Với sự đồng lòng, quyết tâm cao của hệ thống chính trị trong việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo, diện mạo huyện vùng cao Tam Đường đang dần khởi sắc.
Huyện vùng cao Tam Đường (Lai Châu) nằm dưới dãy núi Hoàng Liên Sơn - nơi có đỉnh đèo Ô Quý Hồ được mệnh danh là một trong tứ đại đỉnh đèo của Tây Bắc với vẻ đẹp hùng vĩ, mây trời bao phủ quanh năm. Tận dụng lợi thế này, bên cạnh phát triển du lịch, huyện đã linh hoạt lồng ghép các dự án, chương trình giảm nghèo và tận dụng tối đa các nguồn lực để đầu tư hiệu quả. Qua đó, giúp người dân từng bước thoát nghèo, mang lại diện mạo mới cho các vùng nông thôn, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, từng bước nâng cao đời sống người dân.
* Hỗ trợ hộ nghèo bằng nhiều nguồn vốn đầu tư
Xã Nà Tăm (huyện Tam Đường) có 8 bản, 728 hộ với hơn 3.800 nhân khẩu; gần 100% là dân tộc Lào. Những năm qua, công tác giảm nghèo được cấp ủy, chính quyền địa phương quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sát sao, thường xuyên và đạt nhiều kết quả tích cực. Xã xây dựng kế hoạch thoát nghèo hằng năm theo từng giai đoạn; tổ chức giao chỉ tiêu phát triển kinh tế, đặc biệt là chỉ tiêu giảm nghèo đến từng bản. Địa phương thực hiện lồng ghép nguồn vốn đầu tư, hỗ trợ hộ nghèo; đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, thâm canh tăng vụ; áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, lựa chọn cây, con giống và mô hình sản xuất thích hợp để tăng năng suất, sản lượng, thu nhập.
Ông Lò Văn Bun (bản Coóc Nọc, xã Nà Tăm) cho biết, trước đây, diện tích đất sản xuất của gia đình ông chỉ trồng lúa, ngô nhưng không mang lại hiệu quả kinh tế cao. Được chính quyền địa phương tuyên truyền, hỗ trợ toàn bộ giống và một phần phân bón, gia đình ông chuyển đổi sang trồng 1 ha dong riềng. Hiện, diện tích dong riềng đang phát triển tốt, kỳ vọng sẽ mang lại thu nhập cao cho gia đình ông cũng như người dân trong bản.
Tương tự, gia đình anh Lò Văn Én (bản Nà Hiềng, xã Nà Tăm) trước đây chỉ trồng các cây nông nghiệp truyền thống như ngô, lúa. Dù diện tích đất sản xuất không nhỏ nhưng chỉ đảm bảo nhu cầu lương thực cũng như chăn nuôi của gia đình anh. Sau khi được xã tuyên truyền, vận động, nhận thấy người dân trồng cây ớt ở một số địa phương trong và ngoài tỉnh mang lại thu nhập cao hơn so với cây ngô, cây lúa, anh quyết định trồng thử nghiệm hơn 3 sào ớt. Anh Én hồ hởi cho biết, qua trồng thử nghiệm và thu hoạch vụ đầu cho thấy, trồng ớt có hiệu quả kinh tế cao hơn trồng lúa, ngô gấp 2 - 3 lần. Gia đình anh sẽ nhân rộng diện tích trồng ớt với mong muốn nâng cao thu nhập cho gia đình.
Lấy nông nghiệp là nguồn lực phát triển kinh tế, ngoài 300 ha lúa 2 vụ đảm bảo lương thực, 87 ha mắc ca, xã Nà Tăm xác định chè là cây trồng chủ lực, mang lại nguồn thu nhập ổn định. Trên cơ sở đó, cấp ủy, chính quyền địa phương tích cực tuyên truyền vận động người dân trồng, chăm sóc 227 ha chè Shan tuyết, Kim tuyên; trong đó, diện tích chè kinh doanh là 167 ha. Ngoài ra, xã vận động người dân chuyển đổi đất nông nghiệp kém hiệu quả sang trồng dong riềng, ớt. Đây là hướng đi mới của địa phương.
Chủ tịch UBND xã Nà Tăm Nguyễn Văn Chiến cho hay, năm 2024, địa phương tổ chức vận động người dân chuyển đổi một số vật nuôi, cây trồng có giá trị kinh tế thấp sang cây trồng có giá trị kinh tế cao như dong riềng, ớt. Hiện, diện tích trồng ớt ở xã là gần 1,3 ha, thu hoạch vụ đầu đạt năng suất 20 tấn/ha, giá trị kinh tế từ 200 - 250 triệu đồng/ha; 45 ha dong riềng dự kiến thu hoạch cuối năm nay khoảng 60 tấn củ/ha với giá bán từ 120 - 150 triệu đồng/ha. Ngoài ra, thời gian nông nhàn, địa phương vận động mọi người tham gia thị trường lao động trong và ngoài nước.
