Với chủ đề “Bảo tồn - gắn kết - lan tỏa”, tọa đàm là dịp để các nhà quản lý văn hóa, nhà nghiên cứu khoa học nhìn nhận, đánh giá lại thực trạng trang phục truyền thống của các dân tộc thiểu số ở Bình Thuận.
Chiều 13/12, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bình Thuận tổ chức Tọa đàm khoa học "Thực trạng và giải pháp bảo tồn, phát huy trang phục truyền thống các dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn tỉnh Bình Thuận".
Với chủ đề “Bảo tồn - gắn kết - lan tỏa”, tọa đàm là dịp để các nhà quản lý văn hóa, nhà nghiên cứu khoa học nhìn nhận, đánh giá lại thực trạng trang phục truyền thống của các dân tộc thiểu số ở Bình Thuận. Đồng thời đề xuất các mô hình, giải pháp hay trong bảo tồn, phát huy giá trị trang phục truyền thống dân tộc thiểu số tại địa phương.
Bình Thuận là vùng đất có đông đồng bào dân tộc thiểu số, với hơn 104.000 người thuộc 34 dân tộc (chiếm 8% dân số toàn tỉnh). Trong đó, nhiều nhất là các dân tộc Chăm, Raglai, K’ho, Hoa…
Ông Bùi Thế Nhân, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh cho biết, hệ thống di sản văn hóa phi vật thể của cộng đồng các dân tộc ở Bình Thuận rất phong phú và đa dạng, đóng góp những giá trị quan trọng, phản ánh nhiều lĩnh vực văn hóa, phong tục tập quán, tín ngưỡng và nghệ thuật liên quan đến đời sống kinh tế - xã hội. Trong đó, trang phục là loại hình di sản văn hóa phi vật thể ra đời tương đối sớm, mang đậm chất riêng, luôn được tích lũy, bồi đắp theo diễn trình phát triển của lịch sử.
Theo ông Bùi Thế Nhân, trang phục truyền thống của các dân tộc thiểu số ở Bình Thuận về nội dung rất mộc mạc, đậm chất dân tộc, gắn với điều kiện tự nhiên; không chỉ phản ánh văn hóa của cộng đồng mà còn lưu giữ những sắc thái về lịch sử, văn hóa qua quá trình tồn tại, phát triển của từng tộc người. Tuy nhiên, với xu hướng phát triển của cơ chế thị trường và giao lưu văn hóa đang diễn ra đa chiều giữa các vùng miền như hiện nay, trang phục truyền thống của đồng bào đang có nguy cơ mai một, biến đổi và mất dần những giá trị văn hóa mang tính đặc trưng của từng cộng đồng dân tộc. Trang phục truyền thống không còn được người dân sử dụng phổ biến trong đời sống, sinh hoạt thường ngày mà chỉ được dùng dịp Tết, lễ hội, lễ nghi tín ngưỡng cộng đồng. Nghề dệt, may trang phục của người Chăm, Raglai; K’ho, Chơ ro… dần mai một.
Theo ông Trần Xuân Phong, Phó Giám đốc Bảo tàng tỉnh Bình Thuận, để bảo tồn và phát huy trang phục truyền thống dân tộc thiểu số, cần có thêm nhiều chủ trương, chính sách, chương trình, đề án, dự án để hỗ trợ các hoạt động bảo tồn và gìn giữ giá trị văn hóa truyền thống. Các cấp chính quyền địa phương, mặt trận và tổ chức đoàn thể cấp xã cần đẩy mạnh việc tuyên truyền, giáo dục để nâng cao nhận thức cho cộng đồng các dân tộc thiểu số, nhất là già làng, trưởng bản, người uy tín, chức sắc, nghệ nhân, trí thức và thế hệ trẻ trong việc bảo tồn, phát huy giá trị trang phục truyền thống của cộng đồng.
Nghệ nhân Lâm Tấn Bình, nguyên Giám đốc Trung tâm trưng bày văn hóa Chăm tỉnh Bình Thuận cho rằng, bảo tồn, phát huy trang phục truyền thống trước hết phải bảo tồn ngay từ cái gốc của chủ thể văn hóa. Có nghĩa là chính đồng bào dân tộc đó phải có trách nhiệm cao trong việc bảo vệ, gìn giữ và duy trì mặc trang phục truyền thống thường xuyên trong đời sống, sinh hoạt cộng đồng. Do đó, cần chú trọng giáo dục cho các thế hệ đương thời thấy được nét đẹp độc đáo, riêng biệt trong trang phục truyền thống của dân tộc mình./.