Văn hóa

Khai hội truyền thống chùa Nhẫm Dương

Hải Dương

Lễ hội chùa Nhẫm Dương diễn ra trong 3 ngày, từ ngày 2-4/4 (tức ngày 5-7/3 năm Ất Tỵ).

Hòa thượng Thích Quảng Tùng,Phó Chủ tịch Hội đồng trị sự, Trưởng Ban Từ thiện xã hội Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam thỉnh chiêng khai hội. 
Ảnh: TTXVN phát

Ngày 2/4 (tức ngày 5/3 năm Ất Tỵ), tại chùa Nhẫm Dương, UBND thị xã Kinh Môn (Hải Dương), Ủy ban nhân dân thị xã Kinh Môn, Tổ đình Thánh Quang (Sơn môn Thiền phái Tào Động Việt Nam) khai hội truyền thống chùa Nhẫm Dương và tưởng niệm 321 năm ngày Thánh tổ Quốc sư Đạo Nam Thông Giác Thủy Nguyệt nhập niết bàn (1704-2025) với sự tham gia của đông đảo nhân dân, du khách thập phương.

Chùa Nhẫm Dương là một trong 20 điểm di tích trong thành phần hồ sơ trình UNESCO công nhận quần thể Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc là di sản văn hóa thế giới. Lễ hội truyền thống chùa Nhẫm Dương (Kinh Môn, Hải Dương) năm nay diễn ra trong bối cảnh hồ sơ quần thể Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc trình UNESCO chuẩn bị được bảo vệ tại Kỳ họp lần thứ 47 của Ủy ban Di sản thế giới. Đây là sự kiện có ý nghĩa quan trọng được kỳ vọng sẽ mở ra nhiều cơ hội quảng bá, phát huy các giá trị nổi bật của di tích, góp phần phát triển du lịch cho địa phương.

Bà Mạc Thị Huyền, Phó Chủ tịch UBND thị xã Kinh Môn đọc diễn văn khai hội. 
Ảnh: TTXVN phát

Bà Mạc Thị Huyền, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thị xã Kinh Môn cho biết, lễ hội truyền thống chùa Nhẫm Dương được tổ chức hằng năm nhằm tri ân công đức của Thánh Tổ Thủy Nguyệt. Đây là hoạt động văn hoá lâu đời gắn liền với chốn Tổ Thiền phái Tào Động Việt Nam.

Chùa Nhẫm Dương (Thánh Quang tự) được khởi dựng từ thời Trần (1225-1400), nằm trong quần thể núi non, hang động đá vôi đặc sắc của vùng đất Kinh Môn. Nơi đây đã trở thành trung tâm Phật giáo lớn thời Trần và thời hậu Lê. Đặc biệt, khoảng thế kỷ XVII, Tào Động Tông do Thiền sư Thủy Nguyệt, pháp danh Đạo Nam Thông Giác truyền vào Việt Nam. Đệ nhất tổ - Quốc sư Đạo Nam Thông Giác Thủy Nguyệt đã tu hành và viên tịch tại hang Thánh Hóa. Vì vậy nơi đây đã trở thành chốn tổ của Thiền phái Tào Động Việt Nam. Ngày hóa của Thánh tổ Thủy Nguyệt trở thành lễ hội truyền thống chùa Nhẫm Dương, diễn ra từ ngày mùng 5-7/3 Âm lịch hằng năm.

Ông Nguyễn Khắc Toản, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Hải Dương thực hiện nghi thức đánh trống khai hội. 
Ảnh: TTXVN phát

Đệ nhất Tổ sư phái Tào Động Thủy Nguyệt sinh năm 1637, quê ở đạo Sơn Nam, nay thuộc tỉnh Thái Bình. Sau nhiều năm xuất gia học đạo, ngài tiếp tục chu du sang Trung Hoa. Ngài được ban pháp hiệu Thông Giác Đạo Nam Thiền Sư. Năm 1667, Thiền sư Thủy Nguyệt về nước, đi nhiều nơi như chùa Côn Sơn, Quỳnh Lâm, Yên Tử thuyết pháp, phổ độ chúng sinh. Sau Thiền sư về trụ trì chùa Nhẫm Dương. Năm 1704, Thiền sư Thủy Nguyệt viên tịch. Ngài được vua Lê sắc phong làm Đại thánh Đông Sơn Tuệ Nhẫn Tứ Giác Quốc sư. Với những giá trị to lớn về lịch sử Phật giáo và khảo cổ học, ngày 22/12/2016, Di tích lịch sử và Danh lam thắng cảnh quần thể An Phụ - Kính Chủ - Nhẫm Dương đã được xếp hạng là Di tích quốc gia đặc biệt.

Múa lân tại lễ khai hội truyền thống chùa Nhẫm Dương. 
Ảnh: TTXVN phát

Lễ hội năm nay diễn ra trong 3 ngày, từ ngày 2-4/4 (tức ngày 5-7/3 năm Ất Tỵ), với những nghi thức: rước nước, rước lân rồng, niệm phật cầu gia bị, thỉnh chiêng, đánh trống, cung tuyên lược sử của Thánh tổ Thủy Nguyệt, dâng hương và phần hội đặc sắc như: trò chơi dân gian kéo co, nhảy bao bố, bắt chạch trong chum, giải cờ tướng… /.

Mạnh Minh

Xem thêm