Văn hóa

Điều chỉnh chính sách để đồng bộ hành lang pháp lý về đào tạo nghệ thuật đặc thù

Thực tiễn cho thấy cần quan tâm, điều chỉnh bổ sung cho phù hợp, tạo ra sự đồng bộ trong hệ thống pháp luật, hành lang pháp lý, chế độ chính sách ưu đãi từ đào tạo, phát triển và sử dụng nguồn nhân lực nghệ thuật

Đào tạo nguồn nhân lực nghệ thuật là ngành mang tính đặc thù cao.
Ảnh: Thanh Tùng- TTXVN

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã đề xuất quy định pháp luật về đào tạo lĩnh vực nhệ thuật đặc thù: Xây dựng và đề xuất Chính phủ xem xét ban hành Nghị định quy định về đào tạo các ngành chuyên sâu, nghề chuyên môn đặc thù trong lĩnh vực nghệ thuật. Hiện nay, dự thảo đã lấy ý kiến thành viên Chính phủ, Bộ VHTTDL đang phối hợp với các Bộ, ngành liên quan hoàn thiện dự thảo để trình Chính phủ ban hành.

Nguyên nhân là do đào tạo nguồn nhân lực nghệ thuật mang tính đặc thù cao. Thời gian qua, hoạt động đào tạo, phát triển nguồn nhân lực nghệ thuật được quan tâm ở Việt Nam, hệ thống cơ sở đào tạo, ngành đào tạo đã có những bước phát triển mạnh mẽ, chế độ, chính sách ưu đãi đối với người học được quan tâm triển khai. Tuy nhiên, thực tiễn vẫn đặt ra nhiều vấn đề cần được quan tâm, điều chỉnh bổ sung cho phù hợp, tạo ra sự đồng bộ trong hệ thống pháp luật, hành lang pháp lý, chế độ chính sách ưu đãi từ đào tạo, phát triển và sử dụng nguồn nhân lực nghệ thuật, góp phần phát triển lĩnh vực văn hóa nghệ thuật theo đúng mục tiêu của Đảng và Nhà nước đã đặt ra.

Các nghệ sỹ tuồng Việt Nam biểu diễn. 
Ảnh: TTXVN phát

Phó Giáo sư, Tiến sỹ Lê Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Đào tạo, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thông tin: Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, tính đến tháng 8/ 2024, cả nước có 56 cơ sở đào tạo đại học có đào tạo các ngành, chuyên ngành liên quan đến lĩnh vực nghệ thuật, trong đó có 26 cơ sở đào tạo các ngành, chuyên ngành chuyên sâu đặc thù; có 139 cơ sở giáo dục nghề nghiệp có đào tạo các ngành, nghề chuyên môn liên quan đến nghệ thuật, trong đó có 43 cơ sở có đào tạo các ngành, nghề chuyên môn đặc thù lĩnh vực nghệ thuật. Các cơ sở đào tạo trực thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có 16 cơ sở, gồm 10 trường đại học, học viện; 3 trường cao đẳng; 2 trường trung cấp và 1 Viện nghiên cứu có chức năng đào tạo tiến sĩ.

Hiện nay, các cơ sở đào tạo đang triển khai đào tạo 138 ngành lĩnh vực nghệ thuật, gồm: 8 ngành trình độ thạc sĩ, 34 ngành trình độ đại học, 38 ngành trình độ cao đẳng và 54 ngành trình độ trung cấp; chưa tính các ngành thuộc lĩnh vực mỹ thuật ứng dụng. Ngoài ra, tại các cơ sở đào tạo, nhiều chuyên ngành cũng được tổ chức đào tạo rất đa dạng và phong phú

Thêm vào đó, đào tạo nghệ thuật đã được hoàn thiện các trình độ từ trung cấp cho đến sau đại học. Việc đào tạo nghệ thuật được tổ chức theo hình chóp, số lượng các ngành giảm dần từ trình độ trung cấp đến trình độ tiến sĩ từ 54 ngành đến 4 ngành.

