Văn hóa

Kịp thời động viên nghệ sỹ, khích lệ sáng tạo, lao động nghệ thuật

Xây dựng chính sách nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn về phụ cấp, bồi dưỡng, tạo động lực để viên chức, người lao động chuyên môn yên tâm công tác tại đơn vị sự nghiệp công lập lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn.

Một cảnh trong vở chính kịch “Dưới bóng giai nhân”, cảm tác từ tác phẩm “Truyện Kiều” của đại thi hào Nguyễn Du do Nhà hát kịch Idecaf thực hiện.
Ảnh:  Lý Võ Phú Hưng

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thông tin: Tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chỉ đạo, một trong các giải pháp để chấn hưng, phát triển văn hóa là “Đổi mới chính sách đãi ngộ, sử dụng đối với đội ngũ văn nghệ sĩ và những người làm công tác văn hóa. Tôn vinh tài năng và cống hiến của họ cho sự phát triển văn hóa nước nhà. Bên cạnh việc tập trung nâng cao đời sống văn hóa ở cơ sở, cần phải chú trọng xây dựng và phát triển văn hóa đỉnh cao, phấn đấu có nhiều tài năng lớn ở các loại hình văn hóa, nghệ thuật, có những tác phẩm tầm cỡ, phản ánh được sâu sắc hiện thực đổi mới vĩ đại của đất nước, có ý nghĩa tích cực trong việc xây dựng nền văn hóa và con người Việt Nam hiện nay”.

Hiện nay, Quyết định số 14/2015/QĐ-TTg đã thể hiện sự quan tâm, chính sách đãi ngộ của Đảng, Nhà nước, phần nào khuyến khích, động viên các nghệ sỹ diễn viên trực tiếp tham gia luyện tập, biểu diễn yên tâm công tác, đồng thời nâng cao đời sống, tạo điều kiện cho người lao động nghệ thuật phát huy sức sáng tạo, phục vụ nhân dân, góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam biểu diễn.
Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN

Quyết định này đã quy định rõ vị trí chuyên môn nghề nghiệp trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn như diễn viên đóng vai chính, thứ chính, vai phụ trong vở diễn sân khấu, nhạc kịch, vũ kịch, xiếc, rối; diễn viên hát chính, thứ chính, diễn viên múa chính, thứ chính; nhạc công độc tấu (solist), nhạc công trong dàn nhạc; chỉ huy dàn nhạc giao hưởng nhạc vũ kịch, dàn nhạc giao hưởng, hợp xướng, dàn nhạc sân khấu truyền thống; nhân viên hậu đài, hóa trang, phục trang, đạo cụ…

Đây còn là cơ sở để xây dựng vị trí việc làm áp dụng đối với viên chức chuyên môn, chuyên ngành trong các đơn vị sự nghiệp nghệ thuật biểu diễn công lập. Tuy nhiên, qua nhiều năm thực hiện Quyết định số 14 đã bộc lộ một số hạn chế, bất cập về đối tượng được hưởng, mức hưởng về chế độ phụ cấp ưu đãi nghề nghiệp, chế độ bồi dưỡng luyện tập, biểu diễn.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng nêu rõ, nghệ thuật biểu diễn đã có sự phát triển nhất định, nhiều tác phẩm, chương trình nghệ thuật biểu diễn phong phú, đa dạng, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ của công chúng. Nhưng so với các lĩnh vực khác, thành quả lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn chưa tương xứng, sức lan tỏa còn hạn chế. Một trong những nguyên nhân là cơ chế, chính sách đặc thù dành cho viên chức, người lao động chuyên môn trong các đơn vị sự nghiệp công lập nghệ thuật biểu diễn chưa theo kịp với thực tiễn phát triển, chưa kịp thời động viên, khích lệ sáng tạo, lao động nghệ thuật.

Màn trình diễn nhạc cụ dân tộc đến từ Đoàn nhạc cụ dân tộc Hồn Việt Thành phố Hồ Chí Minh. 
Ảnh: Thu Hương - TTXVN

Do đó, Chính phủ giao Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch xây dựng “Nghị định về một số chế độ, chính sách đối với viên chức, người lao động chuyên môn trong các đơn vị sự nghiệp nghệ thuật công lập" nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn về phụ cấp, bồi dưỡng, tạo động lực để viên chức, người lao chuyên môn yên tâm công tác tại đơn vị sự nghiệp công lập lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn. Từ đó góp phần sáng tạo ra các tác phẩm chất lượng cao phục vụ nhân dân, đồng thời tạo điều kiện cho người lao động được hưởng chế độ ưu đãi về tuổi nghỉ hưu khi đã hết tuổi lao động nghệ thuật…/.

(Bài viết có sự phối hợp của Vụ Pháp chế, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch)

Thanh Giang

Xem thêm