Quy định mới của Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) đặt trọng tâm vào việc đánh giá tác động và thẩm định dự án có liên quan đến di sản, qua đó giảm thiểu nguy cơ xâm hại hoặc mất mát giá trị văn hóa.
Chiều 23/11, Quốc hội thông qua Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) với 413/422 đại biểu tán thành. Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) gồm 9 chương, 95 điều, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2025.
Chia sẻ với phóng viên TTXVN về niềm vui này, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội nêu rõ: Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) mang ý nghĩa đặc biệt, bởi di sản là linh hồn, cốt lõi của văn hóa dân tộc. Việc sửa đổi luật nhằm phù hợp hơn với thực tiễn hiện nay không chỉ giúp tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước mà còn tạo điều kiện thuận lợi để cộng đồng và các tổ chức tham gia vào công tác bảo vệ, phát huy giá trị di sản. Đặc biệt, ông tin rằng các quy định mới sẽ góp phần thúc đẩy sự hài hòa giữa bảo tồn và phát triển, đồng thời tăng cường vị thế của di sản văn hóa Việt Nam trên trường quốc tế.
Phó Giáo sư, Tiến sỹ Bùi Hoài Sơn chia sẻ: Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) với nhiều điểm mới là bước tiến quan trọng trong việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa của Việt Nam nhất là trong bối cảnh hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Luật này giúp tháo gỡ những khó khăn tồn đọng, đồng thời mở ra những cơ hội để di sản văn hóa không chỉ được gìn giữ mà còn trở thành nguồn lực bền vững cho sự phát triển đất nước.
Ông Bùi Hoài Sơn nêu rõ: Một trong những điểm nhấn của Luật là việc giải quyết hiệu quả mâu thuẫn giữa bảo tồn và phát triển. Quy định mới đặt trọng tâm vào việc đánh giá tác động và thẩm định dự án có liên quan đến di sản, qua đó giảm thiểu nguy cơ xâm hại hoặc mất mát giá trị văn hóa. Cùng với đó, luật cũng làm rõ hơn trách nhiệm giữa các cấp quản lý, tăng cường vai trò của chính quyền địa phương và cộng đồng trong công tác bảo tồn, tránh chồng chéo và thiếu hiệu quả như trước đây.
Luật sửa đổi cũng đặc biệt chú ý đến di sản văn hóa phi vật thể, một lĩnh vực vốn đang đối mặt với nguy cơ mai một. Việc hỗ trợ các nghệ nhân, ghi danh di sản và thúc đẩy phổ biến trong cộng đồng không chỉ bảo vệ giá trị văn hóa mà còn tạo nền tảng để di sản phi vật thể tiếp tục sống động trong đời sống hiện đại.
Ông cũng khẳng định rằng, không chỉ dừng lại ở bảo tồn, luật còn đề cao việc phát huy giá trị di sản để thúc đẩy phát triển kinh tế và xã hội. Các cơ chế khuyến khích xã hội hóa trong công tác bảo tồn được đề ra, cho phép doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân tham gia tích cực vào việc khai thác giá trị di sản thông qua đầu tư và hợp tác công-tư. Song song với đó, ứng dụng công nghệ số cũng được xem là một công cụ quan trọng trong việc số hóa di sản, tạo dựng kho dữ liệu quốc gia và phát triển sản phẩm văn hóa số, qua đó nâng cao hiệu quả quảng bá di sản cả trong nước và quốc tế.
Di sản văn hóa còn được kỳ vọng sẽ gắn kết chặt chẽ hơn với các ngành kinh tế khác, đặc biệt là du lịch văn hóa. Luật sửa đổi khuyến khích xây dựng các chuỗi giá trị du lịch, không chỉ giúp tăng nguồn lực bảo tồn mà còn mang lại lợi ích trực tiếp cho cộng đồng địa phương. Việc phát triển các sản phẩm văn hóa và tổ chức lễ hội cũng được xem là cách để người dân địa phương hưởng lợi từ di sản, từ đó thúc đẩy sự tham gia và ý thức trách nhiệm trong công tác bảo vệ di sản.
Ngoài ra, luật cũng đề cao việc hội nhập quốc tế, thúc đẩy hợp tác và học hỏi kinh nghiệm từ các quốc gia khác trong bảo tồn di sản. Điều này không chỉ nâng cao năng lực bảo vệ di sản mà còn góp phần khẳng định vị thế của Việt Nam trên bản đồ văn hóa thế giới.
Với các quy định đổi mới, Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) đã tạo ra một cơ sở pháp lý vững chắc, thúc đẩy quá trình bảo tồn và phát huy di sản một cách hiệu quả hơn. Những cải tiến này không chỉ đảm bảo gìn giữ các giá trị văn hóa quý báu mà còn biến di sản thành nguồn lực quan trọng, góp phần làm giàu bản sắc dân tộc và thúc đẩy phát triển bền vững trong tương lai./.
- Từ khóa:
- Di sản
- bảo tồn
- phát huy giá trị
- nguồn lực
- văn Hoá