Đại biểu tham dự tập trung đánh giá những thành tựu, khó khăn, vướng mắc, hạn chế, nguyên nhân và bài học kinh nghiệm; sự cần thiết tiếp tục thực hiện Đề án…
TTXVN - Sáng 23/1, tại Hà Nội, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam tổ chức Hội thảo “Đề án Biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam giai đoạn 2014-2023: Kết quả, bài học, những vấn đề đặt ra và định hướng giải quyết”.
Đại biểu tham dự tập trung đánh giá kết quả thực hiện Đề án giai đoạn 2014-2023; những thành tựu, khó khăn, vướng mắc, hạn chế, nguyên nhân và bài học kinh nghiệm; sự cần thiết tiếp tục thực hiện Đề án…Từ đó đề xuất phương án và các giải pháp thực hiện trong giai đoạn tiếp theo.
Phát biểu khai mạc, Tiến sỹ Phan Chí Hiếu, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, Chủ nhiệm Đề án Biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam cho biết, ngày 28/7/2014, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1262 /QĐ-TTg phê duyệt Đề án Biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam (gọi tắt là Đề án).
Mục tiêu của Đề án là góp phần nâng cao trình độ dân trí, phục vụ sự nghiệp xây dựng, bảo vệ, phát triển đất nước, trở thành công cụ học tập, tra cứu chính thức, chuẩn mực, thiết yếu trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế của Việt Nam. Bách khoa toàn thư Việt Nam là công trình khoa học đặc biệt, phản ánh những tri thức cần thiết đối với Việt Nam; bảo đảm tính khoa học, tính dân tộc, hiện đại, chuẩn mực và hệ thống; đồng thời, quán triệt quan điểm của chủ nghĩa Mác- Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối chính sách của Đảng và Nhà nước. Bách khoa toàn thư Việt Nam sẽ gồm 37 quyển viết về 73 ngành ở các cụm lĩnh vực như: Khoa học xã hội và nhân văn; khoa học tự nhiên và công nghệ, nghệ thuật…
Báo cáo tình hình thực hiện Đề án Biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam giai đoạn 2014-2023, Thạc sỹ Lê Thị Thu Hương, Giám đốc Văn phòng Đề án cho biết, thực tế triển khai Đề án trong 10 năm cho thấy, mặc dù đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, đáng khích lệ như: Quy tụ được hơn 1.000 các nhà khoa học, giới chuyên môn… dần dần có tay nghề trong việc tham gia biên soạn Bộ Bách khoa toàn thư Việt Nam; hoàn chỉnh được mô hình cấu trúc của Bộ Bách khoa toàn thư Việt Nam; xác định và trang bị kiến thức về Bộ Bách khoa toàn thư Việt Nam cho đông đảo đội ngũ cán bộ tham gia biên soạn…Tuy nhiên, do nguồn nhân lực, tài chính có hạn, lại chưa có kinh nghiệm trong biên soạn Bách khoa toàn thư nên đến nay, công tác biên soạn còn nhiều hạn chế, khó khăn, vướng mắc.
Nhấn mạnh tính cấp thiết trong việc tiếp tục triển khai thực hiện Đề án, Thạc sỹ Lê Thị Thu Hương cũng cho rằng, những khó khăn mà 37 Ban biên soạn chuyên ngành đang phải đối mặt bao gồm cả chủ quan và khách quan, trong đó nổi lên vấn đề có sự chênh lệch về tiến độ thực hiện giữa các Ban biên soạn trong giai đoạn 2014-2023.
Để khắc phục trình trạng trì trệ trong thực hiện Đề án thời gian tới, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Đinh Ngọc Vượng, Phó Trưởng Ban biên soạn Quyển 30, Luật học kiến nghị, trước hết Ban biên soạn cần sớm kiện toàn Ban chủ nhiệm Đề án; cần quyết định thành lập Hội đồng biên tập Bách khoa toàn thư Việt Nam, thành lập Ban biên tập thuộc các ban biên soạn chuyên ngành; kiện toàn Ban thư ký Đề án; kiện toàn Văn phòng Đề án; rà soát kiện toàn các Ban biên soạn chuyên ngành. Ngoài ra, ban hành quy chế quản lý khoa học của Đề án, quan trọng nhất là hoàn thiện cơ chế tài chính của Đề án.
Tại Hội thảo, nhiều chuyên gia, nhà khoa học đưa ra ý kiến, nếu được tiếp tục, với những tiền đề đã có và rút kinh nghiệm quá trình thực hiện vừa qua, Đề án có thể hoàn thành trong khoảng thời gian cho phép (5-7 năm). Từ đó, các nhà khoa học đề xuất một số giải pháp thực hiện Đề án trong giai đoạn tiếp theo như: Cần có kế hoạch tổng thể để hoàn thành Đề án tương ứng với thời gian được gia hạn; giao kế hoạch sớm cho Ban biên tập các nội dung cụ thể để chủ động bố trí thời gian, phân công người biên soạn, biên tập…/.