Văn hóa

Gìn giữ nét đẹp bản sắc dân tộc S’tiêng trên vùng đất anh hùng

Bình Phước

Bằng những việc làm cụ thể, chị Điểu Thị Xia đã góp phần giúp địa phương tuyên truyền để đồng bào dân tộc thiểu số phát huy và gìn giữ nét đẹp bản sắc dân tộc S’tiêng; tích cực vận động bà con tham gia nhiều chương trình, lễ hội của địa phương.


Chị Điểu Thị Xia giới thiệu sản phẩm thổ cẩm với lãnh đạo tỉnh Bình Phước. 
Ảnh: K GỬIH - TTXVN

Tại vùng đất anh hùng sóc Bom Bo thuộc huyện Bù Đăng (tỉnh Bình Phước) có nhiều người trẻ tâm huyết trong việc giữ gìn, bảo tồn bản sắc văn hóa đồng bào dân tộc thiểu số. Chị Điểu Thị Xia (36 tuổi) ở thôn Bom Bo (xã Bình Minh, huyện Bù Đăng) là một người như thế.

Chị Điểu Thị Xia là người dân tộc S’tiêng, xuất thân từ một gia đình nông dân nhiều khó khăn. Từ nhỏ, chị Xia đã đam mê, tự hào và yêu thích nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc mình nên đã học mẹ cách sử dụng khung cửi dệt thổ cẩm, nhuộm màu bông đã được se thành sợi, cách phối màu trên hoa văn… để tạo nên sản phẩm thổ cẩm đẹp. Không chỉ sắc sảo trong từng đường nét dệt thổ cẩm, chị Điểu Thị Xia còn học và biết chế biến các món ăn truyền thống của dân tộc mình như canh thục, canh bồi, cơm lam…; chế biến rượu cần tặng người thân vào những dịp quan trọng.

Theo chị Điểu Thị Xia, hơn 10 năm trở lại đây, mạng xã hội phát triển mạnh mẽ cùng với các thiết bị thông minh. Bên cạnh mặt tích cực, mạng xã hội còn tồn tại những mặt trái ảnh hưởng đến đời sống văn hóa tinh thần của giới trẻ dân tộc thiểu số. Sự giao thoa văn hóa đã ít nhiều thay đổi cách nhìn và tư duy của một bộ phận đồng bào dân tộc thiểu số về văn hóa truyền thống dẫn đến nét đẹp văn hóa bị mai một, lãng quên. Vì vậy năm 2015, chị Xia cùng 20 phụ nữ trong thôn thành lập Tổ dệt thổ cẩm - rượu cần thôn Bom Bo. Không chỉ duy trì nghề truyền thống của dân tộc, Tổ còn giúp các thành viên có thêm nguồn thu từ sản phẩm bán cho khách hàng.

Với vai trò là Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Bình Minh, chị Xia luôn chủ động hướng dẫn, truyền đạt lại cho bà con kinh nghiệm, kiến thức. Chị tham gia hỗ trợ các lớp truyền dạy nghề truyền thống do các cấp tổ chức trên địa bàn; đứng ra phát động thành lập hội nhóm chị em phụ nữ trong sóc gồm 16 thành viên của 16 hộ gia đình trồng được 2 héc ta rau nhíp. Đây là nguyên liệu chính để nấu món đặc sản canh thục của dân tộc S'tiêng. Đầu ra sản phẩm lá nhíp là các quán ăn, nhà hàng, chợ huyện, tỉnh... Trồng rau nhíp tạo thêm thu nhập cho thành viên trong tổ từ 3-5 triệu đồng/người/tháng.

Chị Điểu Thị Xia giới thiệu sản phẩm thổ cẩm với Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước Trần Tuệ Hiền. 
Ảnh: K GỬIH - TTXVN

“Trong thời gian tới, tôi sẽ phối hợp với chính quyền địa phương tiếp tục tuyên truyền, vận động, làm thay đổi nhận thức của giới trẻ nói chung, người dân tộc thiểu số nói riêng tầm quan trọng của việc bảo tồn, giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống. Tôi sẽ tiếp tục truyền đạt cho thế hệ trẻ về nghề dệt thổ cẩm, nấu rượu cần, cách chế biến các món đặc sản của dân tộc mình; đồng thời nghiên cứu sâu hơn nữa các phương án quảng bá sản phẩm văn hóa truyền thống để được người tiêu dùng đón nhận nhiều hơn”, chị Điểu Thị Xia chia sẻ.

Ông Điểu Mớ, người có uy tín xã Bình Minh nhận xét, Điểu Thị Xia là một trong những người thuộc thế hệ trẻ năng động. Chị Xia thường xuyên tuyên truyền, vận động người dân địa phương xóa bỏ các hủ tục, tập quán lạc lậu, mê tín dị đoan, xây dựng nếp sống văn minh, phát triển kinh tế. Chị Xia còn truyền nghề cho chị em tại sóc thành thạo dệt thổ cẩm, nấu rượu cần hoặc các món ăn truyền thống.

Theo Giám đốc Trung tâm Văn hóa, Thể thao và Đài Truyền thanh - Truyền hình huyện Bù Đăng Phạm Anh Tuấn, chị Điểu Thị Xia đã góp phần giúp địa phương tuyên truyền để đồng bào dân tộc thiểu số phát huy và gìn giữ nét đẹp bản sắc dân tộc S’tiêng; tích cực vận động bà con tham gia nhiều chương trình, lễ hội của địa phương. Những sản phẩm thổ cẩm, rượu cần, cơm lam của chị được trưng bày dịp tổ chức lễ hội tại Khu bảo tồn văn hóa S’tiêng sóc Bom Bo đã mang lại hình ảnh đặc sắc của dân tộc S’tiêng./.

K Gửi H

Xem thêm