Văn hóa

Từng bước hoàn thiện quy định pháp luật về lĩnh vực văn học trong thời kỳ mới

Nghị định cũng xây dựng khung pháp lý về các chương trình quốc gia hỗ trợ giới thiệu, quảng bá văn học Việt Nam trong và ngoài nước; dịch văn học và phổ biến, đổi mới sáng tạo văn học trên không gian mạng.

Các tác giả được trao Giải thưởng Văn học của Hội Nhà văn Việt Nam.
Ảnh:  TTXVN

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đang trong quá trình hoàn thiện việc xây dựng dự thảo Nghị định quy định về khuyến khích phát triển văn học (tên ban đầu là Nghị định về hoạt động văn học).

Theo đó, việc xây dựng Nghị định này nhằm thể chế hóa mục tiêu đã được nêu trong Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; Kết luận số 84-KL/TW ngày 21/6/2024 tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 23- NQ/TW; Kết luận của Tổng Bí thư tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021; Nghị quyết số 33/NQ-TW ngày 09/6/2014; Kết luận số 76-KL/TW về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW.

Qua đó, tạo cơ sở pháp lý xây dựng và phát triển văn học trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế; tăng cường đầu tư cho văn học gắn với nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước đối với văn học. Đồng thời làm tốt việc xây dựng kế hoạch, chiến lược phát triển văn học từ Trung ương đến cơ sở trong lĩnh vực văn học; đảm bảo giữ gìn và phát huy giá trị của văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới.

Thiếu nhi tìm hiểu sách văn học dành cho thiếu niên, nhi đồng
Ảnh: Minh Huệ-TTXVN

Cùng với đó, việc cho ra đời Nghị định sẽ góp phần từng bước hoàn thiện hệ thống quy định pháp luật về lĩnh vực văn học trong thời kỳ mới, bảo đảm sự nghiệp “phát triển văn học, nghệ thuật đáp ứng nhu cầu tinh thần đa dạng và lành mạnh của nhân dân” được quy định tại khoản 2 Điều 60 Hiến pháp năm 2013: Nhà nước, xã hội phát triển văn học, nghệ thuật nhằm đáp ứng nhu cầu tinh thần đa dạng và lành mạnh của nhân dân.

Đồng thời hoàn thiện cơ chế quản lý để vừa bảo đảm quyền sáng tạo của công dân trong lĩnh vực văn học. Nghị định sẽ tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân tham gia sáng tạo văn học phù hợp với thuần phong mỹ tục, truyền thống văn hóa dân tộc, bảo đảm môi trường lành mạnh, đúng quy định, phát triển hoạt động sáng tạo tác phẩm văn học.

Bên cạnh đó, vai trò của cơ quan quản lý nhà nước trong việc chủ trì, phối hợp và giám sát triển khai các chương trình, đề án cấp quốc gia về hỗ trợ phát triển văn học, giao nhiệm vụ cho các tác giả để có tác phẩm văn học, lý luận, phê bình văn học chất lượng và giá trị tư tưởng cao sẽ được tăng cường.

Các quy định trong Nghị định còn giúp nâng cao hiệu quả hoạt động bồi dưỡng đội ngũ nhà văn, Trại sáng tác văn học và lý luận, phê bình văn học theo quy định của Nhà nước sử dụng ngân sách nhà nước và khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia tổ chức trại sáng tác. Đồng thời hoàn thiện cơ chế chính sách quản lý tổ chức các cuộc thi sáng tác văn học, sáng tác lý luận, phê bình văn học cấp quốc gia, quốc tế và giải thưởng văn học.

Tác phẩm "Nhật ký trong tù" của Chủ tịch Hồ Chí Minh được trưng bày tại chuyên đề “Văn học-Nghệ thuật trong kháng chiến (1945-1954)” 
Ảnh: Thành Đạt-TTXVN

Nghị định cũng xây dựng khung pháp lý về các chương trình quốc gia hỗ trợ giới thiệu, quảng bá văn học Việt Nam trong và ngoài nước; dịch văn học và phổ biến, đổi mới sáng tạo văn học trên không gian mạng.

Thông qua Nghị định sẽ góp phần thực hiện mục tiêu Chiến lược phát triển văn hóa Việt Nam đến năm 2030. Đó là: Hằng năm có từ 10 - 15 công trình nghiên cứu lý luận, phê bình văn hóa, nghệ thuật chất lượng được công bố; có 02 tác giả đạt giải thưởng văn học ASEAN và khoảng 20 - 30 tác phẩm, công trình văn hóa, văn học, nghệ thuật về lịch sử dân tộc, lịch sử đấu tranh cách mạng và công cuộc đổi mới của đất nước; xây dựng chương trình sáng tác, nghiên cứu văn hóa - nghệ thuật Việt Nam trong 100 năm (1930 - 2030) dưới sự lãnh đạo của Đảng./.

 

 

 

 

 

 

 

 

Thanh Giang

Tin liên quan

Xem thêm