Sự kiện chuyển quân tập kết sau Hiệp định Giơnevơ và chủ trương sáng suốt của Bác Hồ, Trung ương Đảng cùng việc triển khai của Chính phủ, các ban ngành Trung ương, địa phương, với sự xả thân vì miền Nam ruột thịt của nhân dân miền Bắc, đặc biệt sự trưởng thành của các thế hệ học sinh miền Nam là một trong những mốc son, thành tựu lớn của cách mạng nước ta, xứng đáng là những trang vàng trong lịch sử Đảng ta.
Sau Hiệp định Giơnevơ năm 1954, đất nước tạm thời chia thành hai miền Nam - Bắc. Nhằm chuẩn bị lực lượng cho cách mạng miền Nam trong giai đoạn mới và sự nghiệp cách mạng lâu dài của Đảng, Bác Hồ và Trung ương quyết định đưa hàng vạn cán bộ, bộ đội, học sinh và đồng bào miền Nam tập kết ra Bắc. Những năm tháng trên đất Bắc, hàng ngàn con em người miền Nam đã học tập, trưởng thành, đóng góp vào công cuộc giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước và xây dựng nước nhà.
Kỷ niệm 70 năm đồng bào, cán bộ, chiến sĩ và học sinh miền Nam tập kết ra Bắc, TTXVN trân trọng giới thiệu bài viết của nguyên Phó Tổng biên tập Báo Nhân Dân Nguyễn Đức Lượng- một trong những học sinh miền Nam tập kết ra Bắc hồi 70 năm trước.
* Từ tầm nhìn xa, chủ trương sáng suốt
Theo Hiệp định Giơnevơ năm 1954, Việt Nam tạm thời bị chia cắt làm hai miền Nam - Bắc, lấy vĩ tuyến 17 làm giới tuyến tạm thời; lực lượng hai bên tập kết ở hai miền. Hiệp định cũng nêu thời gian chuyển vùng, chuyển quân hai bên trong vòng 300 ngày; sau hai năm, hai miền sẽ hiệp thương thống nhất đất nước. Thế là, vừa ra khỏi chiến tranh, mình còn đầy thương tích, miền Bắc đang tiến hành cải cách ruộng đất, miền Nam chưa một ngày được hưởng hòa bình, cả dân tộc khẩn trương thi hành Hiệp định, bố trí lại lực lượng cách mạng. Không ít gia đình, cộng đồng phân ly, cách trở.
Số cán bộ, bộ đội, đồng bào và học sinh tập kết ra Bắc cuối năm 1954 đầu năm 1955 bằng đường biển, đường bộ lên đến hơn 200.000 người. Đồng bào miền Bắc, đặc biệt vùng Công giáo, với nhiều lý do, phần đông bị dụ dỗ, cưỡng ép di cư vào Nam, gần một triệu người.
Trong muôn vàn khó khăn chồng chất ấy, Bác Hồ, Trung ương Đảng, Chính phủ đã rất sáng suốt lãnh đạo, chỉ đạo các cấp, các ngành cả nước vừa khẩn trương tiếp quản các địa phương, các cơ sở vật chất – kỹ thuật do thực dân Pháp bàn giao, xây dựng bộ máy Đảng, chính quyền, đoàn thể chính trị thật sự vững mạnh, đấu tranh chống cưỡng ép di cư, vừa tổ chức chu đáo việc đón tiếp cán bộ, chiến sỹ, đồng bào miền Nam.
Bác Hồ và Trung ương Đảng cử đồng chí Lê Duẩn, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng và đồng chí Hoàng Quốc Việt, Ủy viên Bộ Chính trị trực tiếp vào miền Nam tổ chức, bố trí lại lực lượng cách mạng và thực hiện việc chuyển quân, tập kết. Thể hiện sự sáng suốt, nhìn xa trông rộng, dự đoán trước tình hình, Chủ tịch Hồ Chí Minh quan tâm đặc biệt việc "trồng người", chăm lo đào tạo thế hệ cách mạng cho đời sau. Bác căn dặn đồng chí Hoàng Quốc Việt: "Nhắc nhở các cấp, các ngành quân, dân, chính ở miền Nam thực hiện và chuẩn bị chu đáo việc đưa thiếu nhi, học sinh miền Nam tập kết đúng tiêu chuẩn, chính sách, khẩn trương và bảo đảm an toàn".
