Văn hóa

Đề xuất bảo tồn tại chỗ thuyền cổ độc nhất vô nhị tại Việt Nam

Bắc Ninh

Sau thời gian khai quật khẩn cấp, di tích thuyền cổ đã xuất lộ toàn bộ dấu tích, có thể nhận diện toàn bộ quy mô, cấu trúc, vật liệu và kỹ thuật chế tạo của thuyền.

Phó Giáo sư Tiến sĩ Bùi Minh Trí, Viện Khảo Cổ học nhận định, đây là loại hình thuyền mang tính quốc tế, ảnh hưởng của khu vực châu Á Thái Bình Dương, được gọi là thuyền song thân. 
Ảnh: Đỗ Huyền - TTXVN

Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bắc Ninh Nguyễn Văn Đáp cho biết, qua khai quật hiện trạng thuyền cổ được phát hiện vào tháng 1/2025 được đánh giá là chiếc thuyền độc nhất vô nhị tại Việt Nam ở khu Công Hà, phường Hà Mãn, thị xã Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh cho thấy, đây là chiếc thuyền có niên đại từ thời Lý đến thời Trần. Sau khi tham khảo ý kiến các nhà khoa học, chuyên gia, ngành văn hóa, thể thao và du lịch tỉnh Bắc Ninh đề xuất bảo tồn tại chỗ thuyền cổ này.

* Thuyền 2 lòng độc nhất vô nhị từng được phát hiện

Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bắc Ninh Nguyễn Văn Đáp cho biết: Sau thời gian thực hiện khai quật khẩn cấp, di tích thuyền cổ đã xuất lộ toàn bộ dấu tích, qua đó có thể nhận diện toàn bộ quy mô, cấu trúc, vật liệu và kỹ thuật chế tạo của thuyền.

Chiếc thuyền cổ được phát hiện gồm 2 thuyền có kích thước tương đồng, dài hơn 16m, rộng khoảng 2m, lòng sâu nhất 2,15m, nằm trên lòng sông Dâu (đến nay trải qua thời gian dòng sông này đã không còn nữa). Hai khối kết cấu này có quy mô tương tự, nằm cách nhau 2,3m và được đấu nối với nhau bằng tấm gỗ ở phần đầu nhằm cố định với nhau.

Đặc biệt, đáy thuyền có kết cấu độc mộc, đường kính rộng nhất là 0,95m. Thân thuyền được nối từ đáy lên đến mép trên của mạn thuyền bằng các tấm ván. Về tổng thể, toàn bộ 2 thân thuyền được chế tác cùng kỹ thuật đục thân cây độc mộc, ghép các dải ván bằng mộng, sau đó các mộng được chốt lại bằng đinh gỗ. Kỹ thuật phức tạp nhất thể hiện ở phần đầu và đuôi thuyền, đó là vị trí nối giữa phần đáy độc mộc và ván bửng được khóa chặt với nhau, cố định bằng 4 trụ gỗ có kích thước tương tự nhau 5cm x 5cm. Đây là kỹ thuật lần đầu tiên thấy được trong kỹ thuật đóng tàu thuyền cổ ở Việt Nam và thế giới.

Căn cứ vào những chi tiết như đinh thuyền được làm bằng gỗ, nối ván bằng móc và thanh gỗ bằng nhau, các nhà khảo cổ cho rằng có thể niên đại của thuyền từ khoảng từ thế kỷ XI - XIV, thuộc vào thời nhà Lý. 
Ảnh: Đỗ Huyền - TTXVN

Từ kết quả khai quật khẩn cấp trên hiện trường, ý kiến các chuyên gia, nhà khoa học cho thấy đây là loại hình thuyền hai thân, dấu tích phát lộ trên hiện trường chính là hai phần thân còn lại chìm hoàn toàn dưới nước, có chức năng như là hai phao đỡ toàn bộ kết cấu bên trên. Kết cấu bên trên đã bị mất hoàn toàn, có thể là do bị tháo dời.

