Các chuyên gia trẻ đề xuất : Có chính sách khuyến khích, ưu đãi trong sử dụng tiết kiệm, giảm thiểu thất thoát, lãng phí tài nguyên nước...
TTXVN - Nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình trao đổi thông tin, chia sẻ kinh nghiệm, tập huấn nâng cao năng lực cho các cán bộ, nhà khoa học, chuyên gia trẻ ngành nước tại Việt Nam, ngày 6/12, tại Vĩnh Phúc, Cục Quản lý tài nguyên nước (Bộ Tài nguyên và Môi trường) phối hợp với Bộ Ngoại giao và Thương mại Australia (DFAT), Cơ quan hợp tác ngành nước của Australia (AWP) tổ chức Hội thảo “Giải quyết thách thức tài nguyên nước Việt Nam”.
Theo bà Laura Beckwith, Cơ quan hợp tác ngành nước của Australia, Việt Nam là một trong những quốc gia hứng chịu nhiều thảm họa thiên tai nhất Đông Nam Á, Thái Bình Dương. Việc bảo đảm nguồn nước, cấp nước an toàn của Việt Nam đang gặp nhiều thách thức lớn như: Thiếu nước, phân bố nước không đều theo không gian, thời gian; tác động của biến đổi khí hậu; ô nhiễm nguồn nước…Cùng với đó, khả năng tiếp cận nước sạch an toàn chưa cao; hiệu quả sử dụng nước thấp; nguồn lực để giải quyết tổng thể vấn đề an ninh nguồn nước còn hạn chế. Hệ lụy là tài nguyên nước Việt Nam đang quá thiếu, ô nhiễm, là nguyên nhân làm chậm tăng trưởng kinh tế - xã hội. Trước những thách thức đó, bà Laura Beckwith cho rằng, việc tăng cường năng lực cho các cán bộ quản lý tài nguyên nước và các nhà khoa học trẻ, chuyên gia trẻ tham gia giải quyết và ứng phó với thách thức về tài nguyên nước là rất cấp thiết.
Thông tin về đảm bảo tiếp cận nước sạch tại khu vực miền núi phía Bắc, chuyên gia tài nguyên nước Nguyễn Đức Vinh, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu, tư vấn và đào tạo về phát triển địa phương cho biết, miền núi phía Bắc là địa bàn sinh sống của trên 11,6 triệu người thuộc hơn 30 dân tộc anh em. Trong số này, có 79,7% dân số nông thôn miền núi phía Bắc được cung cấp nước hợp vệ sinh.
Đề xuất các giải pháp tiếp cận nước sạch tại khu vực miền núi phía Bắc thời gian tới, ông Nguyễn Đức Vinh cho biết, trước hết các khu vực này cần cải tạo, duy tu hệ thống hiện có dựa vào tiếp cận phát triển cộng đồng dựa vào nội lực; phát huy văn hóa, truyền thống liên quan đến bảo vệ nguồn nước; ứng dụng các công nghệ tiên tiến và giải pháp phù hợp để thu gom và sử dụng nước mưa như: Công nghệ thu hoạch sương mù giúp thu thập giọt nước từ sương mù và ngưng tụ thành nước sạch; ATM nước...
Chia sẻ về giải pháp về nguồn nước cho các đảo, cụm đảo tại Việt Nam, anh Lê Văn Mạnh, cán bộ Trung tâm Thẩm định và Kiểm định tài nguyên nước, Cục Quản lý tài nguyên nước cho biết, các đảo, cụm đảo có vai trò hết sức quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng được cụ thể hóa trong Nghị quyết số 36-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học phục vụ phát triển bền vững đất nước trong tình hình mới. Tuy nhiên, việc đảm bảo nguồn nước đáp ứng cho mục đích sinh hoạt và mục đích khác ở các đảo, cụm đảo còn gặp nhiều thách thức như: Thiếu nước, ô nhiễm nguồn nước, sử dụng nước chưa hiệu quả, công tác quản lý tài nguyên nước chưa tốt, thiếu chính sách để huy động nguồn lực xã hội đầu tư công trình cho các đảo,…
Cụ thể, đối với các đảo thiếu nước mùa khô (có nguồn nước dưới đất, nước mặt, mưa), cần đầu tư xây dựng hồ chứa tại các đảo có đủ kiện về địa hình để cấp nước và bổ sung nhân tạo cho nước dưới đất; thu gom nước mưa sử dụng tại tòa nhà công sở như: UBND, Trạm y tế...; từng bước chuyển đổi mô hình tưới nhỏ giọt cho sản xuất nông nghiệp (đặc biệt tại đảo Lý Sơn); tận dụng tối đa nguồn nước khe suối... Thời gian tới, các đảo, cụm đảo ở Việt Nam cần tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong khai thác, sử dụng nước, bảo vệ phát triển tài nguyên nước trên các đảo, đặc biệt các đảo có vai trò, vị trí chiến lược trong phát triển kinh tế, an ninh, quốc phòng.
Tại Hội thảo, các chuyên gia trẻ đã trao đổi, thảo luận một số nội dung về tích trữ và phân bổ nguồn nước hiệu quả trong các thời kỳ để đáp ứng nhu cầu sử dụng nước; tích trữ nguồn nước Đồng bằng sông Cửu Long; thúc đẩy hệ sinh thái, nguồn nước tại các đảo; giải pháp chống hạn hán và xâm nhập mặn vùng Đồng bằng sông Cửu Long…Qua đó, đề xuất một số giải pháp chung như: Có chính sách khuyến khích, ưu đãi trong sử dụng tiết kiệm, giảm thiểu thất thoát, lãng phí, nâng cao hiệu quả sử dụng; tăng cường công tác điều tra cơ bản tài nguyên nước; quản lý chặt chẽ công tác cấp phép, đăng ký khai thác nước dưới đất, trám lấp các giếng không sử dụng; tuyên truyền vận động người dân sử dụng nước tiết kiệm, tái sử dụng nước.../.