Nhờ thực hiện hiệu quả các Chương trình mục tiêu quốc gia, đến nay, xã Nà Tăm đạt 14/19 tiêu chí nông thôn mới, thu nhập bình quân đầu người đạt 27,4 triệu đồng/năm, tỷ lệ hộ nghèo còn 14,86%, cận nghèo 11%. Thời gian tới, chính quyền địa phương tăng cường công tác tuyên truyền để người dân nâng cao nhận thức, vươn lên thoát nghèo; huy động mọi nguồn lực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, hỗ trợ an sinh xã hội, tạo sinh kế cho người dân phát triển kinh tế, thoát nghèo bền vững.
* Tìm đầu ra từ việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng
Xã Khun Há (Tam Đường) với đặc thù là xã vùng cao thuần nông, độc canh cây lúa, đất hoang hóa nhiều nên đời sống của người dân còn khó khăn. Để giải bài toán giảm nghèo, địa phương đã có nghị quyết phù hợp, tạo động lực để người dân tích cực chuyển đổi phương thức sản xuất, cơ cấu cây trồng theo hướng hàng hóa.
Tận dụng tối đa nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước cho các hộ nghèo để có điều kiện phát triển kinh tế, chính quyền địa phương chỉ đạo và phân công các ban, ngành đoàn thể trực tiếp xuống các thôn, bản hướng dẫn người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Toàn xã hiện có trên 235 ha chè, 175 ha chanh leo, 55 ha cây ăn quả... Đến hết năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo của xã còn 31,20%, thu nhập bình quân đầu người đạt 38 triệu/người/năm.
Chủ tịch UBND xã Khun Há Cứ A Sở cho biết, cùng với việc vận động người dân đưa các giống cây trồng, vật nuôi mới vào sản xuất, đặc biệt áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, thâm canh tăng vụ từ 1 lên 2 thậm chí 3 vụ. Địa phương tận dụng lợi thế tự nhiên, cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp và bản sắc văn hóa đặc trưng dân tộc Mông để đẩy mạnh phát triển du lịch cộng đồng, góp phần tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới trên địa bàn.
Huyện Tam Đường có 13 xã, thị trấn, trên 12.551 hộ. Xác định mục tiêu giảm nghèo bền vững là nhiệm vụ chính trị hàng đầu, Đảng bộ, chính quyền huyện đã huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị, các tổ chức xã hội, doanh nghiệp và nhân dân cùng tham gia vào chương trình giảm nghèo. Đồng thời, huyện đã hướng dẫn các xã, thị trấn tổ chức xây dựng kế hoạch cụ thể để thực hiện chương trình giảm nghèo; đưa chỉ tiêu giảm nghèo vào chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hằng năm.
Chủ tịch UBND huyện Tam Đường Sùng Lử Páo cho biết, trên cơ sở nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo được UBND tỉnh giao, huyện phân bổ nguồn vốn cho các cơ quan, đơn vị thực hiện dự án, tiểu dự án, đặc biệt là cấp xã. Đồng thời, địa phương hướng dẫn lựa chọn nội dung, hình thức đầu tư phù hợp với tâm tư, nguyện vọng của người dân, trên cơ sở các hướng dẫn của tỉnh, Trung ương.
Huyện đặt mục tiêu thực hiện Chương trình cần kịp thời, đúng đối tượng, hiệu quả; quan tâm thực hiện đầy đủ các chính sách giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn như: y tế, giáo dục, hỗ trợ vay vốn tín dụng, đào tạo nghề, tạo việc làm... Các chương trình, dự án, chính sách hỗ trợ trực tiếp cho hộ nghèo, hộ cận nghèo luôn đảm bảo công khai, minh bạch, có sự tham gia trực tiếp của người dân.
Với sự đồng lòng, quyết tâm cao của hệ thống chính trị trong việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo, diện mạo huyện vùng cao Tam Đường đang dần khởi sắc. Đến nay, toàn huyện có tổng diện tích gieo trồng cây lương thực hơn 8.670 ha, sản lượng đạt gần 41.000 tấn; diện tích chè 2.332 ha; cây ăn quả là 1.160 ha; tổng đàn gia súc ước đạt 38.400 con, gia cầm 252.000 con… Trên địa bàn, 100% người nghèo, cận nghèo, người dân tộc thiểu số thuộc vùng khó khăn và đặc biệt khó khăn được cấp Thẻ bảo hiểm y tế miễn phí; 8 xã đạt chuẩn nông thôn mới; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 11,15%.
Kết quả này góp phần giúp huyện Tam Đường thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020 - 2025 cũng như đặt ra các nhiệm vụ, giải pháp trong nhiệm kỳ 2025 - 2030; nhất là mục tiêu giảm nghèo bền vững. Từ đó, góp phần tăng thu nhập, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào dân tộc thiểu số./.