Văn hóa

50 năm văn học Việt Nam từ 1975: Đa dạng về khuynh hướng và bút pháp

Từ năm 1975 đến nay, những bước ngoặt lịch sử của đất nước đã tác động mạnh vào sự phát triển của văn học Việt Nam

Quang cảnh hội thảo.
Ảnh: Việt Hà - TTXVN

Ngày 27/11, tại Hà Nội, Hội Nhà văn Việt Nam phối hợp cùng Hội đồng Lý luận phê bình văn học nghệ thuật Trung ương tổ chức Hội nghị Lý luận phê bình văn học lần thứ V với chủ đề “50 năm văn học Việt Nam từ 1975: Thành tựu và xu thế”.

Phát biểu khai mạc, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam chia sẻ: Với 43 tham luận gửi về ban tổ chức, hội nghị mang tới một cái nhìn khoa học, có tính lịch sử, tính tổng kết về những thành tựu của văn học Việt Nam 50 năm qua, cũng như phác thảo một diện mạo văn học Việt Nam trong những thập kỷ tới của đất nước.

Theo nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, từ năm 1975 đến nay, những bước ngoặt lịch sử của đất nước đã tác động mạnh vào sự phát triển của văn học Việt Nam. Bước ngoặt thứ nhất bắt đầu từ sau ngày 30/4/1975, đó là giai đoạn văn học được viết trong thời bình. Sau khi chiến tranh kết thúc, các tác giả vẫn tiếp tục viết về chiến tranh nhưng trong một cách tiếp cận mới và một bút pháp mới, bởi vậy, đề tài về chiến tranh được khai thác từ nhiều góc độ, nhiều cung bậc, mang lại một cái nhìn đa chiều về chiến tranh nhưng vẫn tập trung vào sự hy sinh, khát vọng lớn lao của một dân tộc cho độc lập tự do, thống nhất đất nước. Bên cạnh các nhà văn quen thuộc viết về chiến tranh là một thế hệ các nhà văn trẻ không trải qua chiến tranh nhưng viết bằng một cái nhìn trung thực với lịch sử và cảm xúc.

Bước ngoặt thứ hai là công cuộc đổi mới của Đảng được tiến hành trên mọi lĩnh vực đời sống xã hội, mở ra một biên độ rất rộng về đề tài, về đối tượng, về bút pháp và tư tưởng.

Bước ngoặt thứ ba là khi đời sống chính trị của Việt Nam hòa nhập vào đời sống chính trị chung của thế giới. Văn học Việt Nam đã có những bước đi chung trong dòng chảy của thế giới và cũng từ đó, một xu thế mới của văn học Việt Nam đã xuất hiện.

Trao đổi tại hội nghị, các đại biểu xác định: Cao trào đổi mới văn học diễn ra vào giữa thập niên 80 và tiếp tục được mở rộng về sau đã chứng kiến sự xuất hiện của một đội ngũ cầm bút tài năng. Về văn xuôi là Bảo Ninh, Nguyễn Khắc Trường, Lê Minh Khuê, Hồ Anh Thái, Nguyễn Việt Hà, Nguyễn Bình Phương… Về thơ là Dương Kiều Minh, Nguyễn Lương Ngọc, Nguyễn Quang Thiều, Trần Quang Quý, Inrasara… Về kịch là Lưu Quang Vũ, Xuân Trình…

Văn học sau năm 1975 đã cố gắng miêu tả đời sống trong tính đa chiều với nhiều cách tân nghệ thuật táo bạo. Nhờ đó, văn học Việt Nam đương đại đa dạng về khuynh hướng và bút pháp, phong phú về phong cách và giọng điệu nghệ thuật. Mặc dù vậy, một số vấn đề còn hạn chế như: thiếu tương xứng giữa lượng và chất, tác phẩm xuất bản nhiều hơn nhưng còn khiêm tốn về chất lượng. Mặt trái của kinh tế thị trường và sự phân hóa, biến đổi trong thị hiếu tiếp nhận có ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống văn học. Việc tiếp thu ảnh hưởng văn học, nghệ thuật hiện đại của thế giới có khi chưa chọn lọc, vẫn còn bắt chước, lai căng…

Về vấn đề lý luận và phê bình văn học, Phó Giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Thế Kỷ, Chủ tịch Hội đồng Lý luận phê bình văn học nghệ thuật Trung ương nhấn mạnh: 50 năm qua, công tác lý luận văn học, nghệ thuật có bước đổi mới, lý giải khoa học hơn quan hệ giữa văn học, nghệ thuật với chính trị, giữa hiện thực và nghệ thuật. Phê bình văn học, nghệ thuật trong thời kỳ đổi mới có tác dụng tích cực đối với sáng tác, phát hiện cái tốt, ủng hộ cái mới, tiến bộ trong hoạt động sáng tạo.

Tuy nhiên, bên cạnh những nỗ lực và thành tựu, hoạt động lý luận, phê bình văn học vẫn còn tồn tại một số hạn chế như: Lực lượng viết phân bố không đều, chủ yếu tập trung tại các đại học, viện nghiên cứu ở các đô thị lớn nhưng thưa vắng, thậm chí “trắng địa bàn” ở các địa phương xa trung tâm. Việc giới thiệu các khuynh hướng, các công trình học thuật thế giới còn mang tính tự phát, thiếu đồng bộ. Nhiều công trình lý luận, phê bình vẫn tiếp cận văn học bằng kinh nghiệm cũ, bình tán, giảng giải theo mô hình truyền thống.

Tình trạng phê bình viết theo đặt hàng của thị trường, biến phê bình thành quảng cáo diễn ra khá phổ biến. Đây là hiện tượng cần được cảnh báo, ngăn chặn kịp thời vì đây là lối phê bình vô thưởng vô phạt, gây nhiễu loạn trong thẩm định, đánh giá. Trong trường hợp này, vai trò định hướng dư luận của phê bình bị triệt tiêu, đời sống tiếp nhận văn học bị méo mó, biến dạng, các giá trị văn học đích thực bị bỏ rơi, không đến được với người đọc.

Trong nhiều giải pháp để phát triển hoạt động lý luận phê bình văn học, Phó Giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Thế Kỷ nhấn mạnh vấn đề chăm lo phát triển, bồi dưỡng đội ngũ, chú trọng phát hiện tài năng, tôn trọng quyền tự do sáng tạo, khuyến khích sự tìm tòi, đổi mới. Phải coi việc không ngừng nâng cao chất lượng của đội ngũ lý luận, phê bình là yếu tố cốt tử để có được những công trình khoa học xuất sắc, tầm cỡ. Bên cạnh đó, cần đổi mới thể chế quản lý văn hóa nghệ thuật, kịp thời ban hành các chủ trương, chính sách liên quan đến văn nghệ, có chính sách đầu tư thích đáng đối với những công trình khoa học trọng điểm song song với việc đẩy mạnh xã hội hoá nghệ thuật./.

Việt Hà

Tin liên quan

Xem thêm