Văn hóa

Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trong công tác lý luận, phê bình

TP. Hồ Chí Minh

Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật đóng vai trò quan trọng trong đời sống văn học nghệ thuật và sự phát triển của xã hội.

Quang cảnh tọa đàm.
Ảnh: Thu Hương - TTXVN 

Ngày 23/11, Ban Tuyên giáo Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức tọa đàm “Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Thành phố Hồ Chí Minh 50 năm sau ngày đất nước thống nhất: Thực trạng và giải pháp”.

Tại tọa đàm, nhiều ý kiến xoay quanh thực trạng, hạn chế trong công tác lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật, đồng thời đề xuất giải pháp nâng cao công tác trên tại Thành phố Hồ Chí Minh thời gian tới.

Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Xuân Tiên, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật đóng vai trò quan trọng trong đời sống văn học nghệ thuật và sự phát triển của xã hội. Tuy nhiên, thực tiễn thời gian qua cho thấy, bên cạnh những kết quả đạt được, lý luận phê bình trong lĩnh vực mỹ thuật cũng bộc lộ nhiều hạn chế, yếu kém, đặc biệt thể hiện ở đời sống mỹ thuật chưa tương xứng với vị thế, tầm vóc và những đổi thay nhanh chóng của đất nước. Số lượng các tác phẩm lớn, có giá trị cao đáp ứng nhu cầu phát triển xã hội còn khiêm tốn. Mặc khác, lý luận, phê bình mỹ thuật chưa bắt kịp với yêu cầu định hướng sáng tác, sáng tạo phục vụ nâng cao chất lượng đời sống tinh thần của người dân và thực hiện các nhiệm vụ chính trị trọng tâm.

Theo Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Xuân Tiên, cần đổi mới, phát triển lý luận, phê bình mỹ thuật, nâng cao tính khoa học, học thuật, chuyên nghiệp và tính thuyết phục; tiếp thu có chọn lọc thành quả của ông cha và thế giới, vận dụng sáng tạo có hiệu quả để kết nối giữa nhu cầu của xã hội - nghệ sỹ - tác phẩm - công chúng trong bối cảnh mỹ thuật đương đại, sự phát triển của khoa học công nghệ, trí tuệ nhân tạo... Đồng thời, tạo môi trường, điều kiện thuận lợi cho mọi năng lực sáng tạo có cơ hội phát huy phát triển, khích lệ những tìm tòi, tôn trọng những ý kiến khác nhau về đánh giá, phê bình mỹ thuật vì lợi ích chung và sự phát triển lành mạnh của mỹ thuật, xã hội.

Trong lĩnh vực điện ảnh, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Phan Thị Bích Hà, Trưởng khoa Nghệ thuật, Sân khấu và Điện ảnh, Trường Đại học Văn Lang cho rằng, để đảm bảo cho sự tồn tại của một đoàn làm phim và góp phần làm tăng thêm doanh thu cho một bộ phim, các cơ sở sản xuất phim cũng cần phải chú trọng tới hoạt động quảng cáo cho tác phẩm nghệ thuật của mình. Đặc biệt, để hướng đạo, định hướng cho thẩm mỹ người xem cũng không thể bỏ qua công tác lý luận phê bình.

Đối với công tác quảng cáo, theo Phó Giáo sư, Tiến sỹ Phan Thị Bích Hà, các đơn vị cần chú trọng tới các hình thức phối hợp cần thiết giữa các nhà báo, các nhà lý luận phê bình với nhà sản xuất, với các nghệ sỹ làm phim để giúp công tác tuyên truyền và giới thiệu phim trên các phương tiện truyền thông đạt được hiệu quả cao nhất, chính xác nhất và hữu hiệu nhất.

Ông Phan Nguyễn Như Khuê, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, tọa đàm là cơ sở để tham mưu lãnh đạo Thành phố xây dựng chiến lược phát triển văn học nghệ thuật trong tình hình mới; gợi mở để các cơ quan, đơn vị, các hội văn học nghệ thuật đổi mới phương thức lãnh đạo, quản lý, có những quyết sách phù hợp nhằm phát triển văn học nghệ thuật, trong đó có công tác lý luận phê bình cần đổi mới và phát triển mạnh mẽ hơn.

Ông Phan Nguyễn Như Khuê, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh phát biểu tại tọa đàm.
Ảnh: Thu Hương - TTXVN 

Về giải pháp thời gian tới, ông Phan Nguyễn Như Khuê cho rằng, các đơn vị cần nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của văn hoá, văn học, nghệ thuật, của công tác lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật trong công cuộc đổi mới, phát triển đất nước hiện nay; chủ động mở rộng, nâng cao lý luận phê bình tiến bộ, khoa học, hiện đại, phù hợp với truyền thống văn hoá, văn học, nghệ thuật dân tộc; gắn chặt với đời sống, với nền kinh tế thị trường, với quá trình toàn cầu hoá và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 để thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ của công tác lý luận, phê bình.

Bên cạnh đó, cần coi trọng việc quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trong công tác lý luận phê bình. Đội ngũ này phải có nhận thức, trình độ, có chuyên môn sâu, am hiểu văn hoá, văn học, nghệ thuật dân tộc và các kiến thức, phương pháp hiện đại; tăng cường định hướng thẩm mỹ cho công chúng, đặc biệt là thanh thiếu niên và phát huy vai trò của văn hoá, văn học, nghệ thuật trong việc xây dựng, phát triển văn hoá, con người Thành phố Hồ Chí Minh./.

Thu Hương

Tin liên quan

Xem thêm