Năm 2024, Viện Hàn lâm sẽ tiếp tục nâng cao chất lượng sản phẩm các nhiệm vụ khoa học công nghệ; đẩy mạnh các hướng nghiên cứu phù hợp với cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
TTXVN - Chiều 19/1, tại Hà Nội, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam (Viện Hàn lâm) tổ chức Họp báo cung cấp thông tin khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam Trần Tuấn Anh nhấn mạnh, năm 2024 là năm gấp rút thực hiện kế hoạch 5 năm (2021-2025), năm có ý nghĩa quan trọng tiến tới kỷ niệm 50 năm Ngày thành lập Viện và thực hiện Chiến lược phát triển Viện đến năm 2030, tầm nhìn 2045 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Theo đó, Viện Hàn lâm sẽ tập trung thực hiện tốt các nhiệm vụ quan trọng như: Triển khai, thực hiện các Đề án, Nghị quyết quan trọng do Trung ương, Bộ Chính trị và Chính phủ giao; thúc đẩy công bố các công trình nghiên cứu chất lượng, đặc biệt chú trọng nâng cao chất lượng các công bố quốc tế đạt chuẩn quốc tế. Đồng thời, Viện Hàn lâm sẽ tiếp tục nâng cao chất lượng sản phẩm các nhiệm vụ khoa học công nghệ; tăng cường công tác ươm tạo công nghệ, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất và đời sống, đẩy mạnh các hướng nghiên cứu phù hợp với cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Thông tin những kết quả đã đạt được trong năm 2023, ông Trần Tuấn Anh cho biết, hoạt động nghiên cứu cơ bản luôn là một trong những thế mạnh của Viện Hàn lâm. Hệ thống trên 100 đài trạm của Viện Hàn lâm trải rộng trên khắp lãnh thổ, lãnh hải Việt Nam quan trắc các yếu tố môi trường tự nhiên, tiếp tục được duy trì hoạt động ổn định. Hoạt động nghiên cứu ứng dụng và triển khai công nghệ tiếp tục luôn được Viện Hàn lâm chú trọng đẩy mạnh. Viện đã tích cực phối hợp với các Bộ, ngành và các tổ chức quốc tế trong việc xây dựng các văn bản, chính sách, quy chế, tiêu chuẩn về sở hữu trí tuệ và thương mại hóa công nghệ. Năm 2023, Viện đã được cấp 76 Bằng độc quyền phát minh sáng chế và Bằng độc quyền giải pháp hữu ích, trong đó có 3 Bằng độc quyền sáng chế quốc tế.
Viện Hàn lâm đã công bố tổng số 2.211 công trình khoa học, gồm 1.738 công trình công bố trên các tạp chí quốc tế và 76 Bằng độc quyền phát minh sáng chế và giải pháp hữu ích. Số lượng các công trình công bố quốc tế của Viện Hàn lâm năm 2023 tiếp tục được duy trì ở mức cao, đạt 1738 công trình, chiếm 78,6 % tổng số công trình công bố.
Đặc biệt, năm 2023, các đơn vị và cá nhân trong Viện Hàn lâm đã nhận được nhiều giải thưởng cấp quốc gia và quốc tế như: Nhà khoa học nữ xuất sắc năm 2023 của L’Oreal - UNESCO, giải thưởng Khoa học công nghệ Quả cầu vàng và 2 công trình khoa học được vinh danh tại 10 sự kiện khoa học và công nghệ nổi bật năm 2023 do Câu lạc bộ Nhà báo Khoa học và Công nghệ Việt Nam bình chọn.
Đồng thời, các nhà khoa học của Viện đã chủ động tham gia nhiều đề tài nghiên cứu ứng dụng, các dự án sản xuất thử nghiệm, đề tài hợp tác địa phương. Các kết quả nghiên cứu đều có tính ứng dụng thiết thực và được chuyển giao cho địa phương, thu hút được sự đầu tư kinh phí đáng kể, điển hình như: Ứng dụng mô hình ngôn ngữ lớn trong phần mềm dịch ngôn ngữ hiếm của Viện Công nghệ thông tin; công nghệ sơn chống cháy của Viện Khoa học vật liệu, công nghệ sơn phản xạ nhiệt của Viện Kỹ thuật nhiệt đới…
Viện Hàn lâm đã và đang tích cực triển khai các hoạt động đối ngoại nhằm tăng cường và mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế về nghiên cứu khoa học công nghệ với các đối tác trong khu vực và trên thế giới. Đặc biệt, Viện Hàn lâm tiếp tục phối hợp với Viện Hàn lâm khoa học Nga hoàn thành chuyến khảo sát nghiên cứu vùng biển Việt Nam bằng tàu Viện sĩ Oparin và chuẩn bị tiếp tục khảo sát năm 2024 bằng tàu Lavrentiev.
Bên cạnh đó, Viện Hàn lâm chú trọng và nỗ lực để hoàn thành các nhiệm vụ do Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ giao như: Nhiệm vụ báo tin động đất và cảnh báo sóng thần, công tác vận hành hoạt động ổn định và hiệu quả hệ thống VNREDSat-1 trên quỹ đạo thực hiện tốt; việc thực hiện Đề án 515 quy tập và định danh liệt sỹ.../.