Lai Châu nỗ lực thực hiện mục tiêu bình đẳng giới và giải quyết vấn đề cấp thiết với phụ nữ và trẻ em
Hội Liên hiệp Phụ nữ các cấp trong tỉnh Lai Châu đã nỗ lực triển khai đồng bộ nhiều giải pháp thực hiện Dự án 8 “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em”
Tỉnh Lai Châu là một trong những địa phương tham gia Dự án 8 về “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em”. Thời gian qua, địa phương đã triển khai nhiều biện pháp để thực hiện có hiệu quả Dự án này.
* Triển khai đồng bộ nhiều giải pháp
Dự án 8 - là một trong 10 dự án thành phần thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1719 ngày 14/10/2021. Mục tiêu của Dự án là nâng cao nhận thức, thay đổi định kiến, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần, bảo vệ, chăm sóc phụ nữ và trẻ em, thực hiện mục tiêu bình đẳng giới.
Để hoàn thành mục tiêu Dự án, thời gian qua, Hội Liên hiệp Phụ nữ các cấp trong tỉnh Lai Châu đã nỗ lực triển khai đồng bộ nhiều giải pháp thực hiện Dự án 8 “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em” (Dự án 8).
Theo đó, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Lai Châu chỉ đạo Hội Liên hiệp Phụ nữ các huyện, thành phố tích cực nghiên cứu, tham mưu xây dựng nội dung và dự toán kinh phí năm trình cấp có thẩm quyền xem xét; chủ động phối hợp chặt chẽ với các cấp ngành liên quan trong quá trình thực hiện dự án. Hội Liên hiệp Phụ nữ các cấp và Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh đã tổ chức 62 lớp tập huấn, 2 hội thi, 3 cuộc đối thoại chính sách; thành lập 342 Tổ truyền thông cộng đồng, 50 địa chỉ tin cậy, 57 câu lạc bộ thủ lĩnh của sự thay đổi; hỗ trợ 22 bà mẹ sinh con tại cơ sở y tế…
Theo Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Lai Châu Khoàng Thị Thanh Nga, các hoạt động của dự án được thực hiện đã góp phần nâng cao kỹ năng, nhận thức, thay đổi định kiến, khuôn mẫu giới cho đội ngũ cán bộ Hội và người dân; từng bước tập trung giải quyết có hiệu quả một số vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em vùng dân tộc thiểu số và miền núi. Tuy vậy, quá trình triển khai các nội dung của dự án gặp nhiều khó khăn do một số quy định ở các văn bản chưa đồng nhất dẫn đến việc tham mưu hoạt động của dự án còn lúng túng, vướng mắc.
Bà Phan Thị Tương, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Mường Mô, huyện Nậm Nhùn chia sẻ, khi thực hiện Dự án 8 tại địa phương còn gặp khó khăn, nhất là việc chi trả gói chính sách hỗ trợ phụ nữ sinh đẻ an toàn. Theo hướng dẫn của các cơ quan liên quan, chỉ phụ nữ sinh đẻ ở Trung tâm Y tế mới được hỗ trợ gói này, nhưng trên địa bàn xã có bản Hát Mé cách xa trung tâm huyện, đường đi lại khó khăn, nhiều trường hợp chị em chưa kịp đưa về Trạm hay Trung tâm Y tế thì đã sinh. Ngoài xa, xã Mường Mô hiện nay thuộc xã vùng I, nên cán bộ Hội, bản không được thụ hưởng tham gia các lớp tập huấn về bình đẳng giới, rất khó tiếp cận văn bản chính sách để tuyên truyền, vận động cho hội viên phụ nữ và nhân dân.
Tổng kinh phí Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Lai Châu được giao thực hiện Dự án 8 trong cả giai đoạn là trên 14,8 tỷ đồng. Tính đến ngày 30/7/2024, Hội mới giải ngân được 685 triệu đồng và đã đề xuất trả lại số kinh phí không thể giải ngân 9,67 tỷ đồng về cho tỉnh. Hiện nay, các cấp Hội Phụ nữ trong tỉnh đang nỗ lực để có thể chi trả các hoạt động trong dự án đối với số tiền còn lại.
