Giáo dục

Giải pháp đào tạo và hướng đi mới trong lĩnh vực công nghệ vi mạch bán dẫn

Cần Thơ

Việt Nam hiện đang trở thành “điểm nóng” đầu tư đối với ngành công nghiệp bán dẫn, thu hút nguồn vốn và sự quan tâm lớn từ các doanh nghiệp quốc tế.

Quang cảnh Hội thảo. 
Ảnh: Ánh Tuyết - TTXVN

Ngày 23/10, Trường Đại học Kỹ thuật - Công nghệ Cần Thơ tổ chức Hội thảo “Đào tạo nguồn nhân lực công nghệ vi mạch bán dẫn và trí tuệ nhân tạo trong xu thế hội nhập”. Tham gia Hội thảo, các nhà khoa học, chuyên gia, doanh nghiệp thảo luận các vấn đề liên quan đến yêu cầu về kiến thức, kỹ năng đối với người lao động; nhu cầu nguồn nhân lực, những giải pháp đào tạo và hướng đi mới trong lĩnh vực này.

Phát biểu tại Hội thảo, Nhà giáo Nhân dân, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Huỳnh Thanh Nhã, Hiệu trưởng Trường Đại học Kỹ thuật - Công nghệ Cần Thơ nhấn mạnh, với mong muốn đưa Việt Nam trở thành quốc gia thịnh vượng trong vài thập kỷ tới, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 791/QĐ-TTg, ngày 5/8/2024 thành lập Ban Chỉ đạo quốc gia về phát triển ngành công nghiệp bán dẫn. Ngày 21/9/2024, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã ban hành Quyết định số 1017/QĐ-TTg phê duyệt chương trình “Phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, định hướng đến năm 2050” và Quyết định số 1018/QĐ-TTg, ngày 21/9/2024 ban hành Chiến lược phát triển công nghiệp bán dẫn Việt Nam đến năm 2030 và tầm nhìn 2050. Điều này cho thấy quyết tâm của Chính phủ trong việc sẵn sàng đón nhận làn sóng đầu tư mới trong ngành này tại Việt Nam.

Nhà giáo Nhân dân, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Huỳnh Thanh Nhã, Hiệu trưởng Trường Đại học Kỹ thuật - Công nghệ Cần Thơ phát biểu tại Hội thảo. 
Ảnh: Ánh Tuyết - TTXVN

Ngành công nghiệp bán dẫn và trí tuệ nhân tạo có vai trò quan trọng trong sự phát triển của khoa học - công nghệ ngày nay. Do đó, các tập đoàn công nghệ thế giới tìm đến những địa điểm phù hợp hơn để đặt cơ sở sản xuất, nghiên cứu. Việt Nam hiện đang trở thành “điểm nóng” đầu tư đối với ngành công nghiệp bán dẫn, thu hút nguồn vốn và sự quan tâm lớn từ các doanh nghiệp quốc tế. Nhiều doanh nghiệp lớn trong ngành bán dẫn như: Intel, Qualcomm, Infineon, Amkor đã đầu tư vào Việt Nam với các dự án xây dựng nhà máy, mở rộng sản xuất, lắp ráp có giá trị lên tới hàng tỷ USD.

Nhận định về nguồn nhân lực và tiềm lực phát triển trong lĩnh vực vi mạch bán dẫn tại Việt Nam hiện nay, Tiến sĩ Lương Vinh Quốc Danh (Trường Đại học Cần Thơ) nêu rõ, Việt Nam hiện có trên 40 công ty hoạt động trong lĩnh vực thiết kế vi mạch bán dẫn (đa phần là doanh nghiệp FDI). Tổng số kỹ sư đang làm việc là gần 6.000 người. Mỗi năm, thị trường này cần khoảng 1.000 kỹ sư. Các khảo sát nhu cầu thị trường lao động cho thấy, Việt Nam giữ 3% thị phần thế giới về mảng đóng gói và kiểm thử trong lĩnh vực vi mạch bán dẫn vào năm 2030, đồng nghĩa với cần khoảng 10.000 kỹ sư; mức lương trung bình sau một năm bắt đầu vào làm việc trong lĩnh vực này là trên 20 triệu đồng/tháng. Các con số này cho thấy, tiềm năng và sự hấp dẫn của ngành vi mạch bán dẫn nói riêng, vi mạch bán dẫn - trí tuệ nhân tạo nói chung.

Ký kết hợp tác đào tạo giữa Trường Đại học Kỹ thuật - Công nghệ Cần Thơ và các viện, trường, doanh nghiệp.
 Ảnh: Ánh Tuyết - TTXVN

Tuy nhiên tại Việt Nam cũng như vùng Đồng bằng sông Cửu Long, hoạt động đào tạo nguồn nhân lực vi mạch bán dẫn, trí tuệ nhân tạo hiện vẫn còn chưa đáp ứng được nhu cầu thị trường. Nguyên nhân là do các đơn vị đào tạo chưa nhanh nhạy bổ sung các học phần trong lĩnh vực này vào giảng dạy; đội ngũ giảng viên, kỹ sư chưa đáp ứng được nhu cầu học; thù lao cho giảng viên chưa tương xứng và tạo sự hấp dẫn; môi trường thực hành chưa phong phú; công tác tư vấn tuyển sinh và phân luồng cho học sinh phổ thông chưa đạt hiệu quả như kỳ vọng…

Trước các vướng mắc đó, đa phần các ý kiến tại Hội thảo cho rằng, cần có cơ chế thống nhất từ Trung ương đến địa phương để các cơ sở đào tạo có thể tận dụng tối đa các nguồn lực trong đào tạo nhân lực ngành vi mạch bán dẫn, trí tuệ nhân tạo; đặc biệt là cơ chế thù lao cho giảng viên, chính sách thu hút người tài trong các lĩnh vực mới, tiên phong… Đồng thời, các cơ sở đào tạo cần chủ động liên kết với các doanh nghiệp trong lĩnh vực này để thiết kế những chương trình đào tạo theo mô hình “đặt hàng - bao tiêu”. Theo đó, nhà trường đào tạo theo nhu cầu của doanh nghiệp; doanh nghiệp tạo điều kiện để sinh viên được thực tập tại đơn vị và tiếp nhận sinh viên vào làm việc sau khi tốt nghiệp./.

Hoàng Ánh Tuyết

Tin liên quan

Xem thêm