Văn hóa

Bảo tồn, phục hồi và phát huy các giá trị di sản văn hóa

Thanh Hóa

Hội Di sản văn hóa và cổ vật Thanh Hoa là “mái nhà chung” của những hội viên có trách nhiệm, tâm huyết với công tác bảo tồn, phục hồi và phát huy các giá trị di sản văn hóa.

Các cá nhân nhận Bằng khen của Hội Di sản Văn hóa Việt Nam.
Ảnh: Hoa Mai - TTXVN 

Ngày 23/11, Hội Di sản văn hóa và Cổ vật Thanh Hoa tổ chức Lễ kỷ niệm Ngày Di sản văn hóa Việt Nam (23/11/2024), kỷ niệm 20 năm thành lập Hội Di sản văn hóa và cổ vật Thanh Hoa (11/2004 – 11/2024).

Từ khi ra đời đến nay (11/2004 – 11/2024), với 6 chi hội, 3 trung tâm, 7 câu lạc bộ và hơn 700 hội viên, Hội Di sản Văn hóa và cổ vật Thanh Hoa đã có nhiều đóng góp trong việc gìn giữ, phát huy các di sản của Thanh Hóa cũng như cả nước. Qua 20 năm hoạt động, Hội Di sản văn hóa và cổ vật Thanh Hoa đã trở thành “mái nhà chung” của những hội viên có trách nhiệm, tâm huyết với công tác bảo tồn, phục hồi và phát huy các giá trị di sản văn hóa tại xứ Thanh.

Hội đã khôi phục thành công nhiều di sản văn hóa nổi bật của xứ Thanh; thành lập các câu lạc bộ tín ngưỡng Thờ Mẫu Tam phủ và tổ chức thực hành tín ngưỡng Thờ Mẫu Tam phủ; tổ chức nhiều hội thảo khoa học; tham gia tích cực các sự kiện chính trị, sự kiện văn hóa lớn trong và ngoài tỉnh.

Điểm nhấn trong công tác bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa mà Hội Di sản văn hóa và cổ vật Thanh Hoa đã thực hiện chính là việc phục hồi nghề đúc trống đồng bằng phương pháp thủ công truyền thống đã bị thất truyền hàng nghìn năm nay.

Ông Hồ Quang Sơn, Chủ tịch Hội Di sản văn hóa và cổ vật Thanh Hoa cho biết: "Chúng tôi đã tập hợp được những hội viên tâm huyết, tự bỏ kinh phí, tổ chức các cuộc hội thảo, tìm tòi, nghiên cứ quy trình đúc trống. Trong quá trình thực hiện đã gặp không ít khó khăn, thậm chí có lúc thất bại nhưng với quyết tâm cao và tấm lòng hướng về nguồn cội, năm 2005, chúng tôi đã thành công trong việc khôi phục nghề đúc trống đồng bằng phương pháp thủ công truyền thống. Hiện, chúng tôi đã khôi phục được 3 Trung tâm đúc đồng truyền thống cũng như đào tạo được hàng trăm nghệ nhân và thợ lành nghề chuyên đúc đồng bằng phương pháp thủ công truyền thống với tay nghề tinh xảo".

Gần 20 năm nay, Hội Di sản văn hóa và cổ vật Thanh Hoa đã đúc rất nhiều trống đồng tại nhiều địa phương khác nhau như: đúc 100 trống đồng nhân Đại lễ 1.000 năm Thăng Long (Hà Nội); đúc hàng chục trống đồng cho dự án Âm vang đất Tổ Đền Hùng (Phú Thọ); đúc trống đồng tặng các Khu tưởng niệm Bác Hồ tại Hà Nội, Nghệ An, Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Tháp…; tặng trống đồng cho khu di tích Hồ Chủ tịch tại Khăm Muộn - Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào; đúc trống Đồng, súng Thần Công, kiếm Đồng dâng tặng Khu lăng mộ, Khu tưởng niệm Đại tướng Võ Nguyên Giáp ở Quảng Bình và Điện Biên…

Bên cạnh đó, Hội Di sản văn hóa và cổ vật Thanh Hoa cũng là một trong những đơn vị đi đầu trong việc thành lập các Chi hội bảo tồn đạo thờ Mẫu tại các địa phương ở Thanh Hóa. Tính đến nay, toàn tỉnh đã có 10 Chi hội bảo tồn đạo thờ Mẫu với hơn 500 hội viên. Hội Di sản văn hóa và cổ vật Thanh Hoa đã tổ chức 5 lần liên hoan thực hành tiến ngưỡng Thờ Mẫu Tam phủ với sự tham gia của các nghệ nhân ưu tú, nghệ nhân dân gian trong và ngoài tỉnh.

Nhân dịp lễ kỷ niệm, Ban Thi đua - Khen thưởng tỉnh Thanh Hóa đã công bố quyết định tặng Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa cho 1 tập thể, 5 cá nhân vì đã có thành tích xuất sắc trong công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa; tặng Bằng khen của Hội Di sản văn hóa Việt Nam, giấy khen của Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa… cho các cá nhân, tập thể của Hội./.

Hoa Mai

Tin liên quan

Xem thêm