòng, chống tác hại do nước gây ra và đề xuất sửa đổi bổ sung một số chính sách khác...

*Đáp ứng yêu cầu mới

Quốc hội thông qua Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Phân tích những điểm mới của dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) được đưa ra lấy ý kiến nhân dân, Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước Châu Trần Vĩnh cho biết, đối chiếu với dự thảo Luật tháng 3/2023, dự thảo Luật tháng 9/2023 đã qua 9 lần chỉnh sửa, tiếp thu, bổ sung những điểm mới căn bản như: Bổ sung các quy định nhằm bảo đảm an ninh nguồn nước; sửa đổi, bổ sung các quy định về bảo vệ tài nguyên nước; sửa đổi, bổ sung các quy định về khai thác, sử dụng nước; bổ sung các quy định nhằm đẩy mạnh xã hội hóa trong lĩnh vực tài nguyên nước; bổ sung các quy định nhằm chuyển dần từ quản lý bằng công cụ hành chính sang quản lý bằng công vụ kinh tế; bổ sung quy định về trách nhiệm của các bộ, ngành.

Đặc biệt, Dự thảo Luật được xây dựng theo hướng tách bạch quản lý tổng hợp thống nhất về tài nguyên nước với quản lý, vận hành công trình khai thác, sử dụng nước (công trình thủy lợi, thủy điện, cấp nước đô thị, nông thôn, cấp nước công nghiệp dịch vụ, giao thông thủy...); đồng thời giải quyết những chồng chéo, đan xen, xung đột, lỗ hổng trong các luật.

Cơ bản nhất trí với nội dung Dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) sau khi được tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện, nhiều nhà khoa học, chuyên gia thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Hà Nội cho rằng, tài nguyên nước là lĩnh vực rất rộng; đang được quy định trong một số luật liên quan đến khai thác, sử dụng tài nguyên nước như: Luật Thủy lợi; Luật Đê điều; Luật Phòng, chống thiên tai; Luật Bảo vệ môi trường…Vì thế, cần nghiên cứu, rà soát kỹ, tránh chồng chéo, trùng lặp trong các quy định của dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi). Một số ý kiến đề nghị xem xét, sửa đổi một số điều, khoản liên quan đến cấp quyền khai thác nước phục vụ sản xuất nông nghiệp…

Bên cạnh đó, một số nội dung được chuyên gia các bộ, ngành, địa phương thảo luận nhiều trong dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) như: Phạm vi điều chỉnh của Luật; phân định rõ chức năng quản lý điều hòa, phân phối nguồn nước và việc đầu tư, xây dựng, quản lý công trình khai thác, sử dụng nước; phạm vi quản lý nhà nước về cấp nước sinh hoạt đô thị và nông thôn; quy định mức độ đến đâu trong Luật Tài nguyên nước (sửa đổi); vấn đề tuần hoàn và tái sử dụng nước; tổ chức lưu vực sông…

Theo Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh, dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) dự kiến sẽ được thông qua tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV. Cử tri và nhân dân cả nước đang kỳ vọng khi được thông qua, Luật sẽ đáp ứng được yêu cầu mới, nhiệm vụ mới, cách quản lý mới với nguồn tài nguyên vô cùng quý giá này./.

Diệu Thúy

Xem thêm