Văn hóa

Cần tạo "sức bật" cho các ngành công nghiệp văn hóa

Nhiều sản phẩm, dịch vụ sự kiện, chương trình văn hóa nghệ thuật đã thể hiện sống động bản sắc, tinh thần sáng tạo Việt Nam, góp phần phát huy sức mạnh mềm văn hóa trong hội nhập quốc tế.

Di sản Thế giới Hoàng Thành Thăng Long
Ảnh: Thanh Tùng-TTXVN

Ngày 8/9/2016, Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Quyết định số 1755/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 (sau đây gọi là Chiến lược). Đây là lần đầu tiên Việt Nam có một chiến lược quốc gia nhằm đáp ứng các yêu cầu thực tiễn về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa sáng tạo.

Việc ban hành Chiến lược đã đánh dấu bước tiến mới của nước ta trong xác lập khung chính sách tạo môi trường thể chế tương đối thuận lợi để các ngành công nghiệp văn hóa có khả năng khai thác và phát huy hiệu quả tài nguyên văn hóa trong các sản phẩm và dịch vụ văn hóa.

Các bộ, ngành đã tập trung triển khai xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật nhằm tạo hành lang pháp lý, khuyến khích phát triển các ngành công nghiệp văn hóa. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, xây dựng kế hoạch hành động, đề án đánh giá quá trình triển khai chiến lược của 5 ngành trọng điểm (điện ảnh; nghệ thuật biểu diễn; mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm; du lịch văn hóa; quảng cáo).

Màn hình LED được dựng lên tại phố đi bộ Nguyễn Huệ (Quận 1) nhằm tối ưu hóa trải nghiệm chiếu phim cho người dân Thành phố Hồ Chí Minh.
 Ảnh: Thu Hương-TTXVN

Qua thời gian triển khai, Chiến lược được ghi nhận là nỗ lực của Việt Nam trong xây dựng hoàn thiện khung thể chế nhằm thay đổi nhận thức để hình thành nên một khung chính sách có khả năng tạo thúc đẩy các ngành công nghiệp văn hóa hội nhập theo hướng bền vững hơn. 

Năm 2022, các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam bước đầu đạt được một số kết quả đáng khích lệ, đóng góp ước đạt 4,04% đối với GDP, tạo 1 triệu việc làm cho xã hội. Doanh thu xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ văn hóa, số lượng doanh nghiệp và các không gian văn hóa, trung tâm sáng tạo, thành phố sáng tạo trong mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO trong cả nước tăng lên. Nhiều sản phẩm, dịch vụ sự kiện, chương trình văn hóa nghệ thuật đã thể hiện sống động bản sắc, tinh thần sáng tạo Việt Nam, góp phần phát huy sức mạnh mềm văn hóa trong hội nhập quốc tế.

Tuy nhiên, quá trình triển khai thực hiện Chiến lược xuất hiện một số hạn chế, bất cập, vì vậy, cần tiếp tục xây dựng Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Việc xây dựng Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 nhằm đưa ra những giải pháp, chiến lược cụ thể để tạo "sức bật" cho các ngành công nghiệp văn hóa của nước ta trong thời gian tới.

Đồng thời phát huy mọi tiềm năng, cơ hội, giải quyết thách thức để phát triển các ngành công nghiệp văn hóa có trọng tâm, trọng điểm; khai thác tối đa yếu tố kinh tế của các giá trị di sản văn hóa, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ giữa các ngành, các khâu sáng tạo, sản xuất, phân phối, phổ biến và tiêu dùng…/.

Thanh Giang

Tin liên quan

Xem thêm