Văn hóa

Sửa đổi, bổ sung chính sách để nghệ sỹ toàn tâm toàn ý với nghề

Chế độ phụ cấp, chế độ bồi dưỡng cho việc luyện tập và biểu diễn dù đã được nâng lên nhưng vẫn ở mức khá thấp, chưa có tác dụng khích lệ, động viên người hoạt động nghệ thuật biểu diễn toàn tâm, toàn ý với công việc.

Các nghệ sỹ biểu diễn tuồng truyền thống.
Ảnh: Thanh Tùng-TTXVN

Chính phủ giao Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch xây dựng “Nghị định về một số chế độ, chính sách đối với viên chức, người lao động chuyên môn trong các đơn vị sự nghiệp nghệ thuật công lập” (ghi tại phụ lục, nhiệm vụ số 281). Để xây dựng Nghị định, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch đã rà soát, đánh giá thực trạng một số chính sách đối với viên chức, người lao động.

Theo kết quả rà soát, hiện nay, cả nước có 99 đơn vị sự nghiệp công lập về nghệ thuật biểu diễn, trong đó ở trung ương có 12 đơn vị, ở địa phương có 87 đơn vị (bao gồm 14 Trung tâm văn hóa nghệ thuật) đã thực hiện việc tổ chức lại theo tinh thần Nghị quyết số 19-NQ/TW ban hành ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trungương Đảng “về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập”.

Việc sắp xếp các đơn vị sự nghiệp công lập về nghệ thuật biểu diễn theo loại hình như sau: Nghệ thuật truyền thống tiêu biểu: 33 đơn vị (gồm chèo, tuồng, cải lương, múa rối, kịch dân ca); Nghệ thuật đương đại, hiện đại: 13 đơn vị; Nghệ thuật truyền thống kết hợp các yếu tố hiện đại: 41 đơn vị; Nghệ thuật tổng hợp: 12 đơn vị (bao gồm sân khấu, âm nhạc, múa, các loại hình diễn xướng dân gian từ truyền thống đến hiện đại).

Các nghệ sỹ biểu diễn xiếc
Ảnh: Thanh Hà - TTXVN

Lực lượng viên chức, người lao động hiện nay đang hoạt động tại các đơn vị sự nghiệp nghệ thuật công lập (hoạt động chuyên nghiệp) và trung 2 tâm văn hóa nghệ thuật (hoạt động từ nghệ thuật chuyên nghiệp đến nghệ thuật quần chúng và tuyên truyền viên). Trong cả nước, tổng số người làm việc tại các đơn vị sự nghiệp công lập về nghệ thuật biểu diễn có khoảng gần 5.000 người. Trong đó khoảng 3.200 người là hoạt động chuyên ngành nghệ thuật biểu diễn, còn lại là viên chức quản lý, viên chức với chức danh nghề nghiệp chuyên môn dùng chung (hành chính, tổng hợp, quản trị văn phòng, tổ chức cán bộ, kế hoạch tài chính) và các vị trí việc làm không giữ chức danh nghề nghiệp chuyên ngành của đơn vị sự nghiệp công lập.

Theo số liệu báo cáo gần đây của các đơn vị nghệ thuật công lập, số lượng diễn viên trong biên chế có độ tuổi từ 18-25 hầu như không có, từ 25-30 tuổi chiếm 5,6%; từ 30-40 tuổi chiếm 40%, còn lại đều trên 40 tuổi. Đây chính là đối tượng được hưởng chế độ ưu đãi nghề nghiệp, chế độ bồi dưỡng luyện tập và biểu diễn nghệ thuật chuyên nghiệp; đối tượng điều chỉnh về tuổi nghỉ hưu.

Tiết mục "Vũ điệu tâm linh" của Nhà hát múa rối Việt Nam.
Ảnh: Đức Phương-TTXVN

Diễn viên và lực lượng sáng tạo luôn là trung tâm của sân khấu biểu diễn, không có lực lượng này, không có nghệ thuật biểu diễn. Thực tế, lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn không thiếu những tài năng, có thanh, có sắc, song họ đang bị thu hút mạnh mẽ vào những lĩnh vực dễ trở thành sao như điện ảnh, ca múa nhạc giải trí hay sáng tạo nội dung số trên mạng xã hội...

Trong khi đó, với nghệ thuật truyền thống, nghệ thuật cổ điển để nổi tiếng thì phải dày công khổ luyện, học tập bền bỉ, có khi hơn chục năm. Ngay cả khi đã đạt được những thành tích nổi bật thì đa số đào, kép chính ở các nhà hát truyền thống, diễn viên chính, chính thứ ở các nhà hát nghệ thuật cổ điển vẫn phải tất tả mưu sinh, có khi họ phải làm các nghề không liên quan đến nghệ thuật như chạy xe công nghệ, bán hàng online... để trang trải cuộc sống.

Chế độ phụ cấp, chế độ bồi dưỡng cho việc luyện tập và biểu diễn dù đã được nâng lên nhưng vẫn ở mức khá thấp, chưa có tác dụng khích lệ, động viên người hoạt động nghệ thuật biểu diễn toàn tâm, toàn ý với công việc. Khi nghề chính không đảm bảo cuộc sống thì họ phải đi làm nghề phụ. Vì vậy, để khắc phục những khó khăn, cần phải sửa đổi, bổ sung những chính sách cần thiết giúp viên chức, người lao động chuyên môn có thu nhập tương xứng với tài năng, lòng nhiệt huyết, sự đam mê với nghề, yên tâm cống hiến cho nghệ thuật.

Đa số các viên chức, người lao động chuyên môn lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn tại các đơn vị nghệ thuật hiện đã lớn tuổi, một số viên chức lại kiêm nhiệm công tác quản lý đoàn biểu diễn dẫn đến gây ảnh hưởng lớn tới chất lượng các chương trình biểu diễn. Phần lớn viên chức, người lao động chuyên môn hiện nay chỉ có trình độ trung cấp (đặc biệt là ở các loại hình nghệ thuật: Múa, tuồng, chèo, cải lương, múa rối, xiếc, nhạc công ngành nghệ thuật truyền thống) được đào tạo tại các cơ sở đào tạo nghệ thuật chuyên nghiệp trong cả nước.

Họ là lực lượng nòng cốt biểu diễn trong các đơn vị sự nghiệp công lập, nhưng với trình độ trung cấp, thậm chỉ có chứng chỉ khi ký hợp đồng lao động theo yêu cầu công việc hoặc được tuyển vào biên chế thì mức lương rất thấp, nhiều người thiếu điều kiện, tiêu chuẩn nên không được nâng lương, ngạch, bậc trong quá trình công tác.

Việc chi trả khi người tham gia bảo hiểm gặp rủi ro theo quy định hiện hành là quá thấp so với mức độ nguy hiểm của viên chức, người lao động chuyên môn ở một số loại hình nghệ thuật đặc thù (như xiếc, ballet). Theo quy định hiện nay, chế độ chi trả bảo hiểm cho viên chức, người lao động chuyên môn lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn được áp dụng tương tự như lao động các ngành, nghề khác. Do đó, viên chức, người lao động chuyên môn lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn chưa yên tâm khi tham gia hoạt động biểu diễn, đặc biệt đối với những lĩnh vực nghệ thuật có tính chất nguy hiểm cao.../.

(Bài viết có sự phối hợp của Vụ Pháp chế, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch)

Thanh Giang

Xem thêm