Song song với việc khẩn trương chuyển quân, tập kết, tổ chức, bố trí lại lực lượng cách mạng ở miền Nam, Bác Hồ và Trung ương Đảng, Chính phủ quan tâm đặc biệt việc lãnh đạo, chỉ đạo công tác đón tiếp cán bộ, bộ đội, đồng bào và học sinh từ miền Nam ra miền Bắc. Ngay cuối tháng 8/1954, Ban Bí thư Trung ương Đảng ra Chỉ thị nêu rõ: "... Phải làm cho cán bộ và nhân dân nhận thấy việc đón tiếp và giúp đỡ này là một nghĩa vụ và cũng là một vinh dự của mình. Cần có thái độ ân cần, chăm sóc, giúp đỡ như đối với anh chị em ruột thịt...".
Đến ngày 16/5/1955, thời gian chót 300 ngày chuyển quân, toàn bộ lực lượng trong diện tập kết đã ra miền Bắc an toàn. Công tác đón tiếp cán bộ, bộ đội, đồng bào, học sinh miền Nam được Ban đón tiếp Trung ương và các địa phương thực hiện hết sức chu đáo. Các điểm tập kết đầu tiên ở miền Bắc là Cửa Hội (Nghệ An), Sầm Sơn (Thanh Hóa) rồi từ đây lực lượng tập kết được phân bổ về các nơi. Do sự quan tâm đặc biệt của Bác Hồ và Trung ương Đảng, Chính phủ, sự quán triệt của các cấp, ngành, các địa phương, nên việc chuyển quân tập kết và việc đón tiếp diễn ra khẩn trương, nhanh chóng và tốt đẹp. Không khí tập kết, đón quân sôi động không chỉ ở các địa phương mà cả miền Bắc, cả nước tràn đầy tình ruột thịt Bắc - Nam.
Thật ra, con em cán bộ, chiến sĩ miền Nam ra học tập ở miền Bắc tập trung vào ba giai đoạn: Cuối năm 1954 đầu năm 1955, phần đông tập kết bằng tàu thủy; lực lượng không nhỏ ra Bắc bằng đường bộ "vượt vĩ tuyến 17". Từ năm 1960 – 1964, con em cán bộ, chiến sĩ miền Nam ra Bắc học tập bằng con đường công khai nhờ qua nước bạn. Đặc biệt, phải kể đến thế hệ "Vượt Trường Sơn" thời kỳ 1968 – 1972. Sau Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968, dự báo "cuộc kháng chiến chống Mỹ có thể còn kéo dài", Bác Hồ lại thúc các cấp lãnh đạo cách mạng miền Nam tiếp tục đưa con em cán bộ ra miền Bắc. Chính thế hệ học sinh miền Nam này, được đào tạo, trưởng thành, tiếp nối các thế hệ anh chị đi trước, đang giữ nhiều cương vị chủ chốt khi miền Nam được giải phóng và xây dựng nước nhà thống nhất, đến tận ngày nay.
Như vậy, nói học sinh miền Nam, không chỉ đề cập đội ngũ học sinh tập kết ra miền Bắc giai đoạn 1954-1955, thi hành Hiệp định Giơnevơ, mặc dù đây là thế hệ đàn anh, đàn chị, thế hệ vàng học sinh miền Nam.
Điều đáng nói và rất tự hào với các thế hệ học sinh miền Nam là được sự chăm sóc của Bác Hồ, các ban ngành của Trung ương Đảng, Chính phủ, lãnh đạo và nhân dân các địa phương miền Bắc, được sự nuôi dạy tận tình của các thầy, cô giáo, cán bộ, nhân viên các trường, sự nỗ lực học tập, tu dưỡng, rèn luyện bản thân, đội ngũ học sinh miền Nam đã trưởng thành vượt bậc. Cùng với cương vị cao ở các ban, ngành đoàn thể ở các địa phương, từ Đại hội V đến Đại hội XIII của Đảng, đội ngũ gần 23.000 học sinh miền Nam đã có 25 người tham gia Ban chấp hành Trung ương Đảng.
Đặc biệt, lớp anh, chị tập kết 1954-1955 có các đồng chí Phan Văn Khải, Trương Quang Được, Nguyễn Khoa Điềm không chỉ được bầu vào Trung ương, còn được cử vào Bộ Chính trị. Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, ngày tập kết ra Bắc thuộc lớp trẻ nhất, còn bế trên tay, sau này cũng vào Trung ương, tham gia Bộ Chính trị. Tiếp nối các lớp đàn anh, thế hệ "Vượt Trường Sơn ra Bắc học" cũng làm rạng rỡ truyền thống Học sinh miền Nam. Trong đó, các đồng chí Trương Hòa Bình, Nguyễn Hòa Bình là Ủy viên Bộ Chính trị.
