Văn hóa

Giải quyết các thách thức để phát triển công nghiệp văn hóa có trọng tâm, trọng điểm

Công nghiệp văn hóa đã góp phần tạo động lực mạnh mẽ cho tăng trưởng kinh tế, góp phần giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc

Một tiết mục biểu diễn nghệ thuật.
Ảnh: TTXVN

Theo Bộ Văn hóa,Thể thao và Du lịch: Năm 2016, Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030 ra đời đã động lực tạo ra sự chuyển biến tích cực và đổi mới trên toàn bộ lĩnh vực văn hóa. Những năm qua, các ngành công nghiệp văn hóa và sáng tạo đã đạt được sự tăng trưởng đáng lưu ý. Điện ảnh, nghệ thuật biểu diễn, âm nhạc, thiết kế, thủ công mỹ nghệ, trò chơi điện tử... không chỉ làm phong phú thêm đời sống vật chất và tinh thần của người dân mà còn đang trở thành động lực mạnh mẽ cho tăng trưởng kinh tế, góp phần giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc.

Các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam bước đầu đã đạt được sự tăng trưởng về đóng góp GDP, việc làm, doanh thu xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ văn hóa, số lượng doanh nghiệp và các không gian văn hóa, trung tâm sáng tạo, thành phố sáng tạo trong cả nước. Sự nỗ lực của các nhân tố tham gia công nghiệp văn hóa và sáng tạo đã mang lại nhiều sản phẩm, sự kiện, chương trình văn hóa nghệ thuật có chất lượng quốc tế, phản ánh nội dung và tinh thần sáng tạo Việt Nam sâu sắc

Nghệ sỹ quốc tế dự Liên hoan phim quốc tế Hà Nội năm 2024
Ảnh: Thanh Tùng- TTXVN

Tuy vậy, sau 8 năm triển khai Chiến lược cho thấy: Nhận thức về vai trò, tầm quan trọng của phát triển các ngành công nghiệp văn hóa gắn với mục tiêu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế của đất nước chưa rõ. Thói quen trông chờ ngân sách nhà nước cho hoạt động sản xuất các sản phẩm, dịch vụ văn hóa vẫn tồn tại từ thời bao cấp, cùng với quan niệm ngành văn hóa là ngành "tiêu tiền" đang tạo rào cản trong nhận thức về đầu tư các nguồn lực cho phát triển các ngành công nghiệp văn hóa.

Chúng ta vẫn chưa phát huy được sự đóng góp của các chủ thể tham gia vào chuỗi giá trị công nghiệp văn hóa do cơ chế phối hợp giữa các ban, ngành, cơ quan các cấp, giữa khu vực nhà nước và khu vực tư nhân còn thiếu đồng bộ, chặt chẽ. Quá trình hoàn thiện thể chế chưa tạo điều kiện ưu tiên và khuyến khích các ngành công nghiệp văn hóa phát triển, nhất là sau Covid 19. Đầu tư cho văn hóa chưa tương xứng với tiềm năng của các ngành trong phát triển bền vững. Cùng với đó là bất cập trong cơ chế chính sách, tạo ra sự thiếu hài hòa giữa khu vực công lập và tư nhân trong việc tiếp cận nguồn hỗ trợ từ Nhà nước. Chất lượng nguồn nhân lực chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển các ngành công nghiệp văn hóa. Hiệu quả thực thi các chính sách và biện pháp bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, quyền tác giả và quyền liên quan còn hạn chế, chưa thúc đẩy năng lực sáng tạo các ngành công nghiệp văn hóa.

Bản chất năng động của các ngành công nghiệp văn hóa và sáng tạo đòi hỏi chúng ta phải có những đánh giá thường xuyên, điều chỉnh kịp thời và thích ứng liên tục với bối cảnh mới, từ đó tối đa hóa nguồn lực hiện có, nắm bắt xu hướng phát triển của tương lai trong lĩnh vực này.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đang xây dựng đề án chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 nhằm đưa ra những giải pháp, chiến lược cụ thể để tạo "sức bật" cho các ngành công nghiệp văn hóa của nước ta trong thời gian tới. Qua đó nhằm phát huy có hiệu quả hơn nữa tiềm năng văn hóa và sáng tạo của quốc gia; giải quyết triệt để các thách thức hiện nay về cơ chế-chính sách, nguồn nhân lực, công nghệ, sở hữu trí tuệ, phát triển bền vững… để phát triển các ngành công nghiệp văn hóa có trọng tâm, trọng điểm hơn./.

(Bài viết có sự phối hợp của Vụ Pháp chế, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch)

Thanh Giang

Tin liên quan

Xem thêm