Văn hóa

Phát huy giá trị văn hóa Chăm Pa trên vùng đất Phú Yên

Phú Yên

Tỉnh Phú Yên nằm trong vùng phân bố di sản văn hóa Chăm Pa. Việc bảo tồn và phát huy giá trị các di sản không chỉ giúp gìn giữ ký ức lịch sử mà còn tạo nền tảng cho nghiên cứu và phát triển du lịch văn hóa.

Phù điêu Kala Núi Bà (Phú Yên) thuộc nền văn hóa Chăm Pa là một trong 33 hiện vật, nhóm hiện vật được Thủ tướng Chính phủ công nhận là bảo vật quốc gia theo Quyết định số 1712/QĐ-TTG ngày 31/12/2024. Để phát huy những giá trị văn hóa lịch sử này, tỉnh đã tăng cường công tác tuyên truyền, quảng bá; đồng thời tiếp tục nghiên cứu các hiện vật khác nhằm lưu giữ, tôn vinh giá trị văn hóa Chăm Pa trong dòng chảy lịch sử địa phương.

*Đỉnh cao nghệ thuật điêu khắc Chăm Pa

Mặt trước của Phù điêu Kala Núi Bà. 
Ảnh: Tường Quân - TTXVN

Phù điêu Kala Núi Bà được phát hiện trong hố khai quật di tích Núi Bà (thôn Mỹ Thạnh Đông, xã Hòa Phong, huyện Tây Hòa) vào năm 1993. Sau đó, hiện vật được đưa về trưng bày tại Bảo tàng tỉnh Phú Yên. Phù điêu Kala được tạo tác trên khối đá túp riolit đaxit hình lá nhĩ, đế bằng, đỉnh nhọn với kích thước: cao 60cm, đế rộng 44cm2, dày 17cm; trọng lượng 105,5kg.

Nhìn bề ngoài có thể thấy, khuôn mặt Kala trên phù điêu có miệng rộng, 8 răng chạm nổi to, dài thò ra ngoài; trong đó có 2 răng nanh và 6 răng cửa. Môi trên của Kala cong. Râu xung quanh miệng dày, xếp thành từng đường thẳng. Ở hai bên miệng, mỗi bên có 3 sừng ngắn mọc từ dưới lên. Mũi to tròn nhưng đã bị vỡ, sống mũi ngắn và gãy. Hai mắt to tròn, lồi ra phía trước, đuôi mắt xếch ngược lên phía trên. Lông mi quanh mắt rậm, đuôi lông mi xoắn lại hình ốc. Trên trán có chuỗi hạt hình tròn. Bờm dày tạo thành 4 lớp.

Theo ông Nguyễn Hữu An, Giám đốc Bảo tàng tỉnh Phú Yên, Phù điêu Kala Núi Bà có niên đại vào thế kỷ XIV, thuộc phong cách nghệ thuật điêu khắc Tháp Mẫm. Những yếu tố tạo nên giá trị thẩm mỹ cao của Phù điêu Kala thể hiện ở kỹ thuật xử lý chất liệu, kỹ thuật chế tác tinh xảo, đường nét chạm khắc tỉ mỉ, đầy đủ đến từng chi tiết. Cách phân chia bố cục, tạo hình khối hài hòa, cân xứng. Trên một diện tích nhỏ nhưng thể hiện đa dạng về chi tiết, tạo ấn tượng mạnh, biểu đạt rõ ràng thần thái của khuôn mặt Kala.

Trong nghệ thuật điêu khắc Chăm Pa, Kala là một hình tượng nổi bật, biểu hiện của thần Siva - đấng hủy diệt và tái tạo vũ trụ của Ấn Độ giáo. Hình tượng Kala có sự kết hợp một số nét trong diện mạo của lân, rồng, sư tử… Đặc điểm chung của mặt Kala là thường có hai sừng, cặp mắt lồi, hai tai nhỏ, đôi má căng, hàm răng lởm chởm với hai răng nanh dài. Đặc biệt, mặt Kala không có hàm răng dưới và cằm. Các tác phẩm điêu khắc thể hiện chủ đề về thần Kala được phát hiện cho đến nay được thể hiện trên 2 loại chất liệu đá và đất nung.

Phó Giáo sư, Tiến sỹ Bùi Chí Hoàng, nguyên Phó Viện trưởng Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ, Ủy viên Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia nhận định: Phù điêu Kala Núi Bà là một tác phẩm điêu khắc đỉnh cao của nghệ thuật điêu khắc Chăm Pa. Phú Yên có hệ thống đền tháp và hiện vật Chăm Pa phong phú, đóng vai trò quan trọng trong dòng chảy di sản văn hóa Chăm Pa tại Việt Nam. Việc bảo tồn và phát huy giá trị các di sản này không chỉ giúp gìn giữ ký ức lịch sử mà còn tạo nền tảng cho nghiên cứu và phát triển du lịch văn hóa.

