Văn hóa

Độc đáo “Lễ hội Đền Kỳ Cùng - Đền Tả Phủ”

Lạng Sơn

Lễ hội đền Kỳ Cùng - Tả Phủ mang đậm nét văn hóa truyền thống của nhân dân các dân tộc Lạng Sơn, thể hiện sự tri ân, tưởng nhớ công lao to lớn của hai vị quan đã góp phần xây dựng và phát triển đất nước.

Đông đảo người dân, du khách tham gia lễ hội
Ảnh: Anh Tuấn - TTXVN

Lễ hội đền Kỳ Cùng - Tả Phủ diễn ra vào tháng Giêng, là lễ hội lớn nhất tỉnh Lạng Sơn, đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia năm 2015. Hằng năm, cứ vào dịp từ 22 - 27 tháng Giêng, hàng vạn người từ khắp các địa phương của tỉnh và du khách trong, ngoài nước lại tìm về thành phố Lạng Sơn để tham dự các hoạt động văn hóa độc đáo, cùng hòa mình vào dòng người tham gia Lễ hội.

Nghi lễ độc đáo

Lễ hội đền Kỳ Cùng - Tả Phủ với nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao hấp dẫn, mang đậm bản sắc văn hóa của đồng bào các dân tộc Xứ Lạng. Trong các hoạt động của lễ hội, nghi thức rước kiệu và tranh đầu pháo diễn ra trong hai ngày chính là 22 và 27 tháng Giêng âm lịch khá độc đáo.

Ngày 22 tháng Giêng, đúng vào giờ Ngọ, lễ rước kiệu đặt bát hương quan lớn Tuần Tranh từ đền Kỳ Cùng (phường Vĩnh Trại) sang đền Tả Phủ (phường Hoàng Văn Thụ) được thực hiện trang nghiêm, long trọng. Đến ngày 27 tháng Giêng lại rước quan lớn Tuần Tranh về lại đền Kỳ Cùng. Người tham gia khiêng kiệu là những thanh niên khỏe mạnh, được tuyển chọn khá kĩ từ các phường, xã.

Đoàn rước kiệu đi qua các con đường trung tâm của thành phố Lạng Sơn tạo nên một bầu không khí náo nhiệt, vui nhộn, phấn khởi. Tại các ngã ba, ngã tư, đoàn rước thực hiện xoay kiệu vòng tròn. Dù khoảng cách từ đền Kỳ Cùng đến đền Tả Phủ và ngược lại, mỗi chiều chỉ hơn 2 km, song đoàn rước kiệu phải di chuyển hơn 2 tiếng mới đến đích bởi vừa đi các đội lân, sư, rồng vừa nhảy múa với mong muốn mang lại những điều may mắn, tốt đẹp cho người dân, du khách. Hòa mình vào đoàn rước kiệu có những người dân, du khách phải nhích từng bước, song ai ai cũng hồ hởi, vui vẻ đi theo.

Dọc hai bên đường đoàn rước kiệu đi qua, nhiều gia đình sắp bàn lễ với đầy đủ lễ vật, đáng chú ý trong đó thường có một con lợn to quay vàng ươm, thơm phức. Theo người dân, đây là đồ lễ dâng lên các vị tiền nhân để mong cầu bình an, tài lộc, may mắn trong năm mới.

Bà Ngô Thị Vinh ở đường Nguyễn Tri Phương, thành phố Lạng Sơn cho hay, năm nào cũng vậy, cứ vào dịp lễ hội, trước khi đoàn rước kiệu đi qua, các gia đình dọc tuyến đường này đều làm một mâm cỗ để dâng lên các vị tiền nhân, tri ân công đức của các ngài và cầu mong những điều may mắn, thuận lợi, bình an đến cho gia đình, người thân. “Năm nay, gia đình tôi mua con lợn khoảng 40 kg về quay và sắm thêm các lễ vật khác để cúng tế. Sau khi đoàn rước kiệu đi qua, cúng xong, cả gia đình liên hoan đoàn viên”, bà Vinh chia sẻ.

