Xã hội

Đẩy mạnh ứng dụng dữ liệu dân cư trong lĩnh vực cung ứng sản phẩm, dịch vụ ngân hàng

Agribank không ngừng đẩy mạnh gia tăng các sản phẩm, dịch vụ số, tạo tiện lợi trong thanh toán, tiết kiệm chi phí, đáp ứng nhu cầu của người dân và doanh nghiệp.

Thời gian vừa qua, Agribank đã tập trung triển khai các giải pháp thu thập và làm sạch dữ liệu khách hàng, với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư theo chủ trương định hướng của Thủ tướng Chính phủ, đồng thời đáp ứng quy định của Ngân hàng Nhà nước theo QĐ 2345, theo định hướng của Đề án “Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030” (Đề án 06).

Đề án 06 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 6/1/2022 có ý nghĩa, vai trò quan trọng, là nền tảng để các cấp, các ngành, địa phương đẩy mạnh cải cách hành chính theo hướng hiện đại, góp phần phục vụ chuyển đổi số, xây dựng Chính phủ điện tử, chính quyền số, xã hội số và kinh tế số.

Mục tiêu cao nhất của đề án chính là để người dân và doanh nghiệp được thụ hưởng những tiện ích từ cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và thẻ căn cước công dân gắn chíp, chuyển đổi cách làm thủ tục hành chính từ thủ công sang môi trường điện tử.

Được xác định là một trong 8 lĩnh vực cần ưu tiên chuyển đổi số, thời gian qua, Agribank cùng ngành Ngân hàng tập trung đầu tư xây dựng và phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin, nền tảng vận hành, không ngừng đẩy mạnh gia tăng các sản phẩm, dịch vụ số, tạo tiện lợi trong thanh toán, tiết kiệm chi phí, đáp ứng nhu cầu của người dân và doanh nghiệp.

1. Tiên phong ứng dụng eKYC và dữ liệu dân cư trong ngân hàng điện tử

Năm 2021, Agribank cho ra mắt Hệ thống quản lý mở tài khoản trực tuyến (eKYC) trên Agribank E-Mobile Banking (nay là Agribank Plus). Với việc áp dụng eKYC, Agribank đã giúp hàng triệu khách hàng định danh mở tài khoản trực tuyến dễ dàng, an toàn và tiện lợi hơn, đồng thời bảo vệ an toàn tài khoản, hạn chế tối đa rủi ro cho người dùng khi đăng nhập ứng dụng trên thiết bị mới.

Giải pháp ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) như nhận diện khuôn mặt (FAC), công nghệ đọc dữ liệu hình ảnh (ORC), công nghệ học sâu (Deep learning)… giúp định danh khách hàng chính xác, nhanh chóng, minh bạch mà không cần hỗ trợ của con người. Người dùng có thể định danh mở tài khoản trực tuyến trên ứng dụng ngân hàng của Agribank bằng cách chụp ảnh khuôn mặt và giấy tờ tùy thân. Các thông tin sẽ tự động được đối chiếu, so khớp chính xác để tạo tài khoản nhanh chóng, tiết kiệm thời gian. Hình thức định danh trực tuyến (eYKC) này đơn giản, dễ dùng, an toàn, bảo mật, có thể thực hiện ở mọi lúc, mọi nơi.

Agribank tiên phong ứng dụng eKYC và dữ liệu dân cư trong ngân hàng điện tử. 
Ảnh: Agribank

Không chỉ hỗ trợ mở tài khoản trực tuyến, eKYC còn được áp dụng vào quá trình đăng nhập ứng dụng Agribank Plus trên thiết bị mới, giúp gia tăng lớp bảo vệ tài khoản, hạn chế rủi ro mất tài khoản do bị kẻ gian lừa đảo.

Năm 2022, Agribank ra mắt mô hình Ngân hàng số Agribank Digital, theo đó, khách hàng đến Agribank giao dịch chỉ cần chọn dịch vụ và ký duy nhất 1 chữ ký mà không cần viết hay điền bất kỳ thông tin gì bằng tay. Việc mở tài khoản, phát hành thẻ, đăng ký dịch vụ Agribank Plus, cho đến vay vốn hay nộp tiền vào tài khoản… đều được thực hiện rất nhanh chóng, an toàn với độ chính xác cao do thông tin khách hàng được hệ thống “đọc” qua chip và được xác thực trực tiếp với cơ sở dữ liệu công dân của Bộ Công an. Trước đây, với phương thức giao dịch truyền thống, thời gian thực hiện trung bình khoảng 20-25 phút, nay khách hàng chỉ mất từ 4-5 phút để hoàn tất giao dịch nếu sử dụng thiết bị đọc và xác thực thông tin căn cước công dân và các phần mềm hỗ trợ liên quan. Hơn nữa, các khách hàng đã đăng ký thông tin sinh trắc học, lần sau có thể giao dịch tại quầy hoặc tại Agribank Digital/CDM... mà không cần dùng thẻ vật lý hay bất kỳ loại giấy tờ nào.