Nhìn lại quá trình trưởng thành của các thế hệ, từ những chiến sĩ cầm súng, đến các cương vị đứng đầu ở các ban, ngành Trung ương, địa phương, lãnh đạo chủ chốt của Đảng, Nhà nước, 70 năm qua, học sinh miền Nam vẫn giữ trọn lời thề với Bác Hồ, với Đảng, nhân dân: Tuyệt đối trung thành, xả thân vì sự nghiệp cách mạng. Đây cũng là niềm tự hào lớn nhất của học sinh miền Nam, đồng thời, là một niềm tự hào và bài học quý báu của Đảng ta, Nhà nước, nhân dân ta về công tác cán bộ: Chủ động tạo nguồn, tạo lực cho cách mạng, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, xây dựng Đảng ta thật sự trong sạch, vững mạnh, gắn bó máu thịt với dân.
70 năm trôi qua, nhìn lại, tôi nghĩ, sự kiện chuyển quân tập kết sau Hiệp định Giơnevơ và chủ trương sáng suốt của Bác Hồ, Trung ương Đảng cùng việc triển khai của Chính phủ, các ban ngành Trung ương, địa phương với sự xả thân vì miền Nam ruột thịt của nhân dân miền Bắc, đặc biệt sự trưởng thành của các thế hệ học sinh miền Nam là một trong những mốc son, thành tựu lớn của cách mạng nước ta, xứng đáng là những trang vàng trong lịch sử Đảng ta.
* Thanh Hóa với miền Nam, với nhân dân cả nước
Ấn tượng sâu nặng trong cuộc đời tôi đối với miền Bắc là khi đặt chân lên bãi biển Sầm Sơn. Sau mấy ngày đêm lênh đênh trên tàu Liên Xô, được ăn cơm no, bánh mỳ Nga, được lên boong tàu nhìn sóng biển xa gần, đã là niềm hạnh phúc lớn lao của tuổi thơ. Khi những thuyền nhỏ, thuyền thúng, thuyền nan từ bến ra nơi tàu đỗ đón chào; rất nhiều anh chị, cô bác đầm mình trong sóng biển từ bờ lội ra bồng bế, đỡ đần người già yếu, chúng tôi vừa xúc động, vừa yên tâm như được nằm trong lòng mẹ. Dù bị say sóng, nhưng nhìn hai hàng các bạn thiếu nhi vẫy cờ hoa chào đón, lòng chúng tôi lâng lâng khó tả. Dù đã 70 năm trôi qua, giờ đã tuổi ông bà, những ấn tượng ấy, cứ chỉ ấy cứ đeo đẳng mãi không nguôi. Mỗi khi nhớ lại, nước mắt lại trào ra.
Những ngày ở Sầm Sơn, đối với chúng tôi, như một cuộc đổi đời, nằm mơ cũng không gặp: Chúng tôi được sinh hoạt tập thể, quen thân bè bạn các miền, liên tục nhiều lần được khám bệnh, chữa bệnh, có thuốc, sữa lúc ốm đau. Không chỉ ăn no, ngày ba bữa, mà còn được cấp phát quần áo, giày dép, chăn màn mới. Các bạn gái khéo tay, nhanh trí, nhận những chiếc áo len rộng thùng thình về tháo ra đan lại dày dặn, đẹp hơn. Bọn con trai đổi đi, thử lại tìm áo len vừa vặn cho mình. Có bạn thích ăn ngọt, liên tục cáo ốm, báo ăn cháo vì có đường cát trắng để dành. Tối nào cũng được xem phim, xem các đoàn văn công biểu diễn...
