Du lịch

Tạo bước tiến mới trong hợp tác du lịch Việt Nam – Trung Quốc

Nhận thấy sự hợp tác về văn hóa, du lịch vẫn còn nhiều dư địa, khoảng trống, Việt Nam-Trung Quốc sẽ tăng cường hợp tác sâu sắc hơn.

Quang cảnh buổi giao lưu văn hóa giới thiệu du lịch Quảng Tây (Trung Quốc). 
Ảnh: Ngọc Bích - TTXVN

Được sự đồng ý của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Việt Nam, Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam, ngày 27/11, tại Hà Nội, Trung tâm Văn hóa Trung Quốc tại Hà Nội cùng Sở Văn hóa và Du lịch Quảng Tây (Trung Quốc) phối hợp tổ chức Giao lưu văn hóa giới thiệu du lịch Quảng Tây.

Giao lưu văn hóa giới thiệu du lịch Quảng Tây (Trung Quốc).

Tại sự kiện, Thứ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch Việt Nam Hồ An Phong đánh giá cao mối quan hệ truyền thống, lâu đời giữa Việt Nam và Trung Quốc. Thời gian qua, hai nước không ngừng trao đổi, tăng cường hợp tác, thúc đẩy quan hệ lên tầm cao mới. Trong lĩnh vực văn hóa, du lịch, hai nước đã có nhiều chương trình hợp tác, trao đổi nhằm thắt chặt tình đoàn kết. Chương trình Giao lưu văn hóa giới thiệu du lịch Trung Quốc là một trong những bước đi để cụ thể hóa chủ trương của hai Đảng và lãnh đạo cao cấp của hai quốc gia.

Thứ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch Việt Nam Hồ An Phong phát biểu. 
Ảnh: Ngọc Bích – TTXVN

Việt Nam - Trung Quốc có chung biên giới, với nhiều điểm tương đồng về văn hóa. Tình hữu nghị do các thế hệ lãnh đạo hai quốc gia dày công vun đắp đã tạo điều kiện thuận lợi để nhân dân hai nước giao lưu, tìm hiểu văn hóa, du lịch, phát triển kinh tế, xã hội.

Về lĩnh vực du lịch, Trung Quốc là thị trường khách lớn của Việt Nam. Năm 2019, trước thời điểm dịch COVID-19, Việt Nam đón 5,8 triệu lượt khách Trung Quốc (chiếm gần 1/3 lượng khách quốc tế đến Việt Nam) và số người dân Việt Nam đi du lịch Trung Quốc đạt khoảng 4,5 triệu lượt. Năm 2023, Việt Nam đón trên 1,7 triệu lượt khách Trung Quốc (khôi phục 30% so với thời điểm 2019). Trong 10 tháng năm 2024, Việt Nam đón hơn 3 triệu lượt khách Trung Quốc, tăng 130% so với cùng kỳ năm 2023.

Nhận thấy sự hợp tác về văn hóa, du lịch giữa hai quốc gia còn nhiều dư địa, khoảng trống, Thứ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch Việt Nam Hồ An Phong nhấn mạnh việc hai bên tăng cường hợp tác sâu sắc hơn trong thời gian tới.

Đoàn khách Việt Nam du lịch sang Quảng Tây (Trung Quốc) năm 2024.
Ảnh: TTXVN phát

Được sự quan tâm, hỗ trợ của Chính phủ hai nước, hiện nay, Khu cảnh quan thác Bản Giốc (Việt Nam) - Đức Thiên (Trung Quốc) đã chính thức hoạt động, mở ra nhiều cơ hội du lịch xuyên quốc gia. Tuyến du lịch đường biển Bắc Hải (Quảng Tây, Trung Quốc) – Hạ Long (Quảng Ninh, Việt Nam) đưa vào khai thác mang đến cho du khách nhiều trải nghiệm độc đáo với hành trình trên biển.

Bà Trần Dịch Quân, Trưởng Ban Tuyên truyền Đảng ủy Khu tự trị dân tộc Choang, Quảng Tây (Trung Quốc) chia sẻ, chuyến thăm Việt Nam của đoàn với mong muốn thúc đẩy hợp tác văn hóa và du lịch Việt – Trung lên tầm cao mới. Năm 2025, Việt Nam - Trung Quốc sẽ kỷ niệm 75 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao và Năm giao lưu nhân văn Việt – Trung. Hai bên sẽ đẩy mạnh hợp tác phát triển du lịch xuyên biên giới tiện lợi hơn, hiệu quả hơn, tăng cường khám phá các mô hình du lịch mới, du lịch trải nghiệm văn hóa, nghỉ dưỡng sinh thái, các hoạt động nghiên cứu thực tế dành cho thanh, thiếu nhi hai nước nuôi dưỡng, phát huy tình hữu nghị truyền thống.

Sản phẩm lưu niệm của du lịch Quảng Tây (Trung Quốc).
Ảnh: Ngọc Bích - TTXVN

Trong phần quảng bá du lịch các đại biểu đã giới thiệu về tài nguyên độc đáo, phong cảnh hữu tình, lịch sử lâu đời, văn hóa đa dạng của vùng Quảng Tây (Trung Quốc), cùng sản phẩm ưu đãi du lịch mùa đông dành riêng cho khách Việt Nam.

Dịp này, lễ ký kết văn bản hợp tác du lịch xuyên biên giới giữa các công ty du lịch hai nước đã diễn ra, nhằm tăng cường hợp tác phát triển, thúc đẩy các sản phẩm du lịch xuyên biên giới vào thị trường của nhau, trao đổi nguồn khách, mở rộng khai thác thị trường.

Ông Minh Thế Long, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần lữ hành quốc tế Kim Liên (Kim Lien travel) đánh giá, sự kiện xúc tiến du lịch này mang đến cho doanh nghiệp lữ hành hai nước cơ hội tìm hiểu thêm về tài nguyên văn hóa, du lịch. Các tài nguyên thiên nhiên, cảnh quan, văn hóa, ẩm thực, con người của hai quốc gia vừa có sự tương đồng, vừa có sự khác biệt nên thu hút lượng lớn khách du lịch tham quan, tìm hiểu, trải nghiệm.

Ông Minh Thế Long hy vọng, thời gian tới, doanh nghiệp lữ hành phía Việt Nam - Trung Quốc tiếp tục tăng cường quảng bá để gia tăng lượng du khách du lịch, qua đó nhân dân hai nước sẽ ngày càng trở nên gần gũi, gắn bó hơn./.

Ngọc Bích

Tin liên quan

Xem thêm