Nghi lễ rước kiệu độc đáo trong lễ hội
Ảnh: Anh Tuấn - TTXVN

Anh Tô Văn Trung - du khách đến từ tỉnh Quảng Ninh cho biết, qua các phương tiện thông tin đại chúng, anh được biết ở Lạng Sơn, lễ hội đền Kỳ Cùng - Tả Phủ là một trong những lễ hội lớn, đông vui nhất nên năm nay đã cùng nhóm bạn chọn thời điểm diễn ra lễ hội để lên Xứ Lạng du Xuân, trẩy hội. “Thực sự đây là trải nghiệm thú vị, lần đầu tiên tôi được thấy không khí lễ hội nhộn nhịp, có sự tham gia của đông người như vậy. Các nghi lễ tại lễ hội này khá đặc sắc, thể hiện truyền thống uống nước nhớ nguồn của nhân dân, đồng thời phản ánh đầy đủ đời sống, văn hóa của người dân địa phương”, anh Trung kể...

Đặc sắc nhất trong Lễ hội đền Kỳ Cùng - đền Tả Phủ là màn tranh cướp đầu pháo vào sáng ngày 27 tháng Giêng. Theo nhân dân trong vùng truyền tụng rằng, vào thời kỳ nhậm chức của Tả đô đốc Hán quận công Thân Công Tài, có một năm giặc cướp nổi lên quấy nhiễu dân lành, ông đã huy động lực lượng đồn trú phối hợp cùng nhân dân đánh tan giặc. Sau chiến thắng đó ông cho nhân dân trong vùng hằng năm mở hội mừng thắng trận vào dịp đầu xuân năm mới, hội Đầu pháo bắt đầu từ đó.

Đầu pháo được treo trên cây tre cao khoảng 15m, bên trong đầu pháo, Ban Tổ chức lễ hội để một vòng kim loại nhỏ, nhẹ nối với đầu pháo là hai dây pháo cháy chậm buông xuống sát mặt đất. Khi pháo được đốt, đầu pháo nổ và vòng kim loại bay lên không trung, mọi người chờ vòng kim loại rơi xuống để tranh.

Ông Đặng Minh Thuận, thành viên Bộ phận Thường trực di tích đền Tả Phủ cho biết: Trong ngày 27, mọi người tập trung tại khu vực sân trước đền Tả Phủ để chứng kiến hội Đầu pháo. Đầu pháo được thờ cúng quanh năm theo đúng phong tục của nhà đền. Theo dân gian "nếu ai tranh được đầu pháo trong ngày hội mang về nhà thờ thì trong năm và cũng như những năm về sau gia đình và dòng tộc sẽ gặp nhiều tài lộc, may mắn, làm ăn phát đạt". Do đó, đây cũng là sự kiện được nhiều người háo hức chờ đợi, muốn thử vận may đầu năm...

Cùng với nghi thức rước và tranh đầu pháo, phần hội của Lễ hội đền Kỳ Cùng - Tả Phủ còn có các hoạt động vui chơi như: cờ tướng, kéo co, đấy gậy, võ thuật, lễ hội ẩm thực, hát sli, lượn, quan họ... được diễn ra với sự tham gia của đông đảo các tầng lớp nhân dân thành phố Lạng Sơn và du khách thập phương.

Tri ân công đức tiền nhân

Lễ hội đền Kỳ Cùng - Tả Phủ mang đậm nét văn hóa truyền thống của nhân dân các dân tộc Lạng Sơn, thể hiện sự tri ân, tưởng nhớ công lao to lớn của hai vị quan đã góp phần xây dựng và phát triển đất nước nói chung, Xứ Lạng nói riêng vào cuối thế kỷ XVII, đầu thế kỷ XVIII là Tả đô đốc Hán Quận công Thân Công Tài (vị tướng thời hậu Lê, thế kỷ XVII, được thờ tại đền Tả Phủ) và quan lớn Tuần Tranh (thời Vua Hùng Vương thứ XVIII, được thờ tại đền Kỳ Cùng).

Nghi lễ tranh đầu pháo - nét độc đáo thu hút đông người tham gia
Ảnh: Anh Tuấn - TTXVN

Theo ông Phan Văn Hòa, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Lạng Sơn mối liên hệ và sự gắn kết giữa hai đền thông qua truyện kể về nỗi oan khuất của Quan lớn Tuần Tranh được Hán quận công Thân Công Tài, chứng minh và giải oan. Vì vậy để báo đáp công ơn của Hán quận công Thân Công Tài, hằng năm trong dịp Lễ hội đền Kỳ Cùng - Tả Phủ, bát hương quan lớn Tuần Tranh được nhân dân rước từ đền Kỳ Cùng đến đền Tả Phủ (nơi thờ Hán quận công Thân Công Tài) để dự hội Đầu pháo và tạ ơn người giải oan.

