Chiến lược đặt ra mục tiêu đến năm 2030, các ngành công nghiệp văn hóa sẽ đóng góp 7% GDP, phát triển đa dạng, đồng bộ và hiện đại tất cả các ngành công nghiệp văn hóa một cách bền vững, ứng dụng công nghệ tiên tiến.
Thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước; Nghị quyết số 102/NQ-CP của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1755/QĐ-TTg phê duyệt “Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030” (gọi tắt là Chiến lược).
Chiến lược có đề cập đến 12 ngành công nghiệp văn hóa (quảng cáo; kiến trúc; phần mềm và các trò chơi giải trí; thủ công mỹ nghệ; thiết kế; điện ảnh; xuất bản; thời trang; nghệ thuật biểu diễn; mỹ thuật, nhiếp ảnh và triểm lãm; truyền hình và phát thanh; du lịch văn hóa.
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch được giao tổ chức thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp phát triển 5/12 ngành, gồm: Điện ảnh; nghệ thuật biểu diễn; mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm; quảng cáo; du lịch văn hóa. Còn 7/12 ngành gồm kiến trúc; phần mềm và các trò chơi giải trí; thủ công mỹ nghệ; thiết kế; xuất bản; thời trang; truyền hình và phát thanh được giao cho các bộ, ngành liên quan phối hợp, triển khai, thực hiện.
Chiến lược đặt ra mục tiêu đến năm 2030, các ngành công nghiệp văn hóa sẽ đóng góp 7% GDP, phát triển đa dạng, đồng bộ và hiện đại tất cả các ngành công nghiệp văn hóa một cách bền vững, ứng dụng công nghệ tiên tiến. Sản phẩm, dịch vụ văn hóa có thương hiệu uy tín trong khu vực và quốc tế, đạt tiêu chuẩn của các nước phát triển và tham gia sâu rộng vào chuỗi giá trị sản phẩm, dịch vụ văn hóa toàn cầu. Các ngành công nghiệp văn hóa sẽ tăng trưởng mạnh, tạo ra hiệu quả kinh tế, thúc đẩy, quảng bá các giá trị văn hóa của Việt Nam ra toàn thế giới.
Theo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch: Nhận thức được tầm quan trọng của công nghiệp văn hóa, các địa phương đã tập trung thực hiện nhiều nhiệm của ngành, lồng ghép các nhiệm được giao tại Chiến lược với một số kết quả nổi bật. Đáng chú ý là Hà Nội, Hội An (Quảng Nam), Đà Lạt (Lâm Đồng) đã trở thành thành viên “Mạng lưới thành phố sáng tạo của UNESCO” nhằm nguồn lực văn hóa và sáng tạo văn hóa làm, nền tảng cho quá trình phát triển đô thị một cách bền vững.
Ở thành phố Hồ Chí Minh, công nghiệp văn hóa phát triển mạnh ở lĩnh vực âm nhạc và điện ảnh với nhiều dự án, chương trình âm nhạc đi vào đời sống không chỉ đơn thuần là hoạt động nghệ thuật mà còn thông qua các hoạt động dịch vụ, thương mại, kinh doanh với nhiều mô hình đa dạng.
Đà Nẵng cũng ban hành nhiều chương trình, kế hoạch để hỗ trợ, thúc đẩy phát triển các ngành công nghiệp văn hóa: Đề án phát triển thiết chế văn hóa đến năm 2025, Đề án bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa giai đoạn 2016-2020 và giai đoạn 2021-2025.
Ở Ninh Bình, cộng đồng đã tôn trọng và giữ gìn các giá trị di sản, các khu, điểm du lịch Quần thể danh thắng Tràng An là trung tâm thúc đẩy phát triển du lịch và các ngành công nghiệp văn hóa. Tỉnh Thừa Thiên -Huế thành lập Quỹ bảo tồn di sản Huế để huy động hiệu quả các nguồn lực bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa Huế, xây dựng chính sách hỗ trợ đầu tư bảo quản, tu bổ, phục hồi các di tích, bảo tàng…/.
- Từ khóa:
- Công nghiệp văn hóa
- nguồn lực
- cất cánh
- đầu tư
- bền vững