Công nghệ xác thực khách hàng bằng căn cước công dân gắn chíp mang lại rất nhiều lợi ích thiết thực cho khách hàng và ngân hàng như: cắt giảm thủ tục và thao tác thủ công, rút ngắn thời gian giao dịch, nâng cao hiệu quả phục vụ khách hàng. Với các thông tin sinh trắc học (khuôn mặt, vân tay) thu thập được sẽ giúp Agribank nhận diện và phân loại khách hàng để phục vụ được tốt hơn, hiệu quả hơn.

2. Tích cực triển khai xác thực sinh trắc học theo QĐ 2345

Theo Quyết định số 2345/QĐ-NHNN ngày 18/12/2023 của Ngân hàng Nhà nước về triển khai các giải pháp an toàn, bảo mật trong thanh toán trực tuyến và thanh toán thẻ ngân hàng, từ ngày 1/7/2024, các loại giao dịch trực tuyến của khách hàng cá nhân bắt buộc phải xác thực bằng dấu hiệu nhận dạng sinh trắc học bao gồm: Chuyển tiền trong ngân hàng khác chủ tài khoản/chuyển tiền liên ngân hàng trong nước/nạp ví điện tử có giá trị trên 10 triệu đồng/giao dịch hoặc giá trị từ 10 triệu đồng trở xuống nhưng tổng giá trị giao dịch trong ngày đạt trên 20 triệu đồng; Chuyển tiền ra nước ngoài; Thanh toán hóa đơn hàng hóa dịch vụ với tổng giá trị giao dịch trên 100 triệu đồng trong ngày; Kích hoạt dịch vụ ngân hàng số lần đầu hoặc đổi thiết bị sử dụng ứng dụng ngân hàng số.

Agribank tích cực triển khai xác thực sinh trắc học theo Quyết định của Ngân hàng Nhà nước.
Ảnh: Agribank

Sau hai tháng tích cực triển khai, Agribank đã nhận được phản hồi tích cực, cũng như khắc phục các lỗi thường gặp trong quá trình thực hiện thu thập sinh trắc học cho khách hàng. Nhằm hỗ trợ tối đa khách hàng, các chi nhánh tăng cường cán bộ, nhân viên trực tại quầy giao dịch, đồng thời làm thêm cả thứ bảy, chủ nhật. Với sự nỗ lực của toàn hệ thống, đến hết ngày 17/10/2024, Agribank đã thu thập và làm sạch gần 4 triệu khách hàng (trong đó hơn 2,6 triệu bằng phương tiện điện tử và hơn 1,3 triệu tại quầy).

3. Vận động khách hàng thực hiện thu thập sinh trắc học và cập nhật giấy tờ tùy thân theo Thông tư 17 và Thông tư 18 của Ngân hàng Nhà nước

Agribank đang tập trung nguồn lực để tuân thủ 2 Thông tư của Ngân hàng Nhà nước, cụ thể: Thông tư 17 quy định về việc mở và sử dụng tài khoản thanh toán tại tổ chức tín dụng cung ứng dịch vụ thanh toán, Thông tư 18 quy định về hoạt động thẻ ngân hàng. Một số điều khoản của thông tư có hiệu lực từ ngày 1/10/2024, quy định khách hàng cá nhân khi mở mới tài khoản thanh toán, đăng ký phát hành thẻ đều phải yêu cầu thực hiện xác thực sinh trắc học. Cũng theo lộ trình triển khai, từ ngày 1/1/2025, khách hàng chỉ được thực hiện giao dịch thanh toán qua phương tiện điện tử như chuyển tiền trực tuyến khi đã hoàn tất việc xác thực sinh trắc học với ngân hàng. Cụ thể, khách hàng sử dụng tài khoản thanh toán (tài khoản ngân hàng) chỉ được thực hiện rút tiền, giao dịch thanh toán bằng phương tiện điện tử (chuyển tiền online) trên tài khoản thanh toán khi đã hoàn thành việc đối chiếu khớp đúng giấy tờ tuỳ thân và thông tin sinh trắc học của chủ tài khoản hoặc người đại diện (đối với khách hàng cá nhân) hoặc người đại diện hợp pháp (đối với khách hàng tổ chức).

