"Đa số học sinh Việt Nam ngoan, nhưng vẫn có một bộ phận nhỏ lệch chuẩn với các biểu hiện tiêu cực như lười học, bạo lực học đường và nghiện game. Nguyên nhân chính đến từ đặc điểm tuổi vị thành niên, thiếu sự quan tâm từ gia đình và ảnh hưởng tiêu cực từ mạng xã hội và toàn cầu hóa".
Ngày 25/10 tại Hà Nội, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam phối hợp với Viện Nghiên cứu hợp tác và Phát triển tổ chức Hội thảo với chủ đề “Giáo dục đạo đức cho học sinh phổ thông: Thực trạng và giải pháp”. Hội thảo nhằm thu thập ý kiến tư vấn, phản biện và giám định xã hội từ quan điểm của các chuyên gia khoa học về giáo dục, kết hợp với ý kiến đánh giá của cán bộ quản lý, giáo viên và những người đang trực tiếp hoạt động trong lĩnh vực giáo dục ở các nhà trường phổ thông.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Phạm Quang Thao nhấn mạnh vai trò nền tảng của giáo dục đạo đức trong phát triển nhân cách và năng lực của học sinh; khẳng định, "đạo đức là gốc của con người” và nếu không có đạo đức, dù có tài năng cũng không thể đóng góp hữu ích cho đất nước. Trong bối cảnh hiện nay, khi một bộ phận học sinh phổ thông có dấu hiệu suy thoái đạo đức, Hội thảo là cơ hội tìm kiếm các giải pháp ngăn chặn hiện tượng này, hướng tới việc kết hợp giữa giáo dục kiến thức và giáo dục đạo đức.
Bên cạnh đó, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Phạm Viết Vượng cũng chia sẻ quan điểm về việc giáo dục các giá trị đạo đức khác như: Tình yêu quê hương, lòng nhân ái và ý thức tự lập cho học sinh phổ thông. Phó Giáo sư, Tiến sỹ Phạm Viết Vượng nhận định: "Đa số học sinh Việt Nam ngoan, nhưng vẫn có một bộ phận nhỏ lệch chuẩn với các biểu hiện tiêu cực như lười học, bạo lực học đường và nghiện game. Nguyên nhân chính đến từ đặc điểm tuổi vị thành niên, thiếu sự quan tâm từ gia đình và ảnh hưởng tiêu cực từ mạng xã hội và toàn cầu hóa". Để ngăn chặn hiện tượng này, ông đề xuất việc tăng cường giáo dục gia đình và phối hợp chặt chẽ giữa gia đình và nhà trường.
Phó Giáo sư, Tiến sỹ Trần Đình Tuấn, Viện Nghiên cứu hợp tác giáo dục cho rằng, giáo dục đạo đức là nhiệm vụ hàng đầu của các trường phổ thông, được Đảng, Nhà nước, Bộ Giáo dục và Đào tạo quan tâm chỉ đạo. Tuy nhiên, tình trạng vi phạm đạo đức và pháp luật của học sinh phổ thông đang gia tăng, trở thành mối lo ngại xã hội. Giáo dục đạo đức cho học sinh cần tiếp tục chú ý thực hiện nguyên tắc “Tiên học lễ, hậu học văn” và coi trọng giáo dục đạo đức trong chương trình giảng dạy; cần có những giải pháp mạnh mẽ hơn, với sự phối hợp của nhà trường, gia đình và xã hội.
Một trong những điểm sáng được chia sẻ tại Hội thảo là mô hình “Trường học Thông minh” của Trường Trung học Phổ thông Đông Đô Hà Nội. Trường đã ứng dụng các công nghệ hiện đại như trí tuệ nhân tạo và thực tế ảo vào giảng dạy, đồng thời đẩy mạnh các hoạt động trải nghiệm thực tế nhằm giúp học sinh phát triển toàn diện. Nhà trường cũng đã xây dựng cộng đồng học tập kết nối giáo viên và học sinh trên toàn quốc, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục và ngăn chặn các hiện tượng tiêu cực như bạo lực học đường./.