Căn cứ trên các nguồn tài liệu về thuyền cổ Việt Nam và trên thế giới, các nhà khoa học đánh giá đây là di tích thuyền có quy mô, cấu trúc và kỹ thuật phức tạp nhất, duy nhất phát hiện được cho đến nay không chỉ ở Việt Nam mà còn trên thế giới. Về niên đại, căn cứ vào kỹ thuật đóng thuyền, các nhà khoa học cho rằng loại thuyền này thường có niên đại sớm và có thể được đóng tại Việt Nam, là sự phát triển tiếp nối của kỹ thuật đóng thuyền thời văn hóa Đông Sơn thông qua việc so sánh phần đáy của 2 thân với kết cấu độc mộc và kỹ thuật mộng ghép. Căn cứ trên các tài liệu thuyền của Trung Quốc và thế giới, có ý kiến cho rằng, thuyền có niên đại trong khoảng từ thế kỷ 11 đến thế kỷ 14 (thời Lý và thời Trần) và không thể muộn hơn thế kỷ 15, có ảnh hưởng kỹ thuật từ phía Nam lên.

* Đề xuất hướng bảo tồn tại chỗ

Trên cơ sở thực trạng xuất lộ di tích, hiện trường khai quật, kiến nghị của Viện Khảo cổ học, Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Bắc Ninh kiến nghị UBND tỉnh cho phép thực hiện phương án giữ nguyên trạng tại chỗ di tích thuyền cổ tại hiện trường. Đây là giải pháp tối ưu nhất để bảo vệ và phát huy giá trị của di tích bởi di dời nguyên trạng di tích là bất khả kháng trong điều kiện quy mô của di tích rất lớn (khoảng 100m2).

Mỗi chiếc thuyền có chiều dài 16m, rộng từ 1.95m đến 2m kích thước rất lớn là loại độc đáo trong lịch sử khảo cổ học Việt Nam. 
Ảnh: Thái Hùng - TTXVN

Để thực hiện, Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh chủ trì, phối hợp với Viện Khảo cổ học và các cơ quan, đơn vị liên quan thực hiện bảo tồn khẩn cấp di tích theo phương án tạm thời lấp cát để bảo vệ nguyên trạng di tích sau khi kết thúc công tác nghiên cứu và tư liệu hóa di tích tại hiện trường. Phương án này được thực hiện một cách khoa học, tương tự như đã thực hiện đối với các di sản khảo cổ khác đã được thực hiện.

Cùng với đó, Bắc Ninh thiết lập hàng rào bảo vệ, biển báo về khu vực di tích, cấm các hoạt động xây dựng, khai thác tài nguyên trái phép trong phạm vi bảo vệ; đồng thời, giám sát thường xuyên: Cử cán bộ chuyên trách hoặc phối hợp với cộng đồng địa phương thường xuyên theo dõi tình trạng di tích, phát hiện và xử lý kịp thời các nguy cơ xâm hại… Đặc biệt, tỉnh ứng dụng công nghệ tiên tiến: Sử dụng các phương pháp bảo quản hiện đại để chống lại sự phân hủy của vật liệu gỗ, như xử lý hóa chất bảo quản, kiểm soát độ ẩm, nhiệt độ.

Song song với đó, Bắc Ninh tiếp tục mở rộng nghiên cứu để nhận diện giá trị của di tích trên tổng thể không gian sông Dâu trong lịch sử. Tổ chức Hội thảo khoa học quốc tế với sự tham gia của các chuyên gia đầu ngành về thuyền cổ, lịch sử, văn hóa và các khoa học liên quan nhằm đánh giá giá trị di tích trong không rộng hơn, đồng thời tư vấn về giải pháp bảo tồn lâu dài và phát huy giá trị của di tích.

Về vấn đề phát huy giá trị văn hóa của di tích, ông Nguyễn Văn Đáp cho biết, ngành sẽ thiết kế tour du lịch văn hóa kết hợp tham quan thuyền cổ với các di tích lịch sử, văn hóa khác trong khu vực thành cổ Luy Lâu, thị xã Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh. Thực hiện việc trưng bày, giới thiệu và diễn giải tại chỗ di tích thuyền cổ bằng hình ảnh và công nghệ 3D, hoặc có thể phục dựng nguyên bản, thu nhỏ tỷ lệ di tích phục vụ trưng bày, tạo cảm giác trực quan đối với khách tham quan…/.

Thanh Thương

Xem thêm