Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đang xây dựng chính sách mới, dự kiến sẽ điều chỉnh mức phụ cấp ưu đãi nghề nghiệp từ 15% lên 25% và từ 20% lên 30% cho các viên chức và người lao động trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn.
Theo Phó Giáo sư, Tiến sỹ Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội: Xét tổng thể, chính sách hỗ trợ nghệ nhân, nghệ sĩ trẻ nằm trong chính sách hỗ trợ nghệ nhân, nghệ sĩ nói chung. Đảng và Nhà nước đã thể hiện sự quan tâm sâu sắc đối với việc đào tạo nhân lực văn hóa, nghệ thuật thông qua việc ban hành nhiều chính sách hỗ trợ.
Tuy vậy, theo các chuyên gia, dù đã được tạo điều kiện nhưng các nghệ sĩ, diễn viên vẫn đang gặp phải những khó khăn nhất định do liên quan đến bất cập về cơ chế chính sách, cần sớm được tháo gỡ.
Hiện nay, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đang đề xuất xây dựng một Nghị định mới nhằm quy định các chế độ và chính sách đối với viên chức và người lao động chuyên môn trong các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn. Chính sách này dự kiến sẽ điều chỉnh mức phụ cấp ưu đãi nghề nghiệp từ 15% lên 25% và từ 20% lên 30% cho các viên chức và người lao động trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn.
Bởi hiện nay, quy định chế độ phụ cấp còn ở mức thấp, chưa đầy đủ. Ngoài lương, theo quy định, các nghệ sĩ được hưởng phụ cấp ưu đãi nghề 15% theo hệ số lương (với nhạc công) và 20% (với diễn viên); phụ cấp độc hại (hay gọi thanh sắc) là 0,3% (với diễn viên) và 0,2% (với nhạc công). Nhưng khoản này cũng là không đáng kể. Nhiều vị trí việc làm trong các thiết chế văn hóa còn chưa sắp xếp được phụ cấp hợp lý hoặc định mức thù lao, bồi dưỡng phù hợp.
Quyết định số 14/2015/QĐ-TTg quy định mức bồi dưỡng luyện tập, bồi dưỡng biểu diễn theo mức tiền cụ thể chế độ bồi dưỡng luyện tập thấp nhất là 35.000 đồng/buổi tập và mức cao nhất là 80.000 đồng/buổi tập; chế độ bồi dưỡng biểu diễn thấp nhất là 80.000 đồng/buổi biểu diễn và cao nhất là 200.000 đồng/buổi biểu diễn. Tuy nhiên, từ năm 2015 đến nay, sau 6 lần tăng lương cơ sở, mức tiền bồi dưỡng vẫn giữ nguyên, không theo kịp so với nhu cầu của cuộc sống, vì vậy không khích lệ, động viên được viên chức, người lao động chuyên môn trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn.
Một trong những thách thức lớn là tính chất đặc thù của ngành nghệ thuật, nơi yêu cầu nguồn nhân lực phải có sức trẻ và sức khỏe. Thế nhưng chính sách tuổi nghỉ hưu đối với viên chức trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn chưa phù hợp.
Hiện nay, các đơn vị sự nghiệp công lập nghệ thuật biểu diễn tồn tại nhiều diễn viên lớn tuổi nam từ trên 45 tuổi đến dưới 55 tuổi, nữ trên 40 tuổi đến dưới 50 tuổi trong biên chế, tuổi nghề đã hết, nhưng chưa đủ tuổi để nghỉ hưu, vẫn ở lại đơn vị khoảng 10- 15 năm hưởng lương và các chế độ khác để chờ đủ tuổi nghỉ hưu, gây khó khăn cho đơn vị sự nghiệp công lập trong quá trình thực hiện nhiệm vụ về sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy, khó khăn trong việc tuyển viên chức là các nghệ sĩ trẻ để nâng cao chất lượng biểu diễn nghệ thuật. Bất cập về tuổi nghỉ hưu và giải quyết chính sách bảo hiểm xã hội đối với viên chức, người lao động trở nên khó khăn hơn khi thực hiện quy định tăng tuổi nghỉ hưu theo Bộ luật Lao động năm 2019. Chính sách về hưu sớm hơn 5 năm so với quy định thông thường, nhưng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế.
Bên cạnh đó, nhiều thiết chế văn hóa đang phải đối mặt với vấn đề về tuổi tác của đội ngũ nhân viên: nhiều người có tuổi đời chưa cao, nhưng đã qua tuổi lao động hiệu quả. Việc tinh giản nhân sự một cách cơ học không phải là giải pháp khả thi, vì nếu giữ lại những nhân viên này mà không có sự hỗ trợ ngân sách từ Nhà nước, sẽ khó đảm bảo mức thu nhập ổn định cho họ. Điều này nhấn mạnh sự cần thiết của các chính sách hỗ trợ linh hoạt hơn, nhằm sắp xếp và bố trí công việc phù hợp với khả năng và tuổi tác của nhân viên, đồng thời đảm bảo nguồn tài chính cần thiết để duy trì hoạt động của các đơn vị nghệ thuật./.
(Bài viết có sự phối hợp của Vụ Pháp chế, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch)
- Từ khóa:
- Nghệ thuật biểu diễn
- chính sách
- phụ cấp
- nghỉ hưu