Văn hóa

Công nghiệp văn hóa đóng góp vào sự tăng trưởng của đất nước

Nhìn chung, các ngành công nghiệp văn hoá có tỷ lệ giá trị gia tăng cao hơn so với chi phí sản xuất, góp phần tiết kiệm tài nguyên, kết hợp và phát huy được các yếu tố tự nhiên, văn hóa, bản sắc dân tộc và đáp ứng mục tiêu phát triển bền vững.

Chương trình nghệ thuật “Chuyến tàu huyền thoại” là một vở đại nhạc kịch ngoài trời lần đầu tiên được tổ chức trên sông Sài Gòn. 
Ảnh: Thu Hương-TTXVN

Theo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch: Công nghiệp văn hóa đang trở thành xu hướng và được xác định là phần quan trọng, bền vững, đóng góp vào sự tăng trưởng của đất nước.

Ước tính, giá trị tăng thêm (giá hiện hành) của các ngành công nghiệp văn hóa đóng góp vào nền kinh tế năm 2018 ước đạt 5,82%; năm 2019 ước đạt 6,02%; năm 2020 và 2021 do ảnh hưởng của đại dịch nên số liệu có sự sụt giảm chỉ còn khoảng 4,32% và 3,92%. Đến năm 2022 các ngành đã bắt đầu phục hồi và giá trị đóng góp có sự tăng trưởng ước đạt 4,04%. Giá trị sản xuất của các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam giai đoạn 2018-2022 đóng góp ước bình quân đạt 1,059 triệu tỷ đồng (tương đương khoảng 44 tỷ USD).

Giai đoạn 2018-2022, bình quân 5 năm tốc độ tăng trưởng về số lượng các cơ sở kinh tế hoạt động trong các ngành công nghiệp văn hóa ước đạt 7,2%/năm. Năm 2022 thống kê có khoảng 70.321 cơ sở đang hoạt động có liên quan đến các ngành công nghiệp văn hóa. Lực lượng lao động thuộc các ngành công nghiệp văn hóa tăng khá nhanh, bình quân 5 năm lao động tăng 7,4%/năm.

Năm 2022 thu hút khoảng 2,3 triệu lao động, chiếm tỷ trọng 4,42% trong tổng lực lượng lao động của nền kinh tế. Xuất nhập khẩu sản phẩm, dịch vụ của các ngành công nghiệp văn hóa trong giai đoạn 2018-2022 tạo ra giá trị xuất siêu, năm 2018 xuất siêu ước đạt 37 tỷ USD, đến năm 2022 xuất siêu tiếp tục tăng, ước đạt 41,9 tỷ USD.

Các nghệ sỹ Việt Nam biểu diễn vở ballet "Hồ thiên nga" đúng với phiên bản gốc của Nga.
 Ảnh: VNOB

Công nghiệp văn hóa là nhóm ngành mới, giá trị gia tăng đóng góp cho nền kinh tế thể hiện là nhóm ngành có lợi thế quốc gia của Việt Nam, góp phần tăng năng lực cạnh tranh của nền kinh tế và quảng bá hình ảnh Việt Nam với thế giới. Đây là nhóm ngành có giá trị hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu tăng khá nhanh trong thời gian gần đây. Nhìn chung, các ngành công nghiệp văn hoá có tỷ lệ giá trị gia tăng cao hơn so với chi phí sản xuất, góp phần tiết kiệm tài nguyên, kết hợp và phát huy được các yếu tố tự nhiên, văn hóa, bản sắc dân tộc và đáp ứng mục tiêu phát triển bền vững.

Trước đó, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1755/QĐ-TTg ngày 8/9/2016 phê duyệt “Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030” . Chiến lược đã đề ra mục tiêu đến năm 2030 sẽ hát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam trở thành ngành kinh tế quan trọng, trong đó tập trung phát triển có trọng tâm, trọng điểm một số ngành công nghiệp văn hóa có tiềm năng, lợi thế nhằm đạt mục tiêu các ngành công nghiệp văn hóa đóng góp 7% GDP và tiếp tục góp phần phát triển kinh tế - xã hội của cả nước.

Một tiết mục biểu diễn múa rối nước của các nghệ sỹ Việt Nam.
Ảnh: Phạm Kiên- TTXVN

Nước ta sẽ xây dựng và phát triển các sản phẩm, dịch vụ công nghiệp văn hóa đa dạng, chất lượng cao, dựa trên yếu tố đổi mới, sáng tạo, tôn vinh văn hóa truyền thống và tôn trọng bản quyền. Đồng thời nâng cao giá trị của các sản phẩm, dịch vụ, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ, tiêu dùng văn hóa của người dân trong nước và xuất khẩu; góp phần quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam; xác lập thương hiệu cho các sản phẩm, dịch vụ văn hóa.

Cùng với đó là hình thành các trung tâm công nghiệp văn hóa trọng điểm, như tại Hà Nội, Đà Nẵng và Thành phố Hồ Chí Minh; định hình, mở rộng và phát triển mạng lưới các thành phố sáng tạo trên cả nước. Tính đến tháng 12/2023, Việt Nam có 3 thành phố trong Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO, gồm: Hà Nội: thành phố sáng tạo trong lĩnh vực “thiết kế” (ngày 30/10/2019); Đà Lạt: Thành phố sáng tạo trong lĩnh vực “âm nhạc” (ngày 31/10/2023), Hội An: thành phố sáng tạo trong lĩnh vực “thủ công và nghệ thuật dân gian” (ngày 31/10/2023).

Chiến lược cũng đặt ra những mục tiêu cụ thể cho 12 ngành, trong đó có các điện ảnh; nghệ thuật biểu diễn; mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm; quảng cáo; du lịch văn hóa do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp phát triển.

Cụ thể, vào năm 2030, ngành điện ảnh phấn đấu doanh thu đạt 250 triệu USD (phim Việt Nam đạt khoảng 125 triệu USD). Nghệ thuật biểu diễn phấn đấu đạt 31 triệu USD; mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm phấn đấu đạt khoảng 125 triệu USD. Mục tiêu của lĩnh vực quảng cáo là đẩy mạnh quảng cáo tương tác, tích hợp, quảng cáo trên nền tảng số hóa và tích hợp giữa các loại hình, trong đó đẩy mạnh ứng dụng các công nghệ AI, IoT, Blockchain và BigData. Còn du lịch văn hóa sẽ có doanh thu chiếm 10 - 15% trong tổng số doanh thu từ hoạt động du lịch.

(Bài viết có sự phối hợp của Vụ Pháp chế, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch)

Thanh Giang

Tin liên quan

Xem thêm