“Đây chính là sự liên quan, gắn kết trong lễ hội truyền thống giữa hai di tích đền Kỳ Cùng và đền Tả Phủ, tuy hai di tích nhưng có chung một Lễ hội gọi là lễ hội truyền thống đền Kỳ Cùng - Tả Phủ hay lễ hội truyền thống đền Tả Phủ - Kỳ Cùng”, ông Phan Văn Hòa cho biết.

Theo truyền thuyết và các tư liệu lịch sử, ông Tuần Tranh là quan tướng nhà Trần nhậm chức Tuần ở huyện Ninh Giang, tỉnh Hải Dương, sau được bổ nhiệm lên Lạng Sơn để yên dân, dẹp giặc phương Bắc. Quan Tuần Tranh trong thời gian ở Lạng Sơn chỉ huy quân đánh giặc không may bị thua, quân lính thiệt mạng nhiều, bản thân bị vu oan nên đã nhảy xuống bến sông Kỳ Cùng tự vẫn. Đến khi Thân Công Tài giữ chức Tả đô đốc Hán Quận công ở Lạng Sơn đã tìm hiểu rõ ngọn nguồn, giải được nỗi oan cho quan lớn Tuần Tranh.

Hai ông là những người có công dẹp giặc, giữ gìn sự bình yên cho nhân dân, mở mang phố chợ Kỳ Lừa, góp phần cải thiện và nâng cao đời sống đồng bào các dân tộc Xứ Lạng nên được nhân dân thờ phụng, tổ chức lễ hội long trọng để tri ân. Trong đó, dấu ấn của Tả đô đốc Hán Quận công Thân Công Tài sâu sắc, rõ nét hơn.

Theo tài liệu lịch sử, Thân Công Tài (sinh năm 1620 ở xã Như Thiết, huyện Yên Dũng, phủ Lạng Giang, xứ Kinh Bắc xưa - nay là thôn Như Thiết, xã Hồng Thái, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang). Đầu năm 1672, ông được phong chức Tả đô đốc cai quản miền biên ải Lạng Sơn. Trong thời gian trấn ải nơi đây, với tài thao lược, giỏi bang giao, Thân Công Tài đã lập lại trật tự xã hội, chăm lo cải thiện đời sống nhân dân, tạo dựng sự đoàn kết giữa cộng đồng các dân tộc thiểu số ở vùng biên.

Ông đã thực hiện đường lối ngoại giao mềm dẻo, củng cố mối giao hảo với các tỉnh biên giới của Trung Quốc, nhờ đó giữ gìn và ổn định tình hình an ninh biên giới. Tả đô đốc Thân Công Tài sớm nhận thấy vị trí thuận lợi và tầm quan trọng trong việc mở mang giao thương giữa Lạng Sơn với các tỉnh trong nước và các tỉnh biên giới Trung Quốc nên khởi xướng, đặt nền móng cho nền kinh tế thương mại và đô thị sơ khai của tỉnh Lạng Sơn từ nửa cuối thế kỷ XVII.

Ông khuyến khích thương nhân hai nước Việt Nam - Trung Quốc đến Lạng Sơn làm ăn, buôn bán, giúp người dân trao đổi hàng hóa, thông thương giữa miền xuôi với miền ngược và sự giao thương giữa cư dân hai bên biên giới. Nhờ đó, trấn lỵ Lạng Sơn từ một vùng đất đồi gò hoang vu sớm trở thành nơi đông dân cư, đồng thời nhanh chóng phát triển thành một trung tâm buôn bán sầm uất, phồn thịnh. Những ý tưởng, việc làm của Thân Công Tài cho Lạng Sơn vẫn còn nguyên giá trị. Thành phố Lạng Sơn trở thành đô thị đầu mối, trung tâm kinh tế, thương mại quan trọng của tỉnh và cả nước./.


Anh Tuấn

Xem thêm