*Phát huy giá trị văn hóa Chăm Pa

Một hiện vật thuộc văn hóa Chăm Pa.
Ảnh: Tường Quân - TTXVN

Thời gian qua, Bảo tàng tỉnh Phú Yên thường xuyên tổ chức các đợt triển lãm để giới thiệu những giá trị của bảo vật quốc gia Phù điêu Kala Núi Bà nói riêng, các hiện vật, nhóm hiện vật thuộc văn hóa Chăm Pa nói chung đến cán bộ, người dân, học sinh, sinh viên và du khách.

Được nhà trường tổ chức tham quan và tìm hiểu Phù điêu Kala Núi Bà tại Bảo tàng tỉnh Phú Yên, em Võ Nguyễn Thanh Hương, học sinh Trường Trung học phổ thông Nguyễn Trãi (thành phố Tuy Hòa) vô cùng thích thú vì khám phá được những nét độc đáo của nghệ thuật điêu khắc Chăm Pa. Thanh Hương cho biết, qua tìm hiểu, em có thêm nhiều kiến thức bổ ích cho môn học lịch sử, thấy được những giá trị văn hóa trên quê hương. Em sẽ giới thiệu bạn bè và người thân đến xem, tìm hiểu tại bảo tàng.

Ông Nguyễn Hữu An, Giám đốc Bảo tàng tỉnh Phú Yên thông tin: Thời gian tới, Bảo tàng sẽ tổ chức thêm nhiều triển lãm chuyên đề về di sản văn hóa Chăm Pa để người và du khách tham quan, tìm hiểu. Đơn vị cũng sẽ thực hiện số hóa và biên soạn, xuất bản ấn phẩm giới thiệu hiện vật tại bảo tàng; đồng thời bố trí một không gian trưng bày đảm bảo các quy chuẩn kỹ thuật, vừa phát huy tốt giá trị, vừa đảm bảo an toàn tuyệt đối với các hiện vật. Đối với một số hiện vật Chăm Pa được phát hiện cùng với Phù điêu Kala Núi Bà, Bảo tàng sẽ phối hợp với cơ quan chuyên môn nghiên cứu, đánh giá tổng thể giá trị văn hóa, lịch sử.

Tỉnh Phú Yên nằm trong vùng phân bố di sản văn hóa Chăm Pa. Đây là địa bàn có nhiều di tích nổi tiếng như Tháp Nhạn, Thành Hồ... Qua các cuộc khảo sát, nghiên cứu di tích thuộc nền văn hóa Chăm Pa trên địa bàn tỉnh, trong thời gian, hàng trăm hiện vật đã được phát hiện, sưu tầm và đưa về Bảo tàng tỉnh để lưu giữ, bảo quản, nghiên cứu, trưng bày và phát huy giá trị.

Phó Giáo sư, Tiến sỹ Bùi Chí Hoàng kiến nghị: Núi Bà - nơi phát hiện ra hiện vật Kala và nhiều hiện vật về văn hóa Chăm Pa khác là một khu vực di tích rất quan trọng và có giá trị. Bảo tàng Phú Yên cần tiếp tục nghiên cứu và xây dựng hồ sơ để trình công nhận bảo vật quốc gia đối với một số hiện vật có kỹ thuật điêu khắc độc đáo mà không nơi nào có được. Với hệ thống hiện vật về di tích Chăm Pa đã được phát hiện dọc theo sông Đà Rằng, tỉnh Phú Yên cần tiếp tục khảo sát, nghiên cứu để nhận diện đầy đủ hơn giá trị di tích Chăm Pa trên địa bàn.

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Yên Đào Mỹ khẳng định: Thời gian tới, địa phương tăng cường tuyên truyền, giới thiệu về giá trị bảo vật quốc gia Kala Núi Bà và các hiện vật về văn hóa Chăm Pa trên các phương tiện truyền thông gắn với phát triển kinh tế - xã hội, nhất là phát triển du lịch. Tỉnh tiếp tục nghiên cứu, rà soát các hiện vật quý mà Bảo tàng tỉnh và các tổ chức, cá nhân đang lưu giữ nhằm tìm hiểu, đánh giá giá trị lịch sử văn hóa, nghệ thuật để lập hồ sơ trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, công nhận bảo vật quốc gia trong những đợt tiếp theo./.


Tường Quân

Xem thêm