* Nỗ lực tháo gỡ khó khăn
Đại diện Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Lai Châu cho biết, một trong những khó khăn của chương trình là ngân sách được giao lớn, nhưng nội dung thực hiện của dự án phần lớn chỉ thực hiện vào các lớp tập huấn, các hội nghị tuyên truyền, truyền thông, đối thoại chính sách, mà đầu mục chi các nội dung theo các văn bản đính kèm lại thấp nên khó có thể giải ngân được vốn; một số định mức chi còn thấp so với thực tế; đối tượng chưa đồng nhất; nội dung chi chưa rõ.
Thêm vào đó, trong quá trình triển khai Dự án 8 tại Lai Châu, năng lực thực hiện quyết toán các hoạt động của cán bộ Hội ở cơ sở còn hạn chế. Nhận thức chưa đúng của một số lãnh đạo các xã, nhất là ở vùng biên giới, vùng kinh tế đặc biệt khó khăn dẫn đến hiểu sai vấn đề.
Theo thống kê, tính đến nay, toàn tỉnh có 2/10 chỉ tiêu đạt và vượt; 1 chỉ tiêu chưa đạt. Cụ thể, chỉ tiêu chưa đạt: 0/115 Tổ tiết kiệm vay vốn thôn bản được củng cố, nâng cao chất lượng/hoặc thành lập mới và duy trì. Một số chỉ tiêu đạt thấp như: 1/19 tổ/nhóm sinh kế có phụ nữ làm chủ hoặc đồng làm chủ ứng dụng công nghệ 4.0 trong sản xuất và kết nối thị trường (đạt 0,05%); 31/168 cuộc đối thoại chính sách cấp xã và cụm thôn bản được tổ chức tại các địa bàn đặc biệt khó khăn (đạt 18%); 4/20 lớp tập huấn hướng dẫn giám sát và đánh giá về bình đẳng giới cho cán bộ xã, thôn bản (đạt 20%); 6/61 lớp tập huấn lồng ghép giới (chương trình 3 cho cán bộ thôn, bản), mới đạt 9,8%.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến các chỉ tiêu trên đạt thấp, chưa đạt như: Tổ tiết kiệm vay vốn thôn bản tạm dừng không triển khai theo Công văn số 1811/ĐCT-BKT của Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam; tổ/nhóm sinh kế có phụ nữ làm chủ hoặc đồng làm chủ chưa đạt, do các xã trên địa bàn Dự án 8 không có các tổ nhóm sinh kế, tổ hợp tác, hợp tác xã. Một số xã có tổ/nhóm nhưng không có phụ nữ làm chủ, đồng làm chủ; chưa triển khai mô hình hỗ trợ phát triển sinh kế, hòa nhập cộng đồng cho nạn nhân mua bán người do căn cứ theo hướng dẫn của Trung ương Hội. Hướng dẫn chi trả gói chính sách hỗ trợ phụ nữ sinh đẻ an toàn chưa được cụ thể, còn chung chung dẫn đến quá trình triển khai cho đối tượng thụ hưởng còn gặp nhiều khó khăn; công tác rà soát phụ nữ mang thai và đề nghị chi trả chế độ của Hội Liên hiệp Phụ nữ các xã còn chậm.
Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Lai Châu Khoàng Thị Thanh Nga cho hay, thời gian tới, Hội tiếp tục chỉ đạo các cấp Hội tháo gỡ khó khăn, tập trung thực hiện các nội dung, hoạt động của dự án nhằm đảm bảo các chỉ tiêu và tiến độ triển khai. Mục tiêu phấn đấu sẽ hỗ trợ 18 tổ/nhóm sinh kế có phụ nữ làm chủ hoặc đồng làm chủ ứng dụng công nghệ trong sản xuất và kết nối thị trường; thành lập 12 câu lạc bộ thủ lĩnh của sự thay đổi; tổ chức trên 60 cuộc tập huấn lồng ghép giới (chương trình 2, 3) cho cán bộ từ huyện đến cơ sở.
Hy vọng với sự vào cuộc quyết liệt của Hội Liên hiệp Phụ nữ các cấp trong tỉnh, sự phối hợp chặt chẽ của các cấp ngành, địa phương và hướng dẫn cụ thể từ Trung ương, những khó khăn của Dự án 8 sẽ được giải quyết. Qua đó, góp phần quan trọng trong việc bảo vệ, nâng cao chất lượng cuộc sống cho phụ nữ và trẻ em trên địa bàn tỉnh./.
- Từ khóa:
- Lai Châu
- phụ nữ
- Dự án 8
- bình đẳng giới