Văn hóa

“Ký ức không phai” – câu chuyện của cán bộ, học sinh miền Nam trên đất Bắc

TP. Hồ Chí Minh

“Ký ức không phai” là một phần rất nhỏ của bức tranh nhiều màu sắc về những người miền Nam tập kết ra Bắc theo Hiệp định Geneva.

Ngày 23/11, Nhà xuất bản Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh ra mắt sách “Ký ức không phai” của nhiều tác giả. Tác phẩm là những câu chuyện ký ức của cán bộ, học sinh miền Nam trên đất Bắc, ra mắt nhân dịp kỷ niệm 70 năm Hiệp định Geneva và chuyển quân tập kết năm 1954.

Cuốn sách “Ký ức không phai” là một phần rất nhỏ của bức tranh nhiều màu sắc về những người miền Nam tập kết ra Bắc theo Hiệp định Geneva. Họ là những cán bộ thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau, là những học sinh và nhiều người còn ở độ tuổi rất nhỏ hay còn trong bụng mẹ. Cuộc chia cắt Nam và Bắc, sự chia ly, sự khác biệt về tập quán sống không phải là cản trở để mỗi người trong cuộc rời xa nhiệm vụ của mình trong cuộc đấu tranh vì thống nhất và hòa bình cho Tổ quốc, nhưng cũng đã tạo ra những nỗi niềm sâu kín không thể tránh. Những người con miền Nam đi ra Bắc, dù bằng những chuyến tàu tập kết vượt biển 1954 - 1955 hay bằng đường bộ và những phương tiện khác trong những thời điểm khác sau đó đều đã thu xếp nỗi niềm riêng, ra sức phấn đấu học tập, làm việc, trở thành một lực lượng mạnh mẽ, có những đóng góp xứng đáng cho công cuộc kiến thiết nước nhà khi còn tạm thời chia cắt cũng như sau khi thống nhất, hòa bình từ năm 1975.

Tất cả những cảnh huống vui, buồn, tự hào..., được 29 tác giả gửi gắm qua 58 bài viết trong cuốn sách sách, với 3 phần: Theo dòng lịch sử: 70 năm - Ngày ấy, bây giờ (1954 - 2024); Ngày Bắc, đêm Nam - Chia ly và Đoàn tụ; Học sinh miền Nam trên đất Bắc, những dòng ký ức. Đó là những cảm nhận của cán bộ, chiến sĩ, học sinh miền Nam về những ngày đầu tiên đặt chân lên miền Bắc, được đồng bào miền Bắc đón tiếp thân tình, nồng hậu ra sao; ký ức về những năm tháng “ngày Bắc, đêm Nam”, về sự phấn đấu không mệt mỏi trong học tập, làm việc để góp phần đẩy nhanh ngày nước nhà thống nhất, gia đình đoàn tụ; cả những câu chuyện không thể gọi là vui của tuổi học trò trong cuộc sống xa quê hương, gia đình, vắng cha thiếu mẹ…

Người đọc có thể nhận ra trong cuốn sách này không chỉ là những câu chuyện đáng nhớ của cán bộ miền Nam, học sinh miền Nam trên đất Bắc, còn có những câu chuyện rất cảm động của những người con miền Bắc gắn bó với học sinh các trường miền Nam trong vai trò thầy, cô giáo. Điều đặc biệt, trong cuốn sách chưa đầy 450 trang này, người đọc có thể tiếp cận khá toàn diện với các tư liệu lịch sử vừa tóm gọn vừa chi tiết về Hiệp định Geneva 1954.

Không phải là cuốn sách đầu tiên viết về chủ đề học sinh miền Nam trên đất Bắc, nhưng các tác giả mong muốn cuốn sách “Ký ức không phai” sẽ đem đến cho người đọc thêm những thông tin, thêm một cách nhìn về những người con miền Nam trên đất Bắc./.

Thu Hoài

Tin liên quan

Xem thêm