Các đại biểu cho rằng, giải pháp tối ưu nhất để định giá sát với thị trường là giá đất sẽ do các tổ chức, cơ quan chuyên nghiệp về định giá đất độc lập thực hiện.
TTXVN - Ngày 20/2, tại Nhà Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đã dự Tọa đàm góp ý vào các quy định của dự án Luật Đất đai (sửa đổi) liên quan đến tài chính về đất đai và giá đất do Thường trực Ủy ban Kinh tế tổ chức.
Khai mạc tọa đàm, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) sẽ được trình Quốc hội cho ý kiến lần thứ hai tại Kỳ họp thứ 5 tới và theo chương trình sẽ được Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 6.
Quản lý đất đai là lĩnh vực rất phức tạp, nhạy cảm, tác động đến toàn bộ xã hội, các giai tầng, các lĩnh vực. Do vậy, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Lãnh đạo Quốc hội, phát huy tinh thần chủ động, chuẩn bị từ sớm, từ xa đối với dự luật đặc biệt quan trọng này, Toạ đàm do Thường trực Ủy ban Kinh tế tổ chức tập trung thảo luận các vấn đề liên quan đến tài chính về đất đai và giá đất.
"Nếu xử lý, khơi thông được chính sách tài chính về đất đai và giá đất thì những vấn đề khác của Luật Đất đai cũng sẽ được xử lý, kể cả việc thu hồi đất, bồi thường hỗ trợ tái định cư…", Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế nhấn mạnh, đồng thời mong muốn các chuyên gia, các nhà khoa học, nhà quản lý, các đối tượng đang thực hiện chính sách pháp luật về đất đai, cùng với Bộ Tài nguyên và Môi trường đóng góp ý kiến, tham mưu cho Chính phủ, Quốc hội để hoàn thiện các quy định liên quan đến tài chính về đất đai và giá đất của dự thảo Luật.
Thảo luận tại tọa đàm, các ý kiến cho rằng, giá đất không chỉ là cơ sở để phục vụ cho hoạt động giao dịch quyền sử dụng đất, góp phần ổn định thị trường đất đai, là cơ sở để đền bù khi Nhà nước thu hồi đất mà còn góp phần nâng cao hiệu quả về sử dụng đất và đóng góp vào việc bảo đảm công bằng xã hội, đặc biệt là khi giải quyết tranh chấp đất đai cũng như xây dựng, thực hiện luật pháp về đất đai. Kết quả định giá đất sẽ giúp Nhà nước và người sử dụng đất có những quyết định đúng đắn trong quản lý, kinh doanh. Vì vậy, các vấn đề pháp lý điều chỉnh về giá đất và định giá đất cần phải có cơ sở khoa học và phù hợp với thực tiễn.
Phó Giáo sư, Tiến sỹ Ngô Trí Long, Phó Chủ tịch Hội đồng Khoa học - Đào tạo, Đại học Thành Đông cho biết, thời gian qua, cơ chế xác định giá đất còn nhiều bất cập mà nguyên nhân chủ yếu do việc xác định giá đất cụ thể thấp hơn so với giá thị trường gây thất thu ngân sách Nhà nước. Do đó, giải pháp tối ưu nhất để định giá sát với thị trường là giá đất sẽ do các tổ chức, cơ quan chuyên nghiệp về định giá đất độc lập thực hiện. Các tổ chức này có nghĩa vụ tuân thủ các chuẩn mực, nguyên tắc, phương pháp định giá trong "Tiêu chuẩn định giá Tài sản của Việt Nam", bảo đảm sự thống nhất trong việc định giá đất như phản ánh trung thực giá thị trường, nguyên tắc độc lập, khách quan của các chủ thể tư vấn, xác định giá đất, tuân thủ cơ chế kiểm tra, giám sát…
Đại biểu Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội đề nghị cần có những quy định cụ thể hơn về tổ chức tư vấn định giá đất, trong đó nên bổ sung vào quyền hạn của tổ chức này được quyền yêu cầu cơ quan Nhà nước quản lý thông tin về đất đai cung cấp những thông tin để phục vụ cho nhiệm vụ của tổ chức.
Từ kinh nghiệm của các nước, cũng như từ thực tiễn hoạt động định giá đất của nước ta, một số chuyên gia nhấn mạnh, để công tác định giá đất sát với giá thị trường cần bảo đảm 5 yếu tố: cơ sở pháp lý minh bạch, rõ ràng, tuân thủ đúng quy luật sự hình thành và vận động của giá cả trong nền kinh tế thị trường, phù hợp với thông lệ quốc tế; đội ngũ cán bộ thực thi có năng lực chuyên môn, có đạo đức nghề nghiệp; cơ sở dữ liệu, thông tin phục vụ cho công tác định giá có độ tin cậy, chuẩn xác; có sự giám sát, thanh tra, kiểm tra đầy đủ; có chế tài xử phạt nghiêm minh. Nếu một trong 5 yếu tố này không đáp ứng được thì công tác định giá đất cũng khó đạt mục tiêu.
Các đại biểu đồng tình với quy định bảng giá đất được xây dựng định kỳ hàng năm, được công bố công khai và áp dụng từ ngày 1/1 của năm. Đồng thời đề nghị Chính phủ xây dựng tiêu chuẩn định giá tài sản; mở rộng áp dụng biện pháp đấu giá, đấu thầu quyền sử dụng đất khi Nhà nước giao cho tổ chức, cá nhân có nhu cầu sử dụng đất. Bên cạnh đó, tăng cường kiểm tra, thanh tra, giám sát quá trình định giá đất ở địa phương một cách thường xuyên, chuyên nghiệp, thanh tra đột xuất trong quá trình thực hiện các dự án trọng điểm.
Kết luận tọa đàm, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, thời gian tới, cơ quan chủ trì thẩm tra và cơ quan chủ trì soạn thảo sẽ tổ chức thêm các hội nghị, hội thảo, tọa đàm về các chủ đề khác của dự án Luật Đất đai (sửa đổi); mong muốn nhận được sự đồng hành của các chuyên gia, nhà khoa học nhằm tiếp tục hoàn thiện dự thảo Luật trình Quốc hội./.