Du lịch

Nông dân và doanh nghiệp du lịch hợp tác để phát triển bền vững

TP. Hồ Chí Minh

Nông dân là những hướng dẫn viên chân chất, mang đến trải nghiệm độc đáo cho khách tham quan, từ thu hoạch nông sản đến tham gia các hoạt động làng nghề.


Quang cảnh chương trình đối thoại. 
Ảnh: Thu Hương - TTXVN

Ngày 27/11, UBND Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức Chương trình lãnh đạo Thành phố gặp gỡ, đối thoại với cán bộ, hội viên nông dân năm 2024 chủ đề “Vai trò của nông dân trong phát triển du lịch nông nghiệp, du lịch nông thôn trên địa bàn”.

Tại chương trình, ông Võ Văn Hoan, Phó Chủ tịch UBND Thành phố cho biết, nông nghiệp, nông thôn, nông dân của Thành phố trong những năm gần đây có nhiều chuyển biến. Thành phố đang hướng đến nền nông nghiệp đô thị, Nhà nước và nông dân cùng thực hiện. Đến nay, địa phương đã đạt được những thành tựu cơ bản khi nông nghiệp đã chuyển sang nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, chuyển từ lúa sang cây hoa, cá cảnh, sản phẩm OCOP.

Ông Võ Văn Hoan, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh phát biểu tại chương trình. 
Ảnh: Thu Hương - TTXVN

Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, nông dân không chỉ là người sản xuất mà còn là người kể chuyện, kết nối du khách với nét đẹp văn hóa và đời sống nông thôn Việt Nam. Họ là những hướng dẫn viên chân chất, mang đến trải nghiệm độc đáo cho khách tham quan, từ thu hoạch nông sản đến tham gia các hoạt động làng nghề. Vì vậy, việc đào tạo kỹ năng, hỗ trợ thông tin thị trường và tăng cường hợp tác giữa nông dân và doanh nghiệp du lịch là cần thiết để đảm bảo sự phát triển bền vững của mô hình này.

Theo ông Võ Văn Hoan, Thành phố đang triển khai nhiều chính sách nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ và đa dạng hóa sản phẩm du lịch. Các khu vực như: Thủ Đức, Củ Chi, Hóc Môn và Bình Chánh được định hướng trở thành điểm đến nổi bật với các sản phẩm du lịch nông nghiệp, sinh thái và văn hóa. Điều này không chỉ góp phần tăng thu nhập cho nông dân mà còn thúc đẩy sự kết nối giữa du lịch và bảo tồn thiên nhiên. Du lịch nông thôn với sự đồng hành của người nông dân không chỉ mở ra cơ hội kinh tế mà còn bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa - sinh thái, xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh trở thành điểm đến đa dạng và hấp dẫn hơn trong mắt du khách quốc tế và nội địa.

Ông Lê Minh Dũng, Chủ tịch Hội Nông dân Thành phố Hồ Chí Minh phát biểu tại chương trình. 
Ảnh: Thu Hương - TTXVN

Chủ tịch Hội Nông dân Thành phố Hồ Chí Minh Lê Minh Dũng cho rằng, các hộ dân làm du lịch trong Thành phố chủ yếu là tự phát, quy mô nhỏ, chưa chuyên nghiệp, chưa hình thành điểm đến du lịch hấp dẫn. Sản phẩm du lịch nông thôn của nhiều địa phương còn chưa đặc sắc. Nhiều nông dân đang gặp khó trong chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ đất nông nghiệp sang loại hình khác…

Theo ông Lê Minh Dũng, Thành phố cần xây dựng, phát triển du lịch nông nghiệp phong phú, đa dạng, hấp dẫn, có tính mới lạ, đặc thù, theo chủ đề và có chất lượng cao. Trong đó, sản phẩm du lịch nông nghiệp cần có tính tổng hợp, giúp du khách trải nghiệm, thư giãn trong không gian nông nghiệp, hòa mình vào sinh hoạt của đời sống nông thôn; vui chơi, giải trí bằng những trò chơi dân gian; thưởng thức đặc sản địa phương; chia sẻ cảm xúc với người nông dân; thay đổi cách nghĩ, cách làm nông nghiệp theo xu thế mới...

Đang vận hành mô hình du lịch nông thôn tại huyện Hóc Môn, ông Phan Văn Kèo cho biết, từ năm 2013, ông đã có ý tưởng xây dựng và phát triển mô hình du lịch nông nghiệp để giới thiệu, quảng bá hình ảnh 18 thôn Vườn Trầu đến du khách. Mô hình này thường xuyên đón các đoàn khách đến tham quan, đặc biệt là học sinh. Tuy nhiên, dù đã có quy định cho phép xây dựng công trình phụ trợ trên đất nông nghiệp nhưng diện tích cho phép còn quá nhỏ, chưa đủ để phục vụ du khách; do đó, nông dân không thể chuyển đổi mục đích sử dụng đất cùng một lúc từ 1 - 3 ha. Từ thực trạng đó, ông Kèo cho rằng, Thành phố Hồ Chí Minh nên có đề án phát triển du lịch riêng cho nông dân 5 huyện ngoại thành. Trong đó, người làm du lịch nông nghiệp được phép xây dựng công trình phụ trợ bán kiên cố trên đất nông nghiệp với diện tích lớn hơn.

Ông Lâm Ngọc Tuấn, Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp Tuấn Ngọc chia sẻ tại chương trình. 
Ảnh: Thu Hương - TTXVN

Ông Lâm Ngọc Tuấn, Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp Tuấn Ngọc cho biết, thời gian qua, hợp tác xã đã tổ chức nhiều hoạt động phong phú nhằm mang đến cho khách những trải nghiệm thực tế về nông nghiệp song đơn vị đang gặp những khó khăn liên quan đến cơ sở hạ tầng. Dù đã có sự đầu tư từ nguồn tài chính của hợp tác xã nhưng diện tích khoảng 1.200 m2 vẫn khá nhỏ so với nhu cầu phát triển một khu du lịch nông nghiệp hoàn chỉnh.

Theo ông Lâm Ngọc Tuấn, du lịch nông nghiệp không chỉ giới hạn ở một hợp tác xã hay một trang trại đơn lẻ, mà cần có sự liên kết giữa nhiều hợp tác xã hoặc nhiều hộ nông dân để tạo ra hệ sinh thái du lịch nông nghiệp rộng lớn. Ông mong muốn thời gian tới, hợp tác xã sẽ được hỗ trợ để có thể đầu tư cơ sở hạ tầng, mở rộng quy mô mô hình; đồng thời nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật và tài chính từ chính quyền./.

Phạm Thị Thu Hương

Tin liên quan

Xem thêm