Môi trường

Giải quyết thách thức tài nguyên nước thông qua Mạng lưới chuyên gia trẻ ngành nước

Vĩnh Phúc

Thông qua hướng dẫn và tương tác từ các chuyên gia hai nước Việt Nam, Australia, các chuyên gia trẻ sẽ tăng cường đối thoại với các bên liên quan, đưa ra giải pháp với các thách thức, quản lý bền vững tài nguyên nước tại Việt Nam, mang lại hiệu quả lâu dài và bền vững cho môi trường.

Phó Cục trưởng, Cục Quản lý tài nguyên nước Ngô Mạnh Hà phát biểu tại hội thảo (Ảnh: Diệu Thúy/TTXVN)

TTXVN - Trong khuôn khổ thực hiện các hoạt động hợp tác nâng cao năng lực quản lý tài nguyên nước, ngày 5/12, tại tỉnh Vĩnh Phúc, Cục Quản lý tài nguyên nước (Bộ Tài nguyên và Môi trường) phối hợp với Bộ Ngoại giao và Thương mại Australia (DFAT), Cơ quan hợp tác ngành nước Australia (AWP) tổ chức Hội thảo "Mạng lưới Chuyên gia trẻ ngành nước 2023 - Giải quyết thách thức tài nguyên nước Việt Nam".

Phát biểu khai mạc, Phó Cục trưởng, Cục Quản lý tài nguyên nước Ngô Mạnh Hà cho biết, hợp tác Việt Nam- Australia trong lĩnh vực tài nguyên nước đã và đang được triển khai nghiêm túc, kịp thời. Cơ quan hợp tác ngành nước của Australia (AWP) với vai trò là một đối tác phát triển tích cực đã hợp tác chặt chẽ, hiệu quả với Cục Quản lý tài nguyên nước trong quá trình cập nhật thông tin, kiến thức về kinh nghiệm quản lý tài nguyên nước tiên tiến tại Australia; qua đó, áp dụng vào thực tiễn tại Việt Nam. Hội thảo là bước mở đầu cho sự hình thành Mạng lưới chuyên gia trẻ ngành nước của Việt Nam. Theo đó, các chuyên gia trẻ được lựa chọn tham gia Mạng lưới này là đại diện cho các cán bộ, nghiên cứu viên, nhà khoa học trẻ, giảng viên, sinh viên có độ tuổi từ 21 đến 35, đang công tác, học tập tại các cơ quan, viện nghiên cứu, trường đại học... trong các lĩnh vực quản lý tài nguyên nước, quản lý tài nguyên thiên nhiên, biến đổi khí hậu, môi trường và một số lĩnh vực liên quan.

Thông qua hướng dẫn và tương tác từ các chuyên gia hai nước Việt Nam, Australia, các chuyên gia trẻ sẽ tăng cường đối thoại với các bên liên quan, đưa ra giải pháp với các thách thức, quản lý bền vững tài nguyên nước tại Việt Nam, mang lại hiệu quả lâu dài và bền vững cho môi trường.

Các nhóm tham gia thảo luận tại hội thảo (Ảnh: Diệu Thúy/TTXVN)

Chia sẻ hiện trạng công tác quản lý tài nguyên nước tại Việt Nam, bà Nguyễn Thị Việt Hồng, Cục Quản lý tài nguyên nước cho biết, những năm gần đây, công tác quản lý tài nguyên nước tại Việt Nam đã đạt được những kết quả nhất định. Công tác điều tra, đánh giá về tài nguyên nước trên các lưu vực sông, nguồn nước dưới đất, các vùng kinh tế, hải đảo được triển khai đồng bộ. Danh mục lưu vực sông (liên quốc gia, liên tỉnh, nội tỉnh), Danh mục nguồn nước đã được ban hành. Giá trị dòng chảy tối thiểu ở hạ lưu các hồ chứa, đập dâng đã được xác định, công bố. Bộ Tài nguyên và Môi trường đã trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch tài nguyên nước quốc gia; 5 quy hoạch tổng hợp lưu vực sông liên tỉnh. Danh mục hồ, ao, đầm, phá không được san lấp đã được công bố cùng nhiều quy định về bảo vệ chất lượng nguồn nước, phòng chống ô nhiễm, suy thoái, cạn kiệt nguồn nước...

Đặc biệt, Luật Tài nguyên nước sửa đổi đã được Quốc hội Việt Nam thông qua tại Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XV. Điểm mới của Luật Tài nguyên nước sửa đổi vừa được thông qua là việc bổ sung quy định: Các loại nguồn nước liên quan đến hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng, có giá trị cao về đa dạng sinh học, bảo tồn văn hóa cần ưu tiên bảo vệ và phục hồi; phục hồi các nguồn nước bị suy thoái, cạn kiệt, ô nhiễm...

Chia sẻ kinh nghiệm quản lý nguồn nước ở Australia, ông John Riddiford, Chủ tịch Nhóm Chuyên gia Quản lý lưu vực sông và lưu vực sông của Hiệp hội nước quốc tế cho biết, những thách thức về khan hiếm nước ở Australia, trước hết là do tác động liên quan đến biến đổi khí hậu như: Lũ lụt, hạn hán và hỏa hoạn, từ đó, ảnh hưởng đến lượng dòng chảy gây thiếu hụt nguồn nước.

Các đại biểu chụp ảnh kỷ niệm (Ảnh: Diệu Thúy/TTXVN)

Do vậy, mục tiêu quản lý ngành nước Australia hiện nay là quản lý hiệu quả tài nguyên nước để đáp ứng nhu cầu đô thị, nông thôn và môi trường trong tương lai. Từ đó, cải thiện hiệu quả cung cấp, sử dụng nước ở các thành phố và thị trấn; cơ sở hạ tầng thủy lợi; tạo điều kiện cho đường thủy, hỗ trợ nhu cầu của cộng đồng; thúc đẩy cơ chế quản lý cho ngành nước có hiệu suất cao và hiệu quả; nâng cao năng lực ứng phó và thích ứng với biến đổi khí hậu...

Khuyến nghị giải pháp quản lý tài nguyên nước đối với Việt Nam, ông John Riddiford đề xuất một số nguyên tắc cơ bản cần tuân thủ. Theo đó, các cơ quan chức năng cần nhất quán trong chính sách và khuôn khổ pháp lý; từ đó, hiểu được giá trị đầy đủ của nước bằng sự cam kết đối với việc quản lý; thúc đẩy sự minh bạch, tính chịu trách nhiệm. Ngoài ra, Việt Nam cần có sự tham gia, trao đổi giữa các bên liên quan như: Kinh nghiệm về tài chính, khung pháp lý tài nguyên nước và hoạt động tổ chức ủy ban lưu vực sông./.

Diệu Thúy

Xem thêm