Agribank hỗ trợ khách hàng thực hiện thu thập sinh trắc học trên cả 2 kênh: kênh điện tử và kênh tại quầy giao dịch. 
Ảnh: Agribank

Đây là một bước nâng cao so với quy định bắt buộc phải xác thực sinh trắc học khi sinh trắc học chuyển tiền từ trên 10 triệu đồng/lần và 20 triệu đồng/ngày. Quy định này nhằm xóa bỏ hoàn toàn các tài khoản ngân hàng không chính chủ, cũng như tăng mức độ an toàn cho người dân khi sử dụng dịch vụ ngân hàng điện tử.

Để triển khai tốt nhiệm vụ được giao, Agribank hỗ trợ khách hàng thực hiện thu thập sinh trắc học trên cả 2 kênh: kênh điện tử và kênh tại quầy giao dịch. Đặc biệt, đối với địa bàn vùng sâu vùng xa, Agribank đã và đang tích cực đẩy mạnh hỗ trợ khách hàng thực hiện đăng ký thu thập sinh trắc học tại quầy. Ngoài ra, khách hàng là người nước ngoài không có căn cước công dân gắn chip và chưa có thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Agribank cũng hỗ trợ xác thực sinh trắc học trực tiếp tại ngân hàng.

Trong bối cảnh tội phạm chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng ngày càng gia tăng, việc xác thực sinh trắc học là một trong những giải pháp quan trọng, góp phần đảm bảo an toàn cho tài khoản. Vì vậy, Agribank khuyến khích khách hàng nhanh chóng cập nhật thông tin sinh trắc học để không bị gián đoạn giao dịch. Đồng thời, lưu ý khách hàng chỉ thực hiện cập nhật thông tin sinh trắc học qua ứng dụng Agribank Plus, Agribank Retail eBanking hoặc trực tiếp tại các điểm giao dịch của Agribank, tuyệt đối không cập nhật qua bất kỳ trang web hay ứng dụng nào khác để tránh rủi ro giả mạo, lừa đảo.

Agribank khuyến khích khách hàng nhanh chóng cập nhật thông tin sinh trắc học để không bị gián đoạn giao dịch. 
Ảnh: Agribank

4. Tăng cường công tác cảnh báo lừa đảo tội phạm trên không gian mạng

Trong bối cảnh hiện nay, công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng, các trang mạng xã hội là nhiệm vụ hết sức khó khăn và phức tạp vì đối tượng phạm tội tinh vi, xảo quyệt, luôn thay đổi phương thức, thủ đoạn, đòi hỏi sự vào cuộc mạnh mẽ của các cấp, các ngành và mỗi cá nhân. Vì vậy, Agribank đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, phổ biến kiến thức về an ninh mạng, phương thức thủ đoạn của tội phạm lừa đảo cho khách hàng và cộng đồng.

Agribank đã triển khai các hình thức cảnh báo, cũng như phát hành nhiều sản phẩm tuyên truyền, nâng cao nhận thức của khách hàng về các phương thức lừa đảo hiện nay như: chuyên mục “Vấn đề bạn hỏi”, Podcast “Tips nhỏ bỏ túi”, các maket cảnh báo… Qua đó, khách hàng có thể tìm hiểu, cập nhật kiến thức để phòng tránh, đề cao cảnh giác. Đây là một trong những nhiệm vụ, trách nhiệm Agribank luôn chú trọng triển khai, góp phần xây dựng môi trường mạng an toàn, lành mạnh, bảo vệ vững chắc sự ổn định chính trị đất nước.

Agribank đã triển khai các hình thức cảnh báo, phát hành nhiều sản phẩm tuyên truyền, nâng cao nhận thức của khách hàng về các phương thức lừa đảo.
Ảnh: Agibank

Trên hành trình chuyển đổi số, Agribank luôn đi đầu trong việc tuân thủ cao nhất các yêu cầu của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước, đầu tư mạnh mẽ cho hệ thống hạ tầng công nghệ nhằm mang đến trải nghiệm giao dịch thanh toán liền mạch, bảo mật và an toàn cho khách hàng. Việc đưa ứng dụng căn cước công dân gắn chip trong hoạt động ngân hàng khẳng định sự quyết tâm của ngành Ngân hàng nói chung và Agribank nói riêng trong việc tiếp tục triển khai hiệu quả các nhiệm vụ tại Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030./.

Tin liên quan

Xem thêm