Dàn nhạc Giao hưởng trẻ Việt Nam.
Ảnh: Thanh Tùng - TTXVN

Đặc biệt, nhằm thu hút nguồn tuyển và nâng cao chất lượng đào tạo các ngành nghệ thuật chuyên sâu đặc thù, những năm qua Nhà nước đã có chính sách thiết thực, hỗ trợ miễn giảm học phí, bồi dưỡng nghề, hỗ trợ trang thiết bị cho học sinh, sinh viên học các ngành nghệ thuật trong các trường văn hóa, nghệ thuật. Chính sách đã tạo điều kiện, khuyến khích học sinh, sinh viên có năng khiếu, tài năng, vùng sâu, vùng xa hoặc có hoàn cảnh khó khăn tham gia học tập... góp phần nâng cao chất lượng đào tạo và bảo tồn, phát triển các loại hình nghệ thuật truyền thống, dân tộc.

Cụ thể: Ngày 18/4/2005, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 82/2005/QĐ-TTg về chế độ ưu đãi đối với học sinh, sinh viên các bộ môn nghệ thuật truyền thống và đặc thù trong các trường văn hóa - nghệ thuật (Quyết định số 82/2005/QĐ-TTg) và ngày 21/7/2014 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 41/2014/QĐ-TTg về chế độ ưu đãi đối với học sinh, sinh viên các ngành nghệ thuật truyền thống và đặc thù trong các trường văn hóa - nghệ thuật (Quyết định số 41/2014/QĐ-TTg). Nghị định số 81/2021/NĐ-CP ngày 27/8/2021 của Chính phủ quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập; giá dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục đào tạo đã quy định 8 đối tượng ưu đãi thuộc Quyết định số 41/2014/QĐ-TTg vào Nghị định.

Cùng với đó Đề án Đào tạo tài năng trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật giai đoạn 2016- 2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Quyết định số 1341/QĐ-TTg, ngày 8/7/2016). Đề án Đào tạo nhân lực văn hóa nghệ thuật ở nước ngoài đến năm 2030 (Quyết định số 1437/QĐ-TTg, ngày 19/7/2016) đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề xuất Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Học sinh, sinh viên được tuyển sinh theo đề được hỗ trợ học phí, sinh hoạt phí của khóa học từ ngân sách nhà nước theo quy định hiện hành (Thông tư số 54/2022/TT-BTC). Hiện nay, các đề án này đã và đang được được tổ chức triển khaithực hiện.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã xây dựng và tổ chức thực hiện Dự án đào tạo, bồi dưỡng diễn viên và nhạc công cho 4 nhà hát trực thuộc Bộ theo cơ chế đặt hàng (giai đoạn 2014 - 2020). Tổng số diễn viên, nhạc công được đào tạo trình độ trung cấp: 110 người, trong đó: Nhà hát Tuồng Việt Nam (31), Nhà hát Chèo Việt Nam (20), Nhà hát Cải lương Việt Nam (18) và Nhà hát ca múa nhạc Việt Nam (41). Đồng thời, đã đề xuất với Thủ tướng Chính phủ xây dựng Đề án đào tạo các ngành nghệ thuật hiếm, khó tuyển sinh và đặc thù đến năm 2030. Hiện nay Bộ đang chỉ đạo các cơ quan tham mưu phối hợp với các cơ sở đào tạo xây dựng định mức kinh tế kỹ thuật để có căn cứ tổ chức thực hiện. Đề án sẽ được triển khai đến năm 2030 cho đến khi hết chỉ tiêu.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội trong xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật phù hợp hơn với tính đặc thù của lĩnh vực nghệ thuật. Đồng thời đề xuất Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội bổ sung, ban hành danh mục các ngành, nghề học nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, gồm: 23 ngành, nghề trình độ trung cấp và 13 ngành, nghề trình độ cao đẳng (Thông tư số 05/2023/TT-BLĐTBXH ngày 15/6/2023).../.

(Bài viết có sự phối hợp của Vụ Pháp chế, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch)

Thanh Giang

Tin liên quan

Xem thêm