Thành phố sẽ tiếp tục nâng chất, đa dạng hóa, chú trọng sản phẩm đặc trưng, điểm đến và thương hiệu du lịch; kích cầu và khai thác ứng dụng số trong du lịch...
TTXVN - Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục là địa phương dẫn đầu cả nước về tỷ lệ khách, doanh thu và đóng góp cho ngành du lịch Việt Nam.
Định vị thương hiệu du lịch Thành phố ngày càng được khẳng định trên toàn quốc và quốc tế. Năm 2024, Thành phố nỗ lực triển khai đa dạng giải pháp nhằm tăng tốc phát triển du lịch ổn định và bền vững.
Giám đốc Sở Du lịch Nguyễn Thị Ánh Hoa cho biết: Với quyết tâm cao, ngành tiếp tục tập trung triển khai thực hiện hiệu quả Chiến lược phát triển du lịch Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2030, đưa du lịch phát triển theo chiều sâu và bền vững.
Tuy vậy, dự báo năm 2024, nền kinh tế thế giới vẫn suy thoái, nhu cầu du lịch, vui chơi giải trí của du khách quốc tế sẽ suy giảm, ảnh hưởng không nhỏ đến du lịch Việt Nam, trong đó có Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng.
Năm 2024, Thành phố Hồ Chí Minh kỳ vọng đón 6 triệu lượt khách quốc tế, 38 triệu lượt khách nội địa, tổng thu du lịch ước đạt 190.000 tỷ đồng. Để đạt được mục tiêu này, Thành phố sẽ tiếp tục nâng chất, đa dạng hóa, chú trọng sản phẩm đặc trưng, điểm đến và thương hiệu du lịch; thúc đẩy kích cầu và khai thác ứng dụng số trong du lịch...
Theo bà Nguyễn Thị Ánh Hoa, ngành Du lịch Thành phố sẽ đẩy mạnh xây dựng cơ chế chính sách, khuyến khích doanh nghiệp và người dân tham gia đầu tư, phát triển du lịch; tạo điều kiện môi trường cạnh tranh lành mạnh cho doanh nghiệp, cộng đồng phát triển du lịch...
Cụ thể, ngành tiếp tục đồng hành cùng các đơn vị liên quan, nâng chất sản phẩm du lịch gắn với văn hóa lịch sử, nghệ thuật; du lịch đường thủy nội đô và liên tuyến, gắn với các tỉnh, thành phố.
Cùng với đó là du lịch cộng đồng theo hướng hỗ trợ xúc tiến điểm đến, sản phẩm cho người dân làm du lịch; du lịch sinh thái; du lịch y tế, thể thao; khai thác chương trình “Thành phố Hồ Chí Minh - 100 điều thú vị” và sản phẩm du lịch liên kết với các địa phương có liên kết hợp tác phát triển du lịch.
Giám đốc điều hành Công ty Cổ phần dịch vụ lữ hành Chim Cánh Cụt Trần Quang Duy cho rằng, để liên kết giữa doanh nghiệp du lịch - lữ hành và khu, điểm du lịch trên địa bàn Thành phố đi vào thực tiễn, đạt hiệu quả cao, cần đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng đô thị giao thông, hạ tầng, đáp ứng nhu cầu tìm hiểu, khám phá, vui chơi giải trí của du khách, đồng thời vẫn đảm bảo bảo tồn, gìn giữ nét riêng biệt vốn có. Song song đó, các khu, điểm du lịch cần có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp lữ hành trong quá trình xây dựng cũng như quảng bá khu, điểm du lịch.
Theo ông Trần Quang Duy, doanh nghiệp du lịch - lữ hành cần phát triển các ứng dụng, giải pháp công nghệ du lịch thông minh để tiết kiệm chi phí, đem đến nhiều trải nghiệm mới cho du khách trong và ngoài nước khi đến tham quan Thành phố. Các đơn vị nên xem đây là công cụ đắc lực bổ trợ cho liên kết đôi bên thuận lợi hơn.
Nhiều doanh nghiệp du lịch - lữ hành tại Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, để phục vụ tốt nhu cầu của du khách, đội ngũ nhân sự tại khu, điểm du lịch phải được đào tạo, nâng cao hơn nữa trình độ kỹ năng, nghiệp vụ, phối hợp làm việc với doanh nghiệp du lịch - lữ hành một cách chuyên nghiệp.
Ngành Du lịch Thành phố cần bổ sung nhanh nguồn nhân lực thông thạo ngoại ngữ để có thể truyền tải được ý nghĩa liên quan đến yếu tố văn hóa bản địa, đáp ứng phục vụ nguồn khách trong và ngoài nước.
Năm 2023, ngành Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh đón gần 5 triệu lượt khách quốc tế, trên 35 triệu lượt khách nội địa, tổng thu du lịch gần 160 nghìn tỷ đồng. Thành phố đã công bố cẩm nang 60 sản phẩm du lịch, với hơn 20 sản phẩm du lịch mới phục vụ người dân và du khách ở nhiều phân khúc khác nhau.
Các tour du lịch liên kết, du lịch nông nghiệp, du lịch sinh thái, du lịch văn hóa, du lịch y tế, du lịch MICE (hội họp), kinh tế đêm, ẩm thực công nhận sao Michelin… đã được phát triển, đáp ứng nhu cầu phong phú của khách du lịch.
Trong năm 2023, ngành Du lịch Thành phố đã nâng tầm chất lượng và quy mô các sự kiện thường niên, lần đầu tiên tổ chức Lễ hội Sông nước Thành phố Hồ Chí Minh lần thứ nhất; tăng cường quảng bá và tiếp thị du lịch nước ngoài, gặp gỡ và làm việc với nhiều cơ quan đại diện ngoại giao nước ngoài, đẩy mạnh công tác ngoại giao để tranh thủ phát triển du lịch./.