Hội thảo quốc tế "Đẩy mạnh hội nhập quốc tế về văn hóa trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc" nhằm đánh giá thực trạng và nhận diện cơ hội, thách thức trong quá trình hội nhập quốc tế về văn hóa của Việt Nam
Ngày 3/4, tại Hà Nội, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức Hội thảo quốc tế "Đẩy mạnh hội nhập quốc tế về văn hóa trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc", xin ý kiến chuyên gia xây dựng Đề án "Quốc tế hóa văn hóa Việt Nam và Việt Nam hóa văn hóa quốc tế".
Hội thảo có sự tham dự của Lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; đại diện UNESCO tại Việt Nam và đại diện các Ban, Bộ, ngành Trung ương và địa phương, các nhà nghiên cứu, các chuyên gia văn hóa trong nước và quốc tế.
Phát biểu khai mạc hội thảo, Thứ trưởng Thường trực Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Lê Hải Bình cho biết, Hội thảo quốc tế "Đẩy mạnh hội nhập quốc tế về văn hóa trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc" diễn ra trong bối cảnh Việt Nam đang bước vào một giai đoạn phát triển mới, với khát vọng vươn lên mạnh mẽ, khẳng định vị thế trên trường quốc tế, trong đó văn hóa đã, đang và tiếp tục khẳng định vai trò quan trọng, vừa là nguồn sức mạnh nội sinh, vô giá cho sự phát triển bền vững của đất nước Việt Nam, vừa là cầu nối hữu nghị và hợp tác giữa Việt Nam và bạn bè quốc tế, trong bối cảnh hội nhập và hợp tác quốc tế ngày càng sâu rộng như hiện nay.
Theo Thứ trưởng Thường trực Lê Hải Bình, Việt Nam là một đất nước có hơn 4 nghìn năm lịch sử, trải qua nhiều sự biến đổi, thăng trầm do thiên nhiên và con người gây ra, đã tích lũy, tạo ra và phát huy được nhiều giá trị, bản sắc văn hóa riêng của dân tộc, làm nên hồn cốt, sức mạnh của dân tộc; đồng thời tiếp thu và góp phần đóng góp vào nền văn hóa chung của nhân loại.
Thứ trưởng Lê Hải Bình khẳng định, những thành tựu nổi bật của đất nước, của dân tộc, đặc biệt trong 40 năm đổi mới vừa qua, với vai trò không thể thiếu của văn hóa, là nền tảng và điều kiện quan trọng để Việt Nam hiện thực hóa tầm nhìn chiến lược, bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, độc lập, dân chủ, giàu mạnh, phồn vinh, văn minh, hạnh phúc…
Hội thảo quốc tế "Đẩy mạnh hội nhập quốc tế về văn hóa trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc" là diễn đàn để các nhà quản lý, các nhà nghiên cứu, các chuyên gia văn hóa trong nước và quốc tế cùng nhau trao đổi, thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm và đề xuất những ý tưởng, giải pháp sáng tạo nhằm đánh giá thực trạng và nhận diện cơ hội, thách thức trong quá trình hội nhập quốc tế về văn hóa của Việt Nam hiện nay; đồng thời làm sâu sắc thêm nhận thức về vai trò và tầm quan trọng của văn hóa trong quá trình hội nhập quốc tế, nâng cao vị thế quốc gia và thúc đẩy phát triển bền vững, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam đang đứng trước thời điểm lịch sử, chuẩn bị bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Bên cạnh đó, hội thảo còn góp phần tăng cường hợp tác quốc tế trong lĩnh vực văn hóa, học hỏi kinh nghiệm từ các quốc gia trên thế giới, xây dựng các chương trình, dự án hợp tác thiết thực, đặc biệt kinh nghiệm trong quá trình quốc tế hóa văn hóa trong nước và nội hóa các giá trị tinh hoa văn hóa quốc tế. Đồng thời, đề xuất các định hướng, chiến lược và giải pháp cụ thể để đẩy mạnh hội nhập quốc tế về văn hóa một cách hiệu quả, phát huy mạnh mẽ vai trò của văn hóa trong kỷ nguyên mới của đất nước Việt Nam.
Báo cáo đề dẫn tại hội thảo, Cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) Nguyễn Phương Hòa cho biết, Đề án “Quốc tế hóa văn hóa Việt Nam và Việt Nam hóa văn hóa quốc tế” nhằm hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước phồn vinh và hạnh phúc, xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; để văn hóa trở thành sức mạnh nội sinh phát triển đất nước nhanh và bền vững; nâng cao vị thế đất nước trên trường quốc tế; góp phần tích cực giúp Việt Nam thể hiện vai trò, vị trí quan trọng trong nền văn minh của nhân loại.
Cùng với đó, Đề án cũng kỳ vọng sẽ chiếm lĩnh đỉnh cao mới trong sáng tạo nghệ thuật, tạo ra các tác phẩm đẳng cấp thế giới; hình thành các sản phẩm, thương hiệu văn hóa có chất lượng và năng lực cạnh tranh toàn cầu, tiếp cận thị trường quốc tế, xuất khẩu hàng hóa, dịch vụ văn hóa ra nước ngoài; xây dựng Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn của các sự kiện văn hóa, nghệ thuật tầm cỡ quốc tế; xây dựng văn hóa số phù hợp với kinh tế số, xã hội số và công dân số.
Tại hội thảo, các đại biểu đã thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm quốc tế và gợi mở những giải pháp thiết thực cho phát triển văn hóa Việt Nam. Nhiều đại biểu đã đóng góp những ý kiến thiết thực, cụ thể cũng như đề xuất các nhiệm vụ, giải pháp để thực hiện mục tiêu Quốc tế hóa văn hóa Việt Nam và Việt Nam hóa văn hóa quốc tế một cách hiệu quả./.