Lớp tôi, gần 40 người, về Trường 9 ở xã Quảng Ngọc, huyện Quảng Xương. Từ cảm nhận ban đầu ở Sầm Sơn, về đây được sống với dân và đã đi gần trọn cuộc đời, tôi mới hiểu hết sự hy sinh to lớn của người dân Thanh Hóa với đất nước để có ngày hôm nay. Với chúng tôi, người dân Thanh Hóa đã thật sự nhường cơm sẻ áo, đùm bọc thân thương. Nhà nào chúng tôi đến ở, bà con cũng dành cho những vị trí đẹp, mát mẻ mùa hè, ấm áp mùa đông, nhường cả những ổ rơm ít ỏi để dành cho con trẻ của mình. Trường học chưa kịp xây, thì đình chùa thành lớp học…
Từ ơn nợ nghĩa tình với Thanh Hóa tuổi học trò, sau này được học hành, nghiên cứu, tôi càng hiểu sâu sắc hơn những đóng góp, hy sinh to lớn của Đảng bộ và nhân dân Thanh Hóa đối với cả nước và đối với sự nghiệp cách mạng vĩ đại của Đảng ta. Trước ngày nhận trọng trách Bác Hồ và Trung ương giao đón tiếp cán bộ, bộ đội, đồng bào và học sinh miền Nam tập kết ra Bắc, năm 1953-1954, nhân dân Thanh Hóa đã phải dồn toàn bộ sức của, sức người cho Chiến dịch Điện Biên Phủ, cho các mặt trận khác ở Khu III, Khu IV.
Ngày ấy, không chỉ chăm lo nơi ăn, chốn ở, đời sống hằng ngày, mà Đảng bộ, chính quyền và ngành giáo dục Thanh Hóa còn ưu tiên dành một đội ngũ cán bộ, thầy cô giáo ưu tú của mình cho học sinh miền Nam. Cái khó nhất là thăm dò, kiểm tra, tổ chức, sắp xếp học sinh vào các lớp học. Học sinh miền Nam không đồng trang lứa, mà có những em tuổi khá cao, thậm chí là chiến sĩ hoạt động nội thành, sống ở vùng tự do, vùng địch, ít thầy giáo, ít lớp lang bài bản.
Nhắc hoàn cảnh chiến tranh, trình độ khác nhau, tuổi đời chênh lệch của học sinh miền Nam lúc ấy, để hiểu cái khó khăn của đội ngũ cán bộ, giáo viên, các thầy cô ngành giáo dục Thanh Hóa vất vả biết dường nào khi sắp xếp các em vào lớp học. Có lẽ đây cũng là kinh nghiệm, những bài học sáng tạo quý báu của ngành giáo dục Thanh Hóa ngày ấy.
Thanh Hóa anh hùng, Thanh Hóa nghĩa tình, điều đó ai cũng biết. Lịch sử dân tộc từ ngàn xưa, lịch sử vẻ vang từ ngày có Đảng, cả địa danh và con người Thanh Hóa, sách, báo đã ca ngợi rất nhiều. Và Thanh Hóa đã vì cả nước, cả nước cũng sẵn sàng xả thân vì Thanh Hóa. Địa danh này không chỉ là quê hương của người Thanh Hóa, mà còn là quê hương của nhiều người, nhất là chúng tôi, lớp người tập kết 1954-1955, mang nặng công ơn cưu mang, đùm bọc.
Ngày chuyển quân ra Bắc, Thiếu tướng, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Phạm Ngọc Lan còn là một chàng trai quá trẻ. Vậy mà mười năm sau, năm 1965, anh ghi dấu ấn vẻ vang trong một trận không chiến với Hoa Kỳ. Ngày 3/4/1965, các máy bay của hải quân Mỹ tập kích cầu Hàm Rồng, một cây cầu huyết mạch, yết hầu trên tuyến vận tải miền Bắc chi viện cho tiền tuyến miền Nam. Phi đội anh đã bắn rơi 2 máy bay địch trên bầu trời Hàm Rồng. Riêng anh, người con của đất Quảng Nam, đã hạ chiếc F8E, trở thành phi công Việt Nam đầu tiên bắn hạ máy bay phản lực của Không lực hoa Kỳ.
Ngày 19/4/1972, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Văn Bảy (Bảy B), là học sinh miền Nam, quê ở Cái Nước, Cà Mau, dẫn đầu phi đội MiG 17 trừng trị Hạm đội 7 Hoa Kỳ. Đây là chiến công đầu tiên của Không quân nhân dân Việt Nam mở mặt trận "không đối biển" trực tiếp đương đầu với Hạm đội 7 của Mỹ. Sau đó, chưa đầy một tháng, ngày 6/5/1972, biên đội MiG 17 của Nguyễn Văn Bảy dũng mãnh không chiến với 24 máy máy bay cường kích Mỹ trên bầu trời Thanh Hóa và anh đã hy sinh, về với mảnh đất ân tình Bá Thước, khi cuộc đời còn rất trẻ…
Với Thanh Hóa anh hùng, trong tôi, luôn tình sâu, nghĩa nặng. Ơn Bác Hồ, ơn Đảng, ơn dân. Sâu lắng và trăn trở trong tôi, vẫn mong có gì để đền đáp./.