An sinh

Địa phương đầu tiên hoàn thành xóa nhà tạm ở vùng cao chia sẻ nhiều cách làm hay

Yên Bái

Tỉnh Yên Bái xác định xóa nhà tạm, nhà dột nát cho người dân không chỉ là nhiệm vụ chính trị mà còn là trách nhiệm từ trái tim.

Với những cách làm sáng tạo và triển khai đồng bộ nhiều giải pháp linh hoạt, huyện vùng cao Trạm Tấu trở thành địa phương đầu tiên của tỉnh Yên Bái “về đích” sớm chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát, giúp hộ nghèo, cận nghèo và hộ người có công sớm được an cư, lạc nghiệp.

* Điểm sáng cần nhân rộng

Đến ngày 9/5/2025, huyện Trạm Tấu là địa phương đầu tiên hoàn thành công tác xóa nhà tạm, nhà dột nát tại 11 xã trong toàn huyện. 
Ảnh: Tiến Khánh - TTXVN

Trạm Tấu là huyện vùng cao phía Tây của tỉnh Yên Bái với 12 dân tộc sinh sống; trong đó, dân tộc Mông chiếm gần 80%. Là một trong những huyện nghèo, khó khăn của cả nước với địa hình phức tạp, tỷ lệ hộ nghèo còn cao, dân cư sinh sống không tập trung và trình độ dân trí không đồng đều, nhiều hộ dân nơi đây còn sống trong những ngôi nhà tạm bợ, dột nát.

Năm 2025, thực hiện Đề án triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát, huyện Trạm Tấu phấn đấu xây mới và sửa chữa 253 nhà cho hộ nghèo, cận nghèo và gia đình chính sách. Trong đó có 225 nhà xây mới và 28 nhà sửa chữa. Tổng kinh phí thực hiện hơn 14 tỷ đồng.

Đến ngày 9/5, huyện Trạm Tấu hoàn thành công tác xây mới và sửa chữa 253/253 ngôi nhà tạm, nhà dột nát tại 11 xã trong toàn huyện. Giấc mơ an cư lạc nghiệp của các hộ dân đã được hiện thực hóa. Trạm Tấu trở thành địa phương đầu tiên có cách làm hay và hoàn thành công tác xóa nhà tạm, nhà dột nát của tỉnh trước hơn một tháng theo kế hoạch (trước ngày 30/6). Những ngôi nhà mới khang trang được hoàn thành đưa vào sử dụng, thay thế cho những căn nhà cũ, tạm bợ đã giúp các hộ nghèo nơi vùng cao Trạm Tấu an cư lạc nghiệp, yên tâm lao động sản xuất và tạo động lực vươn lên thoát nghèo.

Gia đình anh Giàng A Lo (thôn Bản Công, xã Bản Công) thuộc diện hộ nghèo và ở trong ngôi nhà xuống cấp nghiêm trọng. Năm 2025, gia đình anh được Nhà nước và tỉnh Yên Bái hỗ trợ 60 triệu đồng để làm nhà. Khởi công từ ngày 7/3, đến nay, gia đình anh đã có ngôi nhà khang trang để ở. Anh Giàng A Lo phấn khởi chia sẻ, có ngôi nhà khang trang, vợ chồng anh yên tâm lao động sản xuất, cố gắng vươn lên thoát nghèo. Anh cảm ơn Đảng, Nhà nước, chính quyền các cấp tỉnh Yên Bái đã giúp đỡ nhân dân bản.

Tính đến ngày 13/5/2025, toàn tỉnh Yên Bái đã khởi công xóa 100% nhà tạm, nhà dột nát, trong đó đã hoàn thành gần có 1.800 nhà, đạt gần 80% so với kế hoạch. 
Ảnh: Tiến Khánh - TTXVN

Tương tự, ngắm nhìn ngôi nhà mơ ước, bà Hảng Thị Dua (xã Pá Lau) xúc động, bà rất vui mừng và cảm động. Nhờ sự quan tâm của các cấp chính quyền, bà có điều kiện để dựng lại ngôi nhà mới. Từ nay, gia đình bà có giấc ngủ ngon mỗi khi trời mưa hay vào mùa đông giá rét.

Bí thư Huyện ủy Trạm Tấu Giàng A Vừ cho biết, để có kết quả này, huyện đã thành lập các Tổ công tác xóa nhà tạm, giao cho người đứng đầu các cơ quan, đơn vị làm tổ trưởng. Các tổ có trách nhiệm phối hợp với xã huy động lực lượng trực tiếp hỗ trợ theo hình thức phù hợp điều kiện thực tế của từng hộ dân; hằng ngày, báo cáo tiến độ, các khó khăn, vướng mắc với lãnh đạo huyện để có phương án tháo gỡ kịp thời.

Cùng với đó, địa phương đã phát động hai đợt thi đua khởi công sớm và thi đua hoàn thành sớm. Đặc biệt, huyện lấy tiến độ làm nhà là một tiêu chí đánh giá, bố trí sử dụng cán bộ ở các xã sau sắp xếp. Từ đó, tạo động lực để các xã và mỗi cán bộ phấn đấu hoàn thành kế hoạch đề ra.

Bên cạnh kinh phí hỗ trợ của Nhà nước, các xã đã chủ động huy động thêm các nguồn lực, nhân công, vật liệu, đất đai... từ gia đình, dòng họ, cộng đồng dân cư để hỗ trợ các hộ làm nhà. Đối với các hộ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, không có khả năng tự làm nhà, địa phương huy động các tổ chức, đoàn thể và cộng đồng dân cư trực tiếp làm nhà cho người dân.

Ngoài ra, huyện Trạm Tấu còn tăng cường tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức về công tác giảm nghèo nhằm tạo sự thay đổi trong nhận thức của các cấp chính quyền, người dân, nhất là các hộ nghèo, cận nghèo. Việc này góp phần khơi dậy ý chí tự giác, nỗ lực vươn lên thoát nghèo của người nghèo, không trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước cũng như sự đồng lòng, chia sẻ với tinh thần “tương thân, tương ái” với người nghèo ở vùng cao.

* Tăng tốc làm nhà

Xã Bản Công, huyện Trạm Tấu, huy động các lực lượng hỗ trợ ngày công giúp hộ nghèo làm nhà mới. 
Ảnh: Tiến Khánh - TTXVN

Xác định xóa nhà tạm, nhà dột nát cho người dân không chỉ là nhiệm vụ chính trị mà còn là trách nhiệm từ trái tim. Những năm qua, Yên Bái đã ban hành nhiều đề án, chính sách để thực hiện hiệu quả công tác giảm nghèo bền vững, chăm lo cho người nghèo và các đối tượng chính sách; trong đó có Đề án xóa nhà tạm, nhà dột nát.

Từ năm 2016 đến nay, tỉnh đã hỗ trợ xây dựng trên 16.000 căn nhà; trong đó gần 2.400 căn cho gia đình người có công và hơn 13.600 căn cho hộ nghèo, cận nghèo. Kết quả xóa nhà tạm, nhà dột nát góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh từ 32,21% (năm 2016) xuống còn 5,86% (năm 2024). Tỷ lệ nghèo đa chiều của Yên Bái xếp thứ 15/63 tỉnh, thành phố và đứng thứ 4/14 tỉnh Trung du và miền núi phía Bắc (chỉ sau Thái Nguyên, Bắc Giang và Phú Thọ).

Năm 2025, Yên Bái ban hành Đề án xóa nhà tạm, nhà dột nát nhằm hỗ trợ 2.208 nhà với kinh phí thực hiện khoảng 120,69 tỷ đồng, từ ngân sách Nhà nước và nguồn xã hội hóa. Tỉnh phấn đấu hoàn thành mục tiêu này trước ngày 30/8/2025.

Đến ngày 13/5, toàn tỉnh Yên Bái đã khởi công 100% ngôi nhà tạm, nhà dột nát; trong đó có 1.762 nhà đã hoàn thành, đạt 79,8% so với Đề án (xây mới 1.396 nhà, sửa chữa 366 nhà). Tỉnh đã giải ngân cho 1.519 hộ với kinh phí trên 73,5 tỷ đồng; hai địa phương hoàn thành xóa nhà tạm, nhà dột nát gồm huyện Trạm Tấu (253 nhà) và thành phố Yên Bái (17 nhà). Với tiến độ thực hiện như hiện nay, tỉnh dự kiến 100% số nhà sẽ hoàn thành trước ngày 30/6, vượt mục tiêu kế hoạch của Đề án.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái Vũ Thị Hiền Hạnh thông tin, việc triển khai Đề án xóa nhà tạm, nhà dột nát đã nhận được sự vào cuộc tích cực của cấp ủy, chính quyền các cấp, sự đồng thuận và ủng hộ từ nhân dân. Các địa phương đã chủ động huy động thêm nguồn lực xã hội hóa, nhân công, vật liệu, đất đai từ gia đình, dòng họ, cộng đồng. Đối với các hộ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, không thể tự làm nhà, chính quyền và các tổ chức, đoàn thể, người dân địa phương đã trực tiếp giúp đỡ, xây dựng nhà ở cho họ.

Tỉnh chỉ đạo Sở Xây dựng thiết kế các mẫu nhà phù hợp với điều kiện, đặc điểm văn hóa của từng dân tộc để các gia đình có thể vận dụng làm nhà. Nhờ sự ủng hộ, hỗ trợ của cộng đồng, mỗi căn nhà sau khi hoàn thành đều có chất lượng tốt. Với sự chỉ đạo sát sao của tỉnh, sự vào cuộc của các cấp, ngành, địa phương và sự hưởng ứng, tham gia của các tầng lớp nhân dân, công tác xóa nhà tạm, nhà dột nát đã trở thành phong trào rộng khắp theo phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”.

Thời gian tới, Yên Bái tiếp tục tăng cường chỉ đạo các địa phương tập trung hỗ trợ hộ dân khởi công làm nhà, bảo đảm hoàn thành đúng tiến độ theo mục tiêu đề ra. Tỉnh sẽ thành lập các đoàn kiểm tra, giám sát để theo dõi, đánh giá kết quả triển khai tại các địa phương, phấn đấu hết năm 2025, Yên Bái không còn nhà tạm, nhà dột nát./.

Bùi Tiến Khánh

Tin